Những cuốn sách này theo phong cách mới, phong cách cổ điển hay pha trộn cả hai.
1. Under the Harrow (tạm dịch: “Dưới lưỡi bừa”) của Flynn Berry
Quyển sách Under the Harrow là tác phẩm đầu tay của tác giả Flynn Berry. Quyển sách đưa người đọc vào sâu trong suy nghĩ, tâm trí của một người phụ nữ. Trong một lần đi thăm chị gái mình tại một thị trấn nhỏ ở Anh, cô bàng hoàng phát hiện ra chị đã bị giết. Choáng váng và đau khổ, cô thuê phòng tại một quán trọ trong thị trấn để truy tìm kẻ thủ ác.
Đây vừa là một quyển sách tâm lý kinh dị kiểu mới về sự đau khổ, hoang tưởng và những ký ức, vừa vẽ nên bức tranh tâm lý phức tạp về tình cảm chị em, và trên hết, nó kể về một vụ án giết người bí ẩn đầy lôi cuốn.
2. Cuốn Ghettoside: A True Story of Murder in America (tạm dịch: “Ghettoside: Câu chuyện có thật về một tên sát nhân ở Mỹ”) của tác giả Jill Leovy Gabriel
Ở phần cuối của quyển sách, giọng nói trong đầu của một thám tử điều tra tội phạm giết người vang lên khẳng định ý nghĩ không có một mục đích nào cao cả hơn hay tốt đẹp hơn việc giữ gìn trật tự và truy bắt tội phạm. Điều cốt lõi là phải xem việc đó như là một trách nhiệm, không phải là một gánh nặng.
Bằng giọng văn đầy sắc bén, Leovy đã kể về những vụ án giết người, đồng thời cũng nêu lên những quan điểm, lập luận của tác giả sau khi đã nghiên cứu từng chi tiết.
3. When Breath Becomes Air (tạm dịch: “Khi hơi thở nhẹ tựa lông hồng”) của Paul Kalanithi
When Breath Becomes Air là quyển sách ghi chép lại hồi ký về các bác sĩ phẫu thuật tài năng và cuộc đời của học giả Paul Kalanithi khi đang cố gắng đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Quyển sách là nơi gắn kết những mảnh ghép các câu chuyện lại cùng nhau.
Mặc dù phải chịu những mất mát lớn trong cuộc sống, nhưng Kalanithi vẫn cố gắng viết lại cách ông đã phải đối mặt với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối khi ở độ tuổi 30. Thông qua quyển sách, tác giả chỉ muốn truyền tải một thông điệp đơn giản đến tất cả các độc giả là chúng ta hãy tận hưởng cuộc sống khi chúng ta còn có thể.
4. Extracting the Stone of Madness: Poems 1962 – 1972 (tạm dịch: “Sự điên rồ: Thơ 1962 – 1972”) của tác giả Alejandra Pizarnik
Tác phẩm gồm những bài thơ của tác giả Alejandra Pizarnik, một nhà thơ người Argentina đã uống thuốc quá liều để tự tử khi mới 36 tuổi. Quyển sách nói về không gian sống của chúng ta. Nó không quá rộng lớn, nhưng cũng đủ để khiến chúng ta bận tâm và bị chi phối.
Pizarnik đã làm cho các vần thơ trở nên sống động bằng những ngôn từ rời rạc, lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm giúp những độc giả đồng cảm với tác phẩm, nhận thấy được bóng dáng của sự cô đơn và một tâm trí đầy sáng suốt của tác giả.
5. A Little Life (tạm dịch: “Cuộc sống ngắn ngủi”) của tác giả Hanya Yanagihara
Quyển sách A Little Life đã lấy đi nhiều nước mắt của các độc giả. Đây chính là quyển sách đỉnh cao trong sự nghiệp của nhà văn Hanya Yanagihara khi đó. Quyển tiểu thuyết kể về 4 người đàn ông chơi thân với nhau từ khi còn học đại học, mỗi người có một nối niềm riêng trong cuộc sống.
Được đánh giá là “quyển tiểu thuyết đồng tính nam xuất sắc nhất”, quyển sách cũng gây ra khá nhiều tranh cải bởi nó miêu tả, chạm sâu đến tận những xúc cảm và tham vọng của một nhóm những chàng trai đồng tính (đặc biệt được kể lại bởi một tác giả nữ, không hề đồng tính).
6. An Untamed State (tạm dich: “Một nhà nước vô chính phủ”) của tác giả Roxane Gay
Câu chuyện kể về một người phụ nữ bị bắt cóc và bị hành hạ, hãm hiếp trong nhiều ngày liền. Nội dung quyển sách có nét tương đồng với một vụ án điều tra tội phạm Law & Order: SVU. Nhưng, tác giả Roxane Gay không để độc giả của mình chìm đắm trong nhịp điệu của một câu chuyện kể đơn thuần. Quyển tiểu thuyết đầu tay này như là một tia sét làm thức tỉnh những người ít quan tâm đến nạn bạo lực tình dục nhất.
Cho tới khi Mireille được giải thoát, câu chuyện vẫn chưa đi đến hồi kết. Gay muốn các độc giả của mình hiểu được những tổn thương khủng khiếp mà Mireille phải chịu đựng khi cô trở về nhà sau vụ bắt cóc.
7. Dispatches From Dystopia: Histories of Places Not Yet Forgotten (tạm dịch: “Những thông điệp từ chốn hoang tàn: Lịch sử của những nơi chưa rơi vào quên lãng”) của tác giả Kate Brown
Quyển sách gồm 7 đề mục, đưa độc giả đến những nơi không thể đến để khám phá và giải đáp thắc mắc cho những câu hỏi còn bị bỏ ngỏ về các địa điểm bí ẩn khắp các quốc gia trên thế giới. Một trong những bài viết nổi bật trong tác phẩm là “Gridded Lives: Why Kazakhstan and Montana Are Nearly the Same Place” (tạm dịch: “Mạng lưới cuộc sống: Vì sao đất nước Kazakhstan và tiểu bang Montana trông rất giống nhau”).
Mặc dù cách tìm hiểu, viết và tiếp cận những sự kiện lịch sử của bà được cho là không bình thường, thậm chí còn gây ra khá nhiều tranh cãi, nhưng suy cho cùng, nó cũng chính là điểm thu hút các độc giả tìm đến quyển sách này.
8. The Hike (tạm dịch: Hành trình) của tác giả Drew Magary
Đây là quyển tiểu thuyết mới nhất của tác giả Drew Magary. Quyển sách mang hơi hướng của một câu chuyện cổ tích hiện đại, nhưng cũng chứa đựng một số yếu tố kinh dị đủ khiến độc giả không dám tắt đèn khi đọc.
The Hike kể về Ben, một người đàn ông sống cùng gia đình ở vùng ngoại ô thành phố. Một ngày, khi Ben đang đi dạo trong rừng, ông bị một tên giết người đeo mặt nạ hình giống chó Rottweiler tấn công. Ông trốn thoát được nhưng lại bị lạc vào một thế giới khác, nơi có những con cua biết nói và những con qủy mà ông thường tưởng tượng thấy từ thuở bé.
Ben không thể tìm thấy lối thoát nào cho mình. Những sự việc xảy ra dần buộc ông phải trở nên tàn bạo hơn trong một môi trường sống mới. Mỗi tình tiết thắt nút trong câu chuyện đều có lý do, khi câu chuyện đi đến hồi kết, nơi những thứ kinh dị thật sự đang xảy ra sẽ được hé mở.
9. Hot Milk (tạm dịch: “Dòng sữa mẹ”) của tác giả Deborah Levy
Albert Camus, tác giả quyển sách nổi tiếng The Stranger (Người xa lạ) đã từng nói: “Trong xã hội của chúng tôi, bất cứ người đàn ông nào không khóc trong đám tang của mẹ mình sẽ bị kết án tử hình”. Điều này đã sớm được nhắc đến trong tác phẩm Hot Milk của tác giả Deborah Levy, một đối thủ đáng gờm nằm trong danh sách giải thưởng văn học Man Booker của Anh năm nay.
Cả hai tác phẩm The Stranger và Hot Milk đều khai thác đề tài về mối quan hệ giữa mẹ và con, sự bối rối và mất phương hướng khi phải đối mặt với một thế giới vô nghĩa và phi lý (theo chủ nghĩa hiện sinh), niềm hy vọng xã hội sẽ thay đổi và có cái nhìn đồng cảm hơn.
10. Men Explain Things to Me (tạm dịch: “Cách những người đàn ông giải thích cho tôi”) của tác giả Rebecca Solnit
Bộ sưu tập các bài luận văn ngắn này được mở đầu bằng tác phẩm nổi tiếng nhất của các tác giả Solnit, xuất bản lần đầu tiên vào năm 2008, có tên gọi như tựa đề của quyển sách. Trong đó, Solnit kể về một người đàn ông đã dành ra những buổi tối để miêu tả cho cô về một quyển sách mới mà anh ta nghe mọi người nhắc đến.
Bài văn đã đề cập đến một khái niệm mới “mansplaining”, đó chính là từ dùng để diễn tả thái độ ngông nghênh của một người đàn ông khi đang giải thích điều gì với phụ nữ. Và, cuộc gặp gỡ đó chính là ví dụ rõ ràng của “mansplaining”.
Solnit đã đề cập đến thái độ cư xử ngang ngược của những người đàn ông đối với phụ nữ qua nhiều thế kỉ. Thói kiêu căng ngạo mạn đó đã gây khó khăn cho các chị em phụ nữ khi thực hiện quyền lợi của mình, “quyền được nói, được đóng góp ý tưởng, được công nhận trong các sự kiện, được tin tưởng, có giá trị và được nhìn nhận là một con người”.