Thủ tướng Đức Angela Merkel và Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh. |
Yêu cầu tất yếu khách quan
Sự kiện Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm thành viên Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao diễn ra vào cuối kỳ họp Quốc hội khoá XIII nhưng lại được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi đây là lần đầu tiên Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm thẩm phán Toà án tối cao và là lần đầu tiên có các thẩm phán tối cao không thuộc ngành toà án. Điều chưa từng có trong tiền lệ là trong danh sách 15 Thẩm phán được phê chuẩn bổ nhiệm có cái tên: Nguyễn Thị Hoàng Anh - Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Đức.
Đánh giá về sự kiện này, ông Nguyễn Quý Bính, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng: "Đây là lần đầu tiên có một Đại sứ ở Bộ Ngoại giao được bổ nhiệm làm Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao. Tôi nghĩ, cái tên Hoàng Anh sẽ đi vào lịch sử của Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, như là một nhân vật tạo ra bước ngoặt mới. Đặc biệt, sự lựa chọn này hoàn toàn hợp lý bởi Hoàng Anh đã được đào tạo cơ bản sát hợp với ngành nghề, có quá trình công tác tại một đơn vị chuyên sâu về lĩnh vực luật pháp quốc tế".
Có lẽ, sẽ có người đặt dấu hỏi, tại sao lại cần một nhà ngoại giao trong cơ quan xét xử cao nhất Việt Nam? Từ khía cạnh khách quan, có thể nói đó là yêu cầu tất yếu của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện. Trong báo cáo giải trình tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình đã nêu: "Thực tế những năm qua, việc xây dựng pháp luật và hướng dẫn pháp luật còn hạn chế, nhất là những vấn đề liên quan đến giải quyết các vụ việc tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Vì thế, rất cần các chuyên gia đầu ngành về pháp luật. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, càng cần có các chuyên gia đầu ngành về pháp luật và công pháp quốc tế để tham gia giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài, các vụ tranh chấp quốc tế”.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn tích cực và chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó hội nhập về kinh tế là một nội dung quan trọng. Từ trước đến nay, doanh nghiệp và người dân mới chỉ quen với quy luật làm ăn trong nước nên khi bước ra môi trường toàn cầu, với đối tác và luật chơi mới, việc bỡ ngỡ hay gặp nhiều khó khăn là điều tất yếu. Vì thế, Việt Nam cần chuẩn bị hiểu biết về khung pháp lý quốc tế liên quan đến hoạt động kinh doanh, đầu tư ở nước ngoài, kinh nghiệm trong giao tiếp và tiếp xúc quốc tế để tránh những tranh tụng không mong muốn.
Đại sứ Hoàng Anh chúc Tết kiều bào tại Trung tâm thương mại Thái Bình Dương, Berlin năm Ất Mùi.
Trách nhiệm mới
Nhiều người cho rằng nhà ngoại giao làm thẩm phán thì là "tay ngang", nhưng Đại sứ Hoàng Anh lại là dân luật chính cống với bằng Tiến sĩ Luật Đại học Tổng hợp Humboldt (Berlin, Đức), chuyên ngành công pháp quốc tế. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp Quốc hội cũng đánh giá bà Hoàng Anh là một trong những chuyên gia đầu ngành về công pháp quốc tế, đã từng tham gia xây dựng nhiều văn bản pháp luật cũng như đàm phán quốc tế với tư cách là Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.
Là người từng cùng bà Hoàng Anh soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Ngoại giao, như Luật Điều ước, Luật về Cơ quan đại diện ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Bá Sơn, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, đánh giá: "Tôi rất tin tưởng ở sự hiểu biết về pháp luật Việt Nam, cũng như pháp luật quốc tế của Hoàng Anh. Chính sự hiểu biết và những nỗ lực trong công tác làm luật của Hoàng Anh đã xây dựng được lòng tin của các cơ quan Quốc hội và các bộ, ngành khác. Do đó, việc Hoàng Anh trở thành Thẩm phán tối cao chính là kết quả của một quá trình rất dài nỗ lực nghiên cứu và xây dựng uy tín của cá nhân chị".
Đại sứ Nguyễn Bá Sơn cho rằng: "Yêu cầu của các thẩm phán là trao đổi, tranh biện để tìm ra sự thật khách quan, còn với các nhà ngoại giao là lắng nghe, trao đổi để đạt được giải pháp mà các bên đều có thể chấp nhận được. Thực tế cho thấy, trong đa phần các tranh chấp dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài, sự thiếu hiểu biết lẫn nhau về văn hoá kinh doanh, văn hoá pháp luật dễ dẫn đến những tranh chấp gây thiệt hại cho cả đôi bên. Vai trò kết nối giữa các bên trong những vụ việc như vậy cực kỳ quan trọng và thiết nghĩ không ai có thể làm điều này tốt hơn các nhà ngoại giao chuyên nghiệp có hiểu biết về pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế cũng như nhiều kinh nghiệm tiếp xúc quốc tế".
Trách nhiệm mà Quốc hội và nhân dân gửi gắm vào các thẩm phán nói chung và nữ thẩm phán xuất thân từ ngành ngoại giao nói riêng thật lớn lao, với rất nhiều thách thức mới. Tuy nhiên, những người từng tiếp xúc với Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh trên nhiều cương vị mà bà từng đảm nhận đều tin tưởng, nữ Đại sứ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh sinh ngày 23/5/1960. Từ năm 1980-1988, bà học Đại học Luật và Tiến sĩ Luật tại Đại học Tổng hợp Humboldt, Berlin, Đức. Bà bắt đầu làm việc tại Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao từ năm 1991. Đến tháng 7/2009, bà là Vụ trưởng Vụ này và từ tháng 7/2012 đến nay, bà là Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức. |
Liên Châu (ghi)