Dựa theo Bản báo cáo Dinh dưỡng Toàn cầu năm 2016, tỉ lệ người bị béo phì hiện đang tăng lên ở mọi khu vực trên thế giới, và gần như tại tất cả các quốc gia.
Tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau: người do quá nghèo đói không có đủ thức ăn, nên chậm phát triển thể chất cũng như dễ bị bệnh tật; người bị béo phì, tim mạch, tiểu đường và ung thư do có cân nặng quá cao và do trong máu của họ có quá nhiều muối, đường, chất béo.
Cũng theo bản báo cáo nói trên, chế độ dinh dưỡng không phù hợp có liên quan đến một nửa tỷ lệ tử vong của những đứa trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Nguyên nhân này cùng chế độ ăn uống nghèo nàn chính là tác nhân số 1 dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau.
Chế độ ăn uống nghèo nàn là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và cái chết cho nhiều trẻ em dưới 5 tuổi. (Nguồn Reuters) |
Có ít nhất 57 quốc gia phải gánh chịu cả hai dạng thức chính của tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, trong đó có bệnh còi cọc và thiếu máu, cũng như các chứng thừa cân, béo phì hoặc bệnh tiểu đường. Những căn bệnh này đang trút thêm gánh nặng lên hệ thống y tế vốn đã yếu ớt của những quốc gia này.
Theo Lawrence Haddad, nghiên cứu viên chính của Viện Chính sách Thực phẩm Quốc tế” cho hay: “Trong 3 người thì có một người mắc một hoặc một số kiểu mất cân bằng dinh dưỡng”
Bản báo cáo đã chỉ ra “những tổn thất kinh tế to lớn do mất cân bằng dinh dưỡng gây ra”, khi cảnh báo rằng tại châu Phi và châu Á, chính phủ các nước phải dành tới khoảng 11% GDP để khắc phục những hậu quả của tình trạng này. Chi phí sinh hoạt gia đình cũng từ đó mà tăng cao.
Tại Mỹ, khi một người trong gia đình bị béo phì, gia đình đó cần phải tiêu dùng thêm khoảng 8% thu nhập vào khoản chăm sóc y tế. Tại Trung Quốc, bệnh nhân tiểu đường sẽ phải mất đến 16,3% thu nhập của mình cho thuốc men, y tế.
Mặc dầu vậy, hiện nhiều người đang cố gắng cải thiện tình hình. Số lượng trẻ em bị còi cọc, chậm lớn dưới 5 tuổi hiện đang giảm xuống ở mọi khu vực trên thế giới, ngoại trừ châu Phi và châu Đại dương. Cụ thể tại Ghana, tỉ lệ trẻ em còi cọc hầu như đã giảm một nửa, từ 36% xuống còn 19% trong vòng 1 thập kỉ qua.
Lawrence Haddad cho biết thêm: "Dù cho có nhiều thách thức, mất cân bằng dinh dưỡng không phải là không ngăn chặn được, miễn là những nhà chính trị cam kết giải quyết vấn đề này. Nếu những nhà lãnh đạo chính phủ, xã hội, giới trí thức và kinh doanh cùng cam kết… thì không gì là không thể".
Một nhóm chuyên gia độc lập thực hiện Báo cáo Dinh dưỡng Toàn cầu và Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm sẽ kiểm tra bản báo cáo. Nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ như chính phủ Mỹ, chính phủ Anh, Ủy ban châu Âu và quỹ Gates đang cấp kinh phí cho bản báo cáo này.