Năm 2003, nhà lãnh đạo Zimbabwe khi đó là ông Robert Mugabe tuyên bố nước này ra khỏi Khối Thịnh vượng chung - nhóm các nước là thuộc địa cũ của Anh - sau khi Zimbabwe bị đình chỉ tư cách thành viên của khối do tình trạng bạo lực và rối ren liên quan cuộc bầu cử năm trước đó.
Trong thông báo ngày 21/5, Khối Thịnh vượng chung cho biết đã nhận được thư của Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa - người lên nắm quyền thay thế ông Mugabe sau cuộc đảo chính do quân đội tiến hành tháng 11/2017 - đề đạt nguyện vọng nước này được tái gia nhập khối.
Trong thư, ông Mnangagwa đề xuất các quan chức của khối giám sát cuộc tổng tuyển cử sắp tới của Zimbabwe dự kiến diễn ra vào tháng Bảy tới.
Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa. (Nguồn: icirnigeria.org) |
Cuộc bầu cử Tổng thống, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được cho là phép thử lớn về dân chủ đầu tiên của quốc gia thuộc khu vực miền Nam châu Phi này.
Để gia nhập trở lại Khối Thịnh vượng chung, Zimbabwe phải chứng minh nước này đáp ứng đầy đủ các giá trị cốt lõi của khối, bao gồm dân chủ, luật pháp và bảo vệ nhân quyền. Quy trình xét duyệt thành viên bao gồm đánh giá tình hình tại Zimbabwe cũng như tham vấn các quốc gia thành viên khác.
Nếu đề đạt của Tổng thống Mnangagwa được chấp nhận, Zimbabwe sẽ là quốc gia thứ 5 tái gia nhập Khối Thịnh vượng chung sau Gambia, Nam Phi, Pakistan và Fiji. Khối này hiện bao gồm 53 quốc gia thành viên, chủ yếu là các thuộc địa cũ của Anh, với tổng dân số lên đến 2,4 tỷ người.
Theo Tổng thư ký Khối Thịnh vượng chung Patricia Scotland, các thành viên của khối này mong muốn Zimbabwe quay trở lại khi các điều kiện đã được đáp ứng đầy đủ.
Bà Patricia Scotland cho rằng việc Zimbabwe trở lại khối này sẽ là một sự kiện quan trọng. Bà cũng xác nhận Khối Thịnh vượng chung sẽ cử quan sát viên tới theo dõi cuộc bầu cử tại Zimbabwe.
Phản ứng trước thông tin trên, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 21/5 đã hoan nghênh động thái của Zimbabwe. Theo ông, vào thời điểm hiện nay, Zimbabwe cần thể hiện tuân thủ cam kết đối với những giá trị về dân chủ và nhân quyền của Khối Thịnh vượng chung.