📞

2 tỷ tấn rác thải của thế giới sẽ được xử lý ra sao?

Cẩm Yến 23:24 | 12/07/2019
Theo Tờ Bloomberg, bài toán này có thể sẽ được giải quyết trong thời gian tới nếu các doanh nghiệp và chính phủ cùng chung tay thực hiện 8 giải pháp xử lý rác.
Chất thải nhựa bên trong các container hàng hóa tại cảng Klang, Malaysia, ngày 28/5. (Nguồn: EPA-EFE)

Theo Ngân hàng Thế giới, lượng chất thải rắn trên thế giới sẽ tăng từ 2,01 tỷ tấn năm 2016 lên 3,4 tỷ tấn vào năm 2050. Trong đó, khoảng 242 triệu tấn, tương đương 12% tổng số rác thải đô thị năm 2016 là nhựa.

Các công nghệ mới và sự thay đổi trong nhận thức, hành vi nhằm làm giảm và thậm chí loại bỏ nhu cầu về bãi chôn lấp và lò đốt rác... có thể được xem là những biện pháp góp phần giải quyết tình trạng nói trên.

Dưới đây là một số cách mà các chính quyền, doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới đang giải quyết vấn đề này.

Khai thác rác

Hầu hết rác được tập trung ở bãi rác, hoặc trôi ra sông và biển. Ở những bãi rác khổng lồ tại các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia, những “người nhặt rác” sống gần, thậm chí ngay trên núi rác thối rữa để mưu sinh. Trong khi đó, các công ty khai thác khí metan sử dụng cách phân hủy chất thải hữu cơ trong các bãi rác để sản xuất loại khí này.

Người dân đang đào bới rác tại bãi Pacaraima thuộc bang Roraima của Brazil. (Nguồn: AFP)

“Chúng tôi đang hút khí và sử dụng khí này để sản xuất điện,” Sarun Tunwattanapong, Giám đốc nhà máy điện 5 megawatt ở Thái Lan bên cạnh bãi rác ở tỉnh Nonthaburi cho biết.

Đốt rác

Đốt rác có thể sản xuất ra điện, còn chất thải rắn có thể được khí hóa ở nhiệt độ cao bằng cách sử dụng đèn khò plasma nhằm tạo ra khí tổng hợp, kim loại và xỉ đá thủy tinh. Công ty TNHH Maharashtra Enviro Power Ltd. tại Pune, Ấn Độ đã biến chất thải nhà máy thành nguyên liệu cho nồi hơi.

Lò đốt rác của Công ty TNHH Maharashtra Enviro Power Ltd. tại Pune, Ấn Độ . (Nguồn: SMS Envocare)

Trong khi đó, tại Singapore, người ta tận dụng tro sau khi đốt để tạo ra một hòn đảo mới, còn dioxin và các khí thải khác được tạo ra trong quá trình đốt cũng được tận dụng sau khi được xử lý bằng các bộ lọc bụi tĩnh điện và bột vôi.

Điêu khắc rác

Nghệ sĩ Joseph-Francis Sumegne đã lùng sục các bãi rác vào những năm 1990 để lấy rác làm tượng đài Tượng Nữ thần Tự do mới cao 12 mét ở Douala, Cameroon. Còn nghệ nhân Oscar Villamiel người Philippines đã trục vớt hàng ngàn đầu búp bê và mảnh vụn từ bãi rác ở Manila để tạo ra Bảo tàng Payatas vào năm 2012. Trong khi đó, tác phẩm điêu khắc rác thải “Real is Rubbish 2002” của bộ đôi điêu khắc Vương quốc Anh là Tim Noble và Sue Webster đã được bán đấu giá với giá 75.000 USD.

Bức tượng La Nouvelle Liberte của Joseph-Francis Sumegne ở Douala, Cameroon. (Nguồn: AGF)

Nhận định tác phẩm điêu khắc rác thải này là “Sự giàu có vô hạn, mảnh vụn vô hạn,” Giám đốc Viện Nghệ thuật và Trưng bày Đông Nam Á tại Học viện Mỹ thuật Singapore Nanyang Bridget Tan cho biết: “Có rất nhiều điều để nói về sự trớ trêu khi thải ra quá nhiều rác.”

Phân loại rác

Phân loại rác là một công việc vất vả, tuy nhiên, công nghệ tự động hóa đang khiến cho nhiệm vụ này trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Công ty TNHH HelsinkiR ZenRobotics đã phát triển robot lấy gỗ và kim loại từ băng chuyền rác. Còn tại Angelholm, Thụy Điển - nơi được xếp hạng quốc gia đô thị tốt nhất về quản lý chất thải, Công ty thu gom rác NSR AB đã sử dụng chùm tia hồng ngoại để xác định các loại nhựa khác nhau khi rác được đẩy lên băng chuyền. Sau đó, máy bay phân loại sẽ loại bỏ các vật dụng bằng nhựa, để lại bao bì không thể tái chế và chất thải hữu cơ, rồi chuyển đến lò đốt để sản xuất điện.

Công ty ZenRobotics Recycler đang phân loại chất thải từ băng chuyền rác. (Nguồn: ZenRobotics Ltd.)

Các hệ thống trí tuệ nhân tạo đang được phát triển để làm cho quá trình xử lý rác trở nên hiệu quả hơn. “Robot sẽ là một giải pháp thay thế hữu ích trong tương lai, nếu chúng học được cách xác định các loại vật liệu nhựa và phân loại nhanh,” Pernilla Ringstrom, quản lý tại NSR – công ty chuyên thu thập nhựa để sản xuất thành composite tổng hợp dùng trong ngành đường sắt hoặc bán cho các công ty ở Thụy Điển và Đức, cho biết.

Rửa rác

Theo Quản lý Thomas Wong của Tập đoàn Impetus, tại Nhật Bản và châu Âu, tỷ lệ tái chế rác được đánh giá là vượt xa những quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, thực phẩm, dầu gội và cà phê đều là những vật dụng có thể tái chế, sau khi đã rửa sạch sẽ.

Chai thủy tinh được cho lên băng chuyền sau khi đã rửa sạch. (Nguồn: Japan Times)

“Tại Singapore, chỉ có 4% nhựa được tái chế và 96% còn lại bị vứt bỏ. Còn ở Nhật Bản và châu Âu, mọi người cẩn thận hơn, vì vậy rác của họ không lộn xộn,” Quản lý Wong cho biết thêm.

Ăn rác

Taraph Technologies là một trong những công ty sử dụng vi khuẩn và các quy trình hữu cơ để giải quyết vấn đề rác. Công ty có trụ sở tại Singapore này đã khai thác các enzyme tự nhiên tiêu hóa nhựa và biến chúng thành hóa chất thường được sản xuất trong các nhà máy lọc dầu.

Các sản phẩm nhựa thải trong lò phản ứng sinh học ở phòng thí nghiệm Taraph Technologies ở Singapore. (Nguồn: Bloomberg)

Người đồng sáng lập Taraph Liew Mei Shan cho biết, chất mono-ethylene glycol từ chai nhựa ăn enzyme có thể được bán với giá cao hơn 10 lần so với giá trị của rác, đồng thời hy vọng công nghệ này sẽ xuất hiện trên thị trường trong 5 đến 10 năm tới.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Taraph nhận định: “Quá trình thu gom rác thải rất đắt đỏ. Nếu chúng ta có thể chuyển đổi rác thành doanh thu để trang trải chi phí, rác sẽ mang lại lợi nhuận cho những người thu gom.”

Thay thế rác

Các công ty khởi nghiệp trên khắp thế giới đang hướng tới việc sử dụng các sản phẩm thay thế cho nhựa. Theo đó, trong bối cảnh nhiều quốc gia cấm sử dụng túi nilon, các chiến dịch truyền thông xã hội đã khiến cho các sản phẩm thân thiện với môi trường “lên ngôi”, chẳng hạn như ống hút giấy, hộp thực phẩm, dụng cụ dùng một lần được làm từ ngũ cốc hoặc chất thải từ mía. Tại Việt Nam, một số siêu thị thậm chí gói rau và thịt bằng lá chuối.

Ống hút phân hủy sinh học làm từ cỏ Lepironia. (Nguồn: Zero Waste Saigon)

Trong khi đó, Công ty Plantics BV có trụ sở tại Hà Lan đang sử dụng nhựa có nguồn gốc từ thực vật được sản xuất bằng cách kết hợp glycerol và axit citric, thay vì nhựa có nguồn gốc hóa dầu. Còn Tập đoàn RWDC Industries của Singapore đã cho ra mắt Solon, một loại polymer phân hủy sinh học được sản xuất bằng cách lên men vi sinh của các loại dầu thực vật.

Zhaotan Xiao, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn RWDC Industries khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Chỉ mất vài giây để sản xuất nhựa, mất vài phút để sử dụng, nhưng lại mất cả đời để phân hủy. Tại sao chúng ta lại tạo ra những sản phẩm sử dụng một lần nhưng không thể phân hủy được?”

Ngừng sản xuất rác

Giải pháp tốt nhất là không sản xuất các loại rác không thể tái chế được. Đó là mục tiêu của người dân Kamikatsu, một ngôi làng miền núi ở Nhật Bản. Người dân ở đây đã rửa bao bì nhựa gyoza và phân loại rác thành 45 loại. Xốp và nhựa bẩn được tái chế thành các cục nhiên liệu rắn, có thể đốt cháy, thay vì sử dụng than.

Người dân Nhật đang sắp xếp và phân loại các loại báo và tạp chí tại Kamikatsu, Nhật Bản. (Nguồn: AFP)

Akira Sakano, người đứng đầu Học viện Zero Waste đang nỗ lực hạn chế việc sản xuất chất thải vào năm 2020. “Chúng tôi đã có giải pháp trong tay. Những đổi mới về nhựa sinh học và công nghệ là cần thiết, nhưng làm thế nào để chúng ta biến kiến ​​thức về vật liệu bền vững trong văn hóa hoặc cộng đồng của chúng ta thành cuộc sống hiện đại?”, ông Sakano cho biết.

(theo Bloomberg)