📞

15 quốc gia và vùng lãnh thổ góp mặt tại MTA Hanoi 2022

Vân Chi 19:00 | 12/10/2022
Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 8 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Hanoi) sẽ diễn ra từ ngày 12 – 14/10 tại Trung tâm triển lãm quốc tế (I.C.E), Hà Nội.
Ấn nút khai mạc Triển lãm MTA Hanoi 2022 ngày 12/10 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi)

MTA Hanoi 2022 do Công ty Infoma Markets Vietnam tổ chức giới thiệu đến cộng đồng sản xuất, chế tạo hàng loạt các công nghệ cũng như giải pháp tiên tiến phục vụ nhu cầu đầu tư thiết bị và máy móc của doanh nghiệp ngay cả sau đại dịch.

Triển lãm quy tụ hơn 180 đơn vị trưng bày đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Đức, Anh, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Israel, Malaysia, Thái Lan… cùng diện tích trưng bày 5000 m2.

Khách tham quan chuyên ngành sẽ một lần nữa được gặp gỡ những cái tên quen thuộc, có tầm ảnh hưởng trong ngành như Sodick, Mitsubishi, Hiwin, Tinh Ha, Hwacheon… Ngoài ra còn có các thương hiệu mới như Kamogawa, Cominix, Durma, Jinan Bodor, VPIC… và các đơn vị tiêu biểu khác.

Triển lãm MTA Hanoi 2022 được kỳ vọng sẽ chào đón sự tham quan và kết nối của hơn 5.000 khách tham quan chuyên ngành hoạt động trong các lĩnh vực của ngành cơ khí chế tạo bao gồm hàng không và hàng không vũ trụ, phụ tùng thiết bị ôtô, điện và điện tử, nội thất và hàng gia dụng, hệ thống nhiệt, thông gió, điều hòa và điện lạnh, gia công kim loại tấm, dụng cụ, đúc và khuôn mẫu, hàn...

Đại diện Ban Tổ chức MTA Hanoi 2022, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết với hơn 60% các doanh nghiệp trưng bày quốc tế, khách tham quan khi đến với triển lãm MTA Hanoi 2022 sẽ có những cái nhìn mới mẻ và có cơ hội tiếp xúc những ứng ụng cộng nghệ tân tiến hơn từ các cường quốc công nghiệp trên thế giới.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, bà Dung cho rằng dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam.

Nhưng hiện nay ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, chính vì vậy thị trường và cơ hội tiềm năng vẫn còn rất nhiều.

Khách tham quan tại một gian hàng tại Triển lãm MTA Hanoi 2022. (Ảnh: Vân Chi)

Vì vậy, việc áp dụng sản xuất thông minh vào dây chuyền sản xuất, kiến tạo trong doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam sẽ giúp các nhà máy nâng cao năng lực sản xuất một cách rõ rệt, đây được xem là lợi ích hàng đầu và rõ nét nhất của bất kỳ một nhà máy nào khi ứng dụng tự động hóa và cũng là một cách tối đa hóa năng suất làm việc với các nguồn lực con người được kết nối.

Cùng đó có thể giúp doanh nghiệp có thể đạt được tính bền vững với phương pháp sản xuất phụ trợ: Giảm hàng tồn kho, giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm bớt các yêu cầu vận chuyển.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cũng nhấn mạnh, cuộc CMCN 4.0 khiến hoạt động sản xuất biến đổi không ngừng. Nếu các doanh nghiệp không bắt nhịp kịp rất có thể sẽ nhập khẩu về những công nghệ thải loại của các nước.

Chuỗi triển lãm MTA sẽ là bệ phóng giúp lộ trình của ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiến gần hơn mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay và 7,2% vào năm 2023 (IMF).

Trong khuôn khổ triển lãm, một loạt các chương trình hội thảo về chủ đề sản xuất thông minh, công nghệ in 3D kim loại, thiết kế kỹ thuật số diễn ra trong suốt 3 ngày.