📞

20 năm lỡ hẹn và cột mốc Đối tác toàn diện tăng cường

Lương Thanh Nghị 06:30 | 20/08/2023
Từng bỏ lỡ khóa học tại Đại học Canberra, gần 20 năm sau, cơ duyên và may mắn đưa tôi trở lại Australia với cương vị Đại sứ và vinh dự góp phần thúc đẩy một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Australia.
Đại sứ Lương Thanh Nghị trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước lên Toàn quyền Australia Quentin Bryce ngày 27/2/2014. (Nguồn: NVCC)

May mắn bởi tôi được kế thừa và nhận nhiệm vụ trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và cũng là năm thứ năm triển khai thỏa thuận Đối tác toàn diện với rất nhiều thành tựu to lớn, tạo đà cho quan hệ Việt Nam-Australia ngày càng phát triển thực chất và hiệu quả.

Cơ duyên là bởi cuối cùng tôi đã đặt chân đến thủ đô của xứ sở chuột túi sau khi từng một lần bỏ lỡ khoá học tại Đại học Canberra theo học bổng của Chính phủ Australia vào năm 1996 vì được Bộ Ngoại giao giữ lại để trao trọng trách mới.

Đảm nhận cương vị Đại sứ Việt Nam tại đây, ước mơ được chiêm ngưỡng con sông Murray hiền hòa và cánh đồng mía bát ngát vùng Đông Bắc Australia nơi ghi hình câu chuyện tình giữa Meggie và vị cha xứ Ralph, những địa danh và nhân vật trong các tác phẩm văn học “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” và “Tất cả các dòng sông đều chảy”, giờ mới thành sự thật.

Những bước phát triển mạnh mẽ

Ngay sau khi đến Canberra, các đồng nghiệp “tư vấn” cho tôi mua một chiếc xe cũ để gia đình đi lại cho thuận tiện. Khi đăng ký biển xe, tôi được Bộ Ngoại giao bạn cấp cho biển số ba-năm-không-năm (3505). Anh em đùa vui dịch biển số này thành “ba năm không nằm”, hàm ý thời gian phía trước quan hệ hai nước rất sôi động, công việc rất bận rộn.

Nói vui vậy, nhưng thực tế cho thấy quan hệ chính trị giữa hai nước trong giai đoạn này ngày càng gắn bó và tin cậy, có những bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua việc gia tăng trao đổi đoàn và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Quan hệ trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thương mại và đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục và giao lưu nhân dân được tăng cường.

Hai nước triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác song phương. Các vấn đề khác biệt dần được tháo gỡ hoặc đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, tạo không khí thuận lợi cho triển khai hợp tác khác. Hai nước có chung lợi ích và quan tâm trong các vấn đề an ninh khu vực, hợp tác chặt chẽ tại Liên hợp quốc, ASEAN và các diễn đàn khu vực do ASEAN dẫn dắt. Tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có dấu ấn của sự phối hợp giữa Việt Nam và Australia.

Tháng 3/2015, nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký thỏa thuận thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện tăng cường với những nội hàm mang tính chiến lược, tạo tiền đề để hai nước nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược năm 2018. Bên cạnh đó, hai bên cũng đạt được các thỏa thuận quan trọng mà hiện đang triển khai rất hiệu quả, như Thỏa thuận Chương trình lao động kỳ nghỉ và Bản ghi nhớ về Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.

Một trong những điểm mới trong quan hệ hai nước giai đoạn này là lĩnh vực khoa học - công nghệ. Ngay sau khi Hiệp định về hợp tác khoa học - công nghệ bắt đầu có hiệu lực từ giữa năm 2014, hai bên đã nhanh chóng triển khai các bước thực hiện một cách hiệu quả Hiệp định như xây dựng chương trình hành động chung, hợp tác nghiên cứu chung trong một số dự án về y tế, nông nghiệp, nghiên cứu biển… Năm 2016, khi Chính phủ Australia triển khai chương trình về đổi mới sáng tạo, Việt Nam, nước duy nhất ở Đông Nam Á, trở thành một trong 17 đối tác ưu tiên của Australia.

Trên cơ sở đó, bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng năm 2017, hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác về đổi mới sáng tạo, theo đó Chính phủ Australia đã hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam từ năm 2018 thông qua chương trình Aus4Innovation. Mới đây, chương trình chính thức được kéo dài đến năm 2028, đưa cam kết của Chính phủ Australia lên 10 năm với tổng ngân sách hỗ trợ là 33,5 triệu AUD.

Đại sứ Lương Thanh Nghị cùng Đại sứ các nước ASEAN và Tổng chưởng lý Australia tại lễ kỷ niệm Ngày ASEAN tại Canberra. (Nguồn: NVCC)

Niềm vui xen lẫn tự hào

Trong hơn ba năm công tác tại Australia, có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là việc lần đầu tiên sau 13 năm đàm phán, những trái vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà tươi ngon của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Australia. Tôi được mọi người gọi vui là “Đại sứ vải thiều” nhưng thực sự với tôi đó là niềm vui xen lẫn tự hào khi những nỗ lực của bản thân và của các đồng nghiệp đã được đền đáp.

Tìm hiểu, tôi được biết, việc đàm phán xuất khẩu trái cây vào Australia đã diễn ra một thời gian rất dài nhưng vẫn chưa đi đến kết quả. Lúc đó cà phê, tiêu, điều rồi tôm, cá qua chế biến của Việt Nam... đã được người Australia sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, với mặt hàng trái cây, đây là một trong những thị trường khá “khó tính”. Trái cây Việt buộc phải đáp ứng những quy định nghiêm ngặt không chỉ về chất lượng, mà còn từ vùng trồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác, đóng gói, kiểm dịch sinh học...

Qua nhiều lần trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao và cơ quan chức năng hai nước, bản thân tôi cũng phải ba lần gặp Bộ trưởng Nông nghiệp Australia. Cuối cùng, đầu tháng 5/2015, phía Australia chính thức cấp phép cho trái vải nước ta vào thị trường nước này.

Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo ra thương hiệu cho trái cây của nước ta, mở đường cho xoài, thanh long và một số trái cây khác của Việt Nam được vào thị trường Australia sau này. Đây cũng là cú hích để chúng ta đa dạng hóa và mở rộng thị trường cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và cho trái cây của Việt Nam nói riêng.

Trong nhiệm kỳ của mình, tôi cũng rất tự hào khi chứng kiến sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Australia. Cộng đồng hơn 300.000 người Việt Nam luôn được đánh giá cao, là cộng đồng trẻ, năng động, có nhiều đóng góp vào đa dạng văn hóa của Australia. Gần 30.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Australia trong tương lai là nguồn nhân lực chất lượng cao của cả hai nước.

Thế hệ trẻ người Australia gốc Việt, tuy sinh ra và trưởng thành tại Australia, nhưng cũng đang đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển của cả hai quốc gia. Họ chính là những sứ giả, nhịp cầu vững chắc của quan hệ hợp tác và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Australia.

Tôi có dịp đi thăm tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Australia, từ vùng lãnh thổ Bắc Australia đến tiểu bang cực Nam Tasmania, tôi luôn cảm nhận được sự quan tâm của chính giới cũng như người dân Australia đối với Việt Nam.

Đặc biệt, với người dân Australia, khi nói tới người Việt là nói tới bản sắc văn hoá và ẩm thực Việt. Tôi thực sự xúc động khi đi bất cứ đâu, kể cả ở những nơi rất xa xôi hẻo lánh, đều bắt gặp những cái tên nhà hàng rất đỗi quen thuộc như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Sông Hương, Phú Quốc, hay Sa Pa, Mekong…

Đã lâu tôi không có dịp trở lại thăm Australia, nhưng tình cảm của tôi với xứ sở chuột túi vẫn nguyên vẹn. Nhìn lại lịch sử quan hệ giữa hai nước trong 50 năm qua, tôi nhận thấy sự gắn kết trong quá khứ, hiện tại và tương lai giữa hai dân tộc. Các nhà lãnh đạo của Australia, trong phát biểu của mình, thường nhắc đến những câu chuyện về đóng góp của cộng đồng người Việt, hay câu chuyện về hợp tác giữa các nhà khoa học hai nước trong việc lai tạo và trồng đại trà cây tràm keo ở Việt Nam, những công trình biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước như cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh…

Trong quá khứ, hai nước từng trải qua một giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng nay cả hai đều hướng về tương lai và chia sẻ nhiều lợi ích thiết thực trong quan hệ song phương cũng như trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Tôi tin rằng, trên cơ sở những thành tựu quan trọng đạt được trong năm thập kỷ qua, với sự tin cậy chính trị và lợi ích song trùng ngày càng gia tăng, quan hệ Việt Nam và Australia tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.