📞

Zimbabwe: “Bằng mặt” nhưng có “bằng lòng”?

12:56 | 17/09/2008
Việc Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC) của ông Morgan Tsvangirai, người sẽ trở thành Thủ tướng Zimbabwe theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực, yêu cầu quân đội Anh quay trở lại Zimbabwe và giúp huấn luyện cho quân đội nước này được dư luận đánh giá là sẽ là phép thử quan trọng đầu tiên để biết thỏa thuận ký giữa Tổng thống Robert Mugabe và thủ lĩnh MDC đối lập Tsvangirai có phải là thỏa thuận chia sẻ quyền lực thực sự hay không.

Theo thỏa thuận, ông Mugabe sẽ duy trì kiểm soát quân đội trong khi ông Tsvangirai sẽ điều hành lực lượng cảnh sát. Quân đội, đã được sử dụng liên tục cùng với “các cựu chiến binh” để tấn công những người ủng hộ MDC, sẽ cần được giảm bớt vai trò chính trị nhằm khôi phục luật pháp và trật tự. Giới quan sát đều cho rằng quyết định về việc quân đội Anh trở lại Zimbabwe sẽ có ý nghĩa biểu tượng, ông Mugabe luôn có thái độ đối đầu với Anh và từng khẳng định rằng: “Zimbabwe sẽ không bao giờ trở thành một thuộc địa như xưa”. Anh đã có mối quan hệ căng thẳng với Chính phủ Mugabe trong suốt thời gian đàm phán và các nước thuộc Khối thịnh vượng chung đã phải giúp huấn luyện quân đội cho nước này.

 

Từ những năm 1980, khoảng 200 chuyên gia quân sự Anh đã đến Zimbabwe giúp đào tạo lực lượng an ninh nước này sau khi giành độc lập, cho đến khi họ buộc phải rút đi sau khi các trang trại của người da trắng bị thu giữ năm 2000. Theo các nhà phân tích, sự hiện diện của họ sẽ đảm bảo cho MDC, khi những nhà lãnh đạo của đảng này quan ngại về khả năng tồn tại của thỏa thuận, đặc biệt sau khi ông Mugabe nói với các lãnh đạo bộ lạc rằng việc để đảng Zuna-PF của ông hợp tác với MDC “giống như trộn nước với lửa”.

 

Hiện còn quá sớm để nói ổn định chính trị đã trở lại với Zimbabwe, song chí ít với sự “bằng mặt” của hai đối thủ chính trị ở nước này, Mỹ, EU và Anh cho biết họ sẽ xem xét các chi tiết của thỏa thuận trên trước khi ra quyết định nới lỏng lệnh trừng phạt Zimbabwe. Các ngoại trưởng EU gặp nhau tại Brussels đã ra tuyên bố chung rằng EU sẵn sàng thông qua một loạt biện pháp hỗ trợ kinh tế để ủng hộ chính quyền Zimbabwe tiến hành những bước khôi phục kinh tế.       

 

Lê Duy