Mở rộng địa giới hành chính là một quyết sách lịch sử để Hà Nội phát triển bền vững. (Nguồn: Tổ quốc) |
Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội.
Hà Nội thời điểm được hợp nhất (tháng 8/2008) có diện tích trên 3.300 km2 với dân số trên 6.230 nghìn người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn.
Đến nay, qua 15 năm phát triển (từ 2008 - 2023), dân số đến nay (ước tính đến tháng 6/2023) là trên 8.560 nghìn người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất), có 30 quận, huyện, thị xã (huyện Từ Liêm tách lập thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm) và 579 xã, phường, thị trấn (tăng 2 phường).
Định vị thương hiệu
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 Thủ đô, thành phố, vùng địa phương trên thế giới. Giai đoạn 2011-2022, Hà Nội đã ký kết 83 thỏa thuận quốc tế.
Hàng năm, lãnh đạo Thành phố đã tiếp xúc, làm việc với trên 200 đoàn khách, đối tác quốc tế; duy trì hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp. Đối ngoại nhân dân được tăng cường; nhiều di sản văn hóa, danh hiệu cao quý được UNESCO vinh danh.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 6 tháng đầu năm, thu hút FDI của Thành phố đạt gần 2,3 tỷ USD, dẫn đầu cả nước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, toàn Thành phố thu hút 2.265 triệu USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 196 dự án với số vốn đạt 75 triệu USD; 89 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 209 triệu USD; 169 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.981 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).
Đặc biệt, sau hai thập niên đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội tiếp tục ghi danh vào “Mạng lưới thành phố sáng tạo” của UNESCO (năm 2019). Đây là sự ghi nhận và nguồn động lực cho những nỗ lực của Thủ đô, đồng thời là cơ hội thuận lợi để Hà Nội định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Việc tham gia “Mạng lưới thành phố sáng tạo” tạo cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô với thế giới. Đồng thời, xây dựng chiến lược văn hóa toàn diện, tổng thể, đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa, truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực văn hóa để xây dựng và phát triển Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hà Nội có cơ hội thuận lợi để định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á. (Nguồn: Vnxpress) |
Tiếp tục khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới
Với ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng Hà Nội là thành phố “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”, là thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, Thành phố kết nối toàn cầu, Thành phố sáng tạo, thời gian tới, Hà Nội sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và báo cáo Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.
Phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển một số chuỗi sản xuất công nghiệp - công nghệ cao, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistics; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là du lịch văn hóa. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện; phấn đấu hoàn thành 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trước năm 2030, trong đó phấn đấu có khoảng 50% trường đạt chuẩn cấp độ 2.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, đến năm 2030 ngang bằng và có khả năng cạnh tranh với các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực tiếp cận các nước phát triển trên thế giới. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng tối đa khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của người dân, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở...
Bên cạnh đó, Hà Nội còn đặt mục tiêu hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. Đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô. Phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.
Ngoài ra, Thủ đô sẽ đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, các danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, để bản sắc Hà Nội trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô. Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác phát triển trong tất cả các lĩnh vực.
Với tinh thần hội nhập tích cực, độc lập, tự chủ, sáng tạo, các hoạt động đối ngoại mang tầm vóc, diện mạo mới, tin tưởng rằng, Hà Nội sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của cả nước, nâng cao vị thế, vai trò của Thủ đô trong tiến trình hội nhập quốc tế.