Có ít nhất 29% học sinh tiểu học trên toàn cầu, trong đó có 20% học sinh tiểu học ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương không được tiếp cận hình thức học tập từ xa. (Nguồn: Businessday) |
Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), ước tính 8 triệu học sinh trên khắp thế giới, trong đó có khoảng 3 triệu học sinh ở Đông Á-Thái Bình Dương, đã chờ đợi ngày đi học đầu tiên trong đời suốt hơn một năm trời.
Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết, trong khi nhiều nơi trên thế giới đã mở cửa lại trường học, vẫn còn hàng triệu học sinh lớp 1 phải chờ tới ngày được đến lớp trong suốt một năm qua và có lẽ, trong học kỳ mới này, có hàng triệu học sinh khác tiếp tục không được thấy trường lớp.
Người đứng đầu UNICEF nhận định: "Nguy cơ không bao giờ được tới lớp đang tăng vọt đối với nhóm trẻ em dễ tổn thương nhất".
Năm 2020, các trường học trên toàn cầu phải đóng cửa hoàn toàn trung bình 79 ngày. Tuy nhiên, đối với 168 triệu học sinh, trong đó có ít nhất 34 triệu học sinh ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trường học của các em phải đóng cửa gần như cả năm kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Thậm chí ngay lúc này, nhiều trẻ em đang phải đối mặt với một nguy cơ chưa từng có, đó là năm thứ hai bị gián đoạn trong học tập.
Những trải nghiệm tích cực ở trường trong giai đoạn chuyển giao từ mầm non lên tiểu học là yếu tố dự báo sự phát triển của trẻ em trong tương lai về mặt xã hội, cảm xúc và giáo dục. Đây là giai đoạn mà giáo dục trực tiếp giúp trẻ nâng cao khả năng độc lập, thích nghi với các thói quen mới và phát triển những mối quan hệ có ý nghĩa với thầy cô và bạn bè. |
Nhiều trẻ em sẽ phải hứng chịu các hậu quả liên quan đến việc trường học đóng cửa: hổng kiến thức, tinh thần căng thẳng, bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng, nguy cơ bỏ học, lao động trẻ em và tảo hôn gia tăng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển quan trọng.
Trong khi các quốc gia trên thế giới đang triển khai một số hành động để thực hiện hình thức học tập từ xa, thì có ít nhất 29% học sinh tiểu học trên toàn cầu, trong đó có 20% học sinh tiểu học ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương không được tiếp cận hình thức học tập này.
Bên cạnh việc thiếu cơ sở vật chất phục vụ việc học tập từ xa, trẻ nhỏ không thể tham gia học tập vì không được hỗ trợ khi sử dụng công nghệ, môi trường học tập không tốt, áp lực phải làm việc nhà, bị bắt phải lao động.
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), nếu không thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm nhẹ tác động, toàn bộ thế hệ học sinh này sẽ phải chịu tổn thất thu nhập 10 ngàn tỷ USD theo thời gian.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, tổn thất sẽ rơi vào khoảng 1,25 ngàn tỷ USD đối với các nước châu Á đang phát triển, tương đương với 5,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực năm 2020.
Các bằng chứng hiện có cho thấy, nếu giải quyết sớm, chi phí giải quyết lỗ hổng trong giáo dục sẽ thấp hơn và mang lại hiệu quả cao hơn, và những đầu tư vào giáo dục sẽ hỗ trợ sự phục hồi, tăng trưởng và thịnh vượng của nền kinh tế.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho rằng: “Đóng cửa trường học chỉ là biện pháp tạm thời và là biện pháp cuối cùng trong các hành động ứng phó với đại dịch. Trường học phải được ưu tiên mở cửa đầu tiên sau khi dỡ bỏ các biện pháp cách ly".
Theo đó, bà Rana cho rằng, cần thiết phải tiêm phòng khẩn cấp cho tất cả giáo viên để đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ giảng dạy.
Những năm tháng đầu tiên trẻ bước vào môi trường học tập, bao gồm cả giáo dục mầm non và năm đầu tiên của tiểu học, là giai đoạn thiết lập nền móng cho việc học tập trong tương lai, với những bài học vỡ lòng về đọc, viết và làm toán. Những trẻ em có kết quả học tập kém hơn trong những năm đầu thường không theo kịp bạn bè trong những năm sau đó và khoảng cách đó sẽ tăng lên qua các năm. Số năm trẻ được đi học cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các em trong tương lai. |