Nhà báo Burchett phỏng vấn Bác Hồ (năm 1964) |
Với Việt Nam, hai từ Bớc-sét (Burchett) trở nên thân thương như tên một người bạn, một người “đồng chí chiến đấu của Việt Nam” (chữ của nhà văn Thép Mới). Ông đã lặn lội vào chiến khu Việt Bắc ngay khi tiếng súng vừa vang lên ở Điện Biên Phủ, và gần 10 năm sau, khi đã ở tuổi ngoại ngũ tuần, ông lại xung phong vào miền Nam Việt Nam để đưa tin về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.
Sáng nay, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (19 Ngọc Hà, Hà Nội) cùng với triển lãm 100 bức ảnh về Việt Nam của Wilfred Burchett, sẽ là một cuộc hội ngộ thú vị của con trai ông, nghệ sĩ George Burchett với mảnh đất Hà Nội, nơi George Burchett chào đời.
Từ Thế chiến II đến chiến khu Việt Bắc
Wilfred Burchett sinh ngày 16/9/1911 tại Melbourne, Australia trong một gia đình làm nghề nông nghiệp và xây dựng. Cuộc đại suy thoái những năm 1930 đã khiến ông phải bỏ học từ sớm và lang bạt khắp đất nước Australia để tìm kiếm việc làm. Wilfred bắt đầu sự nghiệp nhà báo của mình với những tác phẩm ông viết từ nước Đức về những thảm cảnh dưới thời Đức quốc xã. Là phóng viên của nhật báo London Express, ông đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới: Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ đến Thái Bình Dương để viết về Thế chiến II.
Nhà báo Burchett phỏng vấn Bác Hồ (năm 1964) |
Wilfred Burchett là phóng viên phương Tây đầu tiên đến Hirsoshima một tháng sau trận bom nguyên tử. Bài báo của ông về thành phố bị đánh bom xuất hiện trên trang nhất của tờ nhật báo London Express ngày 6/9/1945 với tựa đề Thảm họa nguyên tử - Lời báo động đến toàn thế giới. Sau Thế chiến II, Burchett phụ trách đưa tin về sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh từ Berlin; những ngày đầu của các nước Dân chủ nhân dân ở Đông Âu; sự ra đời của Trung Quốc sau năm 1949 và các cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh Triều Tiên những năm 1951-1953.
Năm 1954, trên đường đến Geneve để đưa tin về hội nghị kết thúc chiến tranh Triều Tiên, ông quyết định đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc ở tỉnh Thái Nguyên để nghe giới thiệu về tình hình Đông Dương. Burchett mô tả lần gặp Bác Hồ đầu tiên ấy vào cuối tháng 3/1954 trước khi mở màn trận Điện Biên Phủ như sau:
“Thật khó tin là chỉ vài giờ sau khi đến nơi, chúng tôi đã có thể ngồi đối diện với nhà lãnh tụ cách mạng huyền thoại này. Nhưng mà ông ở đó, gương mặt hiền từ không lẫn với ai được, đôi mắt đen sâu thẳm lấp lánh, bộ râu mỏng rối bời, gương mặt chúng tôi đã biết từ những bức ảnh và chân dung trong nhiều năm qua. Ông bất ngờ xuất hiện từ bóng tối của rừng rậm, một chiếc áo gió vắt ngang vai như khăn choàng, rảo bước với một chiếc gậy tre dài, mũ cối nghển cao trước trán. Sau khi đã khiến chúng tôi thấy thoải mái bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh rất lưu loát - và cả mấy câu tiếng Ý với bạn đồng sự người Ý của tôi...”.
Trước cuộc gặp gỡ với Bác Hồ trên chiến khu, có lẽ với Burchett, Việt Nam chỉ như tất cả những điểm nóng khác trên thế giới mà ông cần đặt chân đến theo tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của một phóng viên chiến trường. Nhưng sau cuộc gặp gỡ ấy, Việt Nam còn là điểm đến của trái tim ông, nơi ông tự nguyện gắn bó như một người đồng chí. Thật xúc động khi qua những bức ảnh chúng ta được biết rằng, ngay từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ mới bắt đầu, ông đã sống với quân và dân Việt Nam như những người bạn thân thiết. Ông từng làm việc tại bản doanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên tháng 3/1954, chụp cảnh anh bộ đội dừng lại bên đường vỗ vai thân tình với cháu thiếu nhi ở Hưng Sơn, Thái Nguyên, ông lại ngồi trên chiếc ghế tre để phỏng vấn một người nông dân quấn khăn mỏ quạ là bà Nguyễn Thị Đàm...
Trao kỷ niệm chương cho George Burchett Ngày 12/9, tại Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng đã trao Kỷ niệm chương “Vì Hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc” tặng nghệ sĩ George Burchett, con trai nhà báo Wilfred Burchett. |
Hòa bình lập lại ở miền Bắc. Ông chụp được cảnh lá cờ cắm giữa thửa ruộng vừa cấy xong, và con trâu theo người nông dân vào cái sân gạch trong giai đoạn cách mạng ruộng đất. Wilfred Burchett đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để viết sách đặc tả chân thực các giai đoạn của cuộc đấu tranh giành độc lập, tiến lên chủ nghĩa xã hội và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Ông đã có tám đầu sách về Việt Nam. Các tác phẩm đó đều được bạn đọc thế giới hết sức ưa chuộng. Các ấn phẩm sách, báo và phim về Việt Nam của ông đã được độc giả khắp thế giới tìm kiếm và có sức ảnh hưởng lớn đến dư luận thế giới về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, làm dấy lên phong trào đấu tranh phản đối cuộc chiến phi nghĩa này.
|
Việt Nam qua ống kính của Burchett (từ trái qua): Quân dân trong kháng chiến chống Pháp, Niềm vui hòa bình lập lại, Chống chiến tranh phá hoại. |
Người bạn thân thiết của nhiều đồng chí lãnh đạo Việt Nam
Wilfred Burchett là người bạn lớn, là người ủng hộ hết mình đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Ông cũng là người bạn thân thiết của nhiều lãnh đạo Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình và nhiều vị lãnh đạo khác.
Nhà văn Thép Mới viết: “Wilfred Burchett là nhà báo nước ngoài đầu tiên đến miền Nam Việt Nam khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Ở thời điểm khi một số người chỉ đánh võ mồm bằng cách gọi đế quốc Mỹ là “con hổ giấy” và nhiều người khác còn chưa hoàn toàn tin vào thắng lợi cuối cùng của chúng tôi, chúng tôi không thể không đánh giá cao lòng dũng cảm của nhà báo ấy, người đã tình nguyện nhảy vào lửa để tìm ra sự thật. Khi miền Nam Việt Nam còn chìm trong hỗn loạn, khi đất còn rúng động dưới gót bọn xâm lược và tay sai của chúng. Burchett đã xin phép Bác Hồ để được vào Nam”.
Nhà văn Thép Mới kể lại rằng khi nghe ông nài nỉ nguyện vọng táo bạo ấy lúc đã 52 tuổi, Bác Hồ nói: “Nếu muốn vào Nam thì phải tập leo núi với chiếc ba-lô đựng đầy gạch”. Theo lời Bác Hồ, Burchett trở về Bulgaria - quê hương của vợ ông - chất nặng một ba-lô và luyện tập trên những triền núi Balkans dốc ngược, giữa những rặng hoa hồng đầy nắng trời”.
Sự trở lại Burchett “con”
Gia đình Wilfred Burchett có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam. Ngày 17/5/1955, tại Hà Nội, vợ ông hạ sinh một người con trai, đặt tên là George Burchett. Nhiều tháng nay, George Burchett thường xuyên sang Việt Nam để phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành các công việc phục vụ cho cuộc triển lãm.
Trong quá trình lựa chọn và biên tập những bức ảnh đưa tới triển lãm, ông George Burchett rất xúc động khi ngắm lại những gương mặt rất trẻ trung, hầu như lúc nào cũng tươi vui của những con người Việt Nam xưa. Ông kêu gọi những người đến xem triển lãm hãy đoàn kết lại, thể hiện lòng bác ái, bởi lịch sử sẽ sống mãi, quá khứ không thể phai mờ; quá khứ vinh quang, oai hùng là tài sản vô giá của mỗi dân tộc. Ngoài ra, những bức ảnh còn phản ảnh mối thân tình đặc biệt của bản thân ông George Burchett đối với nhân dân Việt Nam, một mối dây bền chặt không thể chia lìa đã có tác động không nhỏ góp phần nuôi dưỡng và hình thành nên tính cách, tình cảm, ước mơ và sự nghiệp nghệ thuật của ông sau này.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà báo Wilfred Burchett (16/9/1911 - 16/9/2011), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Australia và Thông tấn xã Việt Nam đã phối hợp với ông George Burchett tổ chức cuộc Triển lãm các bức ảnh của nhà báo Wilfred Burchett từ ngày 14/9 đến ngày 4/10/2011. 100 bức ảnh đã được Burchett “con” lựa chọn, chú thích tỷ mỉ và được sắp đặt một cách nghệ thuật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều bức lần đầu tiên được công bố. | |
Burchett trong vùng giải phóng của miền Nam Việt Nam 1963- 1964 |
Theo Thethaovanhoa