📞

10 từ khóa của Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Thu Hiền 11:00 | 31/12/2019
TGVN. Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020 nêu năm chất keo dính cho một Cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng: Đoàn kết và thống nhất, Lợi ích kinh tế, Giá trị chung, Quan hệ đối tác và Năng lực thể chế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 chủ trì phiên họp thứ tư Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, tháng 10/2019. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam sắp chính thức bắt đầu. Đến thời điểm này, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào cho vai trò Chủ tịch ASEAN, thưa Thứ trưởng?

Đúng như vậy, khối lượng công việc Việt Nam sẽ đảm nhiệm trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 rất lớn, do vậy, sự chuẩn bị cũng rất quy mô và phải tiến hành từ sớm. Về tổ chức bộ máy, từ cuối năm 2018, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao làm Chủ tịch đã được thành lập. Ủy ban đã rất nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức của mình gồm Ban Thư ký và các Tiểu ban chuyên môn, có sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành, địa phương. Ủy ban cũng đã đề ra từ sớm lộ trình cũng như kế hoạch công tác trong cả năm, tổ chức họp thường kỳ.

Về nội dung, Việt Nam đã hoàn thành đề án Tổng thể và trình lên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việt Nam cũng đã xác định được chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cũng như các trọng tâm, ưu tiên, sáng kiến cho Năm Chủ tịch.

Về tuyên truyền - văn hóa, chúng ta đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể và chi tiết, bao gồm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và du lịch, nhằm quảng bá quảng bá mạnh mẽ hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè ASEAN và quốc tế. Công tác lễ tân - hậu cần và an ninh - y tế cũng được triển khai toàn diện hướng tới đảm bảo một Năm Chủ tịch trọng thị về lễ tân, chu đáo về hậu cần, an toàn, an ninh cao nhất cho các quan khách và đại biểu.

Với sự chuẩn bị ráo riết, khẩn trương và tích cực về mọi mặt, sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, ban ngành, địa phương và đặc biệt là người dân cả nước, sự ủng hộ của các nước ASEAN, và các nước đối tác, bạn bè của ASEAN, Việt Nam tin tưởng đã sẵn sàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020.

Khoảnh khắc lá cờ ASEAN tung bay.

Xin Thứ trưởng điểm qua những hoạt động nổi bật Việt Nam sẽ điều phối trong vai trò Chủ tịch ASEAN?

Trong năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, dự kiến Việt Nam sẽ chủ trì hơn 300 hoạt động ở các cấp khác nhau, rộng khắp ở các lĩnh vực và xuyên suốt ba trụ cột của ASEAN. Trong đó, nổi bật là hai đợt Hội nghị Cấp cao: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN - New Zealand (tháng 4); Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị có liên quan tại Hà Nội (tháng 11). Một hoạt động lớn nữa là Việt Nam chủ trì Đại hội đồng liên Nghị viện lần thứ 41 tại Hạ Long (tháng 8).

Ngoài ra, tại Việt Nam sẽ có khoảng 20 Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế, Tài chính, Bộ trưởng phụ trách về Tội phạm xuyên quốc gia, Bộ trưởng điều phối ba trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội… Trong đó, quan trọng và quy mô nhất có thể nói là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (tháng 8). Một số hoạt động ngoại giao nhân dân khác cũng sẽ được Việt Nam đăng cai, trong đó có Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APPF) dự kiến diễn ra vào quý III.

Ngay sắp tới đây, tháng 1/2020, Việt Nam sẽ tổ chức Họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao. Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng sẽ thông qua toàn bộ chương trình và hoạt động công tác của năm 2020.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam đã chọn chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” với trọng tâm phát huy sức mạnh nội lực của Hiệp hội thông qua sự đoàn kết, liên kết với nhau. Việt Nam sẽ làm gì để thể hiện được khả năng dẫn dắt và điều phối, để tất cả các nước thành viên có thể nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, hướng tới xây dựng Cộng đồng bền vững?

Muốn trở thành một Cộng đồng vững mạnh, ASEAN phải gắn kết với nhau và có đủ khả năng thích ứng được cơ hội cũng như thách thức đặt ra. Chính vì vậy, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Với chủ đề này, Việt Nam sẽ phải phối hợp cùng các nước để tạo ra những giá trị, lợi ích, mẫu số chung để cùng thúc đẩy.

Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, ASEAN, trong đó có Việt Nam nhận thức rõ gắn kết chính là sức mạnh tổng thể của ASEAN, giúp ASEAN đứng vững và vươn lên trong thế giới ngày nay. Năm 2020, ASEAN sẽ phát huy vai trò và đóng góp tích cực vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó đẩy mạnh thương mại và đầu tư nội khối, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển…

Việt Nam cũng sẽ cùng các thành viên ASEAN khác nâng cao nhận thức của người dân để mỗi người dân bên cạnh ý thức quốc gia dân tộc còn có ý thức về Cộng đồng ASEAN, coi mình là một thành viên của Cộng đồng trên tinh thần “Tư duy Cộng đồng, Hành động Cộng đồng”. Chúng tôi hy vọng năm 2020 sẽ góp phần vào tinh thần chung của Cộng đồng.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy những nội dung ưu tiên nào?

Dưới chủ đề xuyên suốt “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam sẽ thúc đẩy năm ưu tiên mà tôi tóm gọn bằng các từ khóa chính: Đoàn kết và thống nhất, Lợi ích kinh tế, Giá trị chung, Quan hệ đối tác và Năng lực thể chế. Đây chính là 5 chất keo dính cần thiết để xây dựng Cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng.

Đoàn kết và thống nhất là chất keo dính quan trọng để xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Chặng đường 52 năm hình thành và phát triển của ASEAN cho thấy đoàn kết và thống nhất chính là chìa khóa mang lại thành công và sức mạnh cho ASEAN. Việt Nam sẽ đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực

Lợi ích kinh tế là chất keo kết dính thứ hai. Việt Nam sẽ cố gắng thúc đẩy những điểm đồng về lợi ích kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN như tăng cường liên kết kinh tế, trao đổi đầu tư và thương mại nội khối, đổi mới sáng tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0…

Giá trị chung đóng vai trò là chất keo kết dính thứ ba để xây dựng một cộng đồng gắn kết. Việt Nam sẽ thúc đẩy tạo dựng các giá trị chung của ASEAN, nâng cao tinh thần công dân ASEAN cũng như nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng trong khu vực và trên thế giới. Việc đề cao hình ảnh của ASEAN có thể thông qua hình ảnh đơn giản như sử dụng cờ ASEAN nhiều hơn, đưa nhiều hình ảnh ASEAN đến với người dân hơn nữa…

Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN không thể thiếu sự ủng hộ và đóng góp của các nước đối tác và tổ chức khu vực và quốc tế. Do vậy, Quan hệ đối tác là chất keo kết dính thứ tư. Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh các cơ chế mà ASEAN tạo dựng cũng như dẫn dắt, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Chất kết dính cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Năng lực thể chế, chính là nâng cao năng lực, tính hiệu quả của thế chế, tận dụng hơn các cơ sở vật chất đã có, ví dụ như trụ sở mới của ASEAN tại Jakarta, Indonesia...

Năm 2020, Việt Nam đảm trách nhiệm vụ "kép” khi cũng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Chúng ta sẽ tận dụng cơ hội kép này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Đây là hai trọng trách lớn của Việt Nam, một vai trò ở quy mô khu vực và một vai trò ở quy mô toàn cầu. Do đó, khối lượng công việc của Việt Nam sẽ rất lớn, tuy nhiên, may mắn rằng hai công việc này lại có thể bổ trợ cho nhau. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, chúng ta có thể đại diện cho ASEAN tại Liên hợp quốc và ngược lại chúng ta cũng làm cầu nối của Liên hợp quốc với ASEAN để triển khai các chương trình, các kế hoạch của ASEAN để đồng bộ với những mục tiêu của Liên hợp quốc, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương đối với hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế cũng như thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Với vai trò "kép" này, chúng ta cũng có cơ hội khẳng định vị thế đất nước, nâng cao uy tín quốc gia, và có tiếng nói quan trọng hơn tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

(thực hiện)