TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Saudi Arabia Saud F.M Al Suwelim | |
Việt Nam - Saudi Arabia: Ký chính thức Hiệp định Vận chuyển Hàng không |
Đại sứ Vũ Viết Dũng ký hợp tác hàng không giữa Việt Nam và Saudi Arabia. (ảnh: Đại sứ quán) |
Xin Đại sứ đánh giá những nét nổi bật nhất về quan hệ hai nước trong 2 thập kỷ qua?
Việt Nam và Saudi Arabia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/10/1999. Việt Nam mở Đại sứ quán tại thủ đô Riyadh tháng 4/2007 và đến tháng 12/2008, Saudi Arabia mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
Trải qua 20 năm, quan hệ song phương giữa hai nước đã đạt được nhiều bước tiến đáng khích lệ, đưa Việt Nam và Saudi Arabia trở thành những đối tác quan trọng của nhau tại mỗi khu vực.
Về chính trị, hai bên tiếp tục duy trì sự ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế. Mới đây, Saudi Arabia đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Về thương mại, Saudi Arabia là một trong những bạn hàng lớn của Việt Nam tại khu vực.
Kim ngạch thương mại hai chiều duy trì ổn định ở mức cao, đạt 1,8 tỷ USD vào năm 2018. Một số tập đoàn lớn của Saudi Arabia như Kingdom Holdings, Thép Zamil… đã có những dự án đầu tư thành công tại Việt Nam.
Về hợp tác phát triển, Quỹ Phát triển Saudi Arabia (SFD) tiếp tục cho Việt Nam vay vốn ưu đãi thực hiện các dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn, với tần suất khoảng 2 dự án/năm.
Hiện có khoảng 10.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Saudi Arabia, chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, dịch vụ… Mặc dù vậy, đây chủ yếu vẫn là lao động phổ thông, có thu nhập không thật sự cao.
Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn gửi các lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, du lịch… sang làm việc tại Saudi Arabia, trong bối cảnh Saudi Arabia đang muốn đẩy mạnh các ngành nghề này nhằm đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, mục tiêu của Chiến lược “Tầm nhìn 2030”.
Thưa Đại sứ, hiện nay, đâu là những thuận lợi cũng như rào cản trong hợp tác song phương?
Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Saudi Arabia đã đạt được nhiều tiến bộ rất đáng ghi nhận, đặc biệt là về kinh tế. Đạt được kết quả này, trước hết là nhờ quyết tâm của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc đẩy mạnh hợp tác về thực chất giữa hai bên. Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Saudi Arabia năm 2010 là mốc son trong quan hệ giữa hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quan hệ song phương. Về hợp tác kinh tế, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như điện thoại di động, linh kiện điện tử, hàng may mặc, thủy - hải sản… rất được người tiêu dùng Saudi Arabia ưa chuộng. Trong khi đó, nhu cầu của Việt Nam đối với các sản phẩm hóa dầu, nguyên liệu thô… cũng đang ngày càng tăng, đóng góp vào việc duy trì ổn định kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai bên.
Tuy vậy, quan hệ Việt Nam - Saudi Arabia cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, trong đó phải kể đến khoảng cách địa lý xa xôi, cộng đồng doanh nghiệp hai nước ít có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu lẫn nhau cũng như tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại mỗi nước. Lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đối với thủy - hải sản Việt Nam do Saudi Arabia ban hành từ đầu năm 2018 cũng gây tác động tiêu cực đối với đà tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương.
Vậy, những định hướng để tận dụng tốt cơ hội cũng như tháo gỡ vướng mắc là gì, thưa Đại sứ?
Để tận dụng tốt cơ hội, giảm bớt vướng mắc, xin được lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam là cần hết sức tuân thủ các quy định của Saudi Arabia về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, những khác biệt về văn hóa, phong tục - tập quán, khí hậu… khiến cho người lao động Việt Nam gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình làm quen, hòa nhập vào xã hội sở tại. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song các doanh nghiệp lao động Việt Nam vẫn cần chuẩn bị kỹ hơn cho người lao động trước khi gửi họ sang Saudi Arabia.
Để tận dụng một cách tối đa tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác song phương, trong thời gian tới, theo tôi, hai nước cần:
Thứ nhất, tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, đặc biệt là các đoàn cấp cao và lãnh đạo các Bộ/ngành phụ trách thương mại, đầu tư, nông nghiệp…
Thứ hai, tăng cường tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, tạo diễn đàn cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thông tin về thị trường, tập quán kinh doanh, luật pháp của mỗi bên. Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước cũng cần tăng cường tham gia vào các triển lãm, hội chợ, qua đó giúp quảng bá sản phẩm.
Vào tháng 11 tới, Hội chợ Foodex Saudi, hội chợ về thực phẩm - nước uống có quy mô lớn sẽ được tổ chức tại thành phố Jeddah. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham gia và giới thiệu các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như hoa quả nhiệt đới, cà phê, chè.
Thứ ba, hai bên cần thúc đẩy hợp tác về du lịch. Đây là lĩnh vực hết sức tiềm năng mà chưa được hai bên chú trọng đúng mức trong thời gian qua. Hàng năm, có gần 10 triệu lượt người Saudi Arabia đi du lịch nước ngoài, với các điểm đến ưa thích ở Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Malaysia… Tuy nhiên, số lượng khách Saudi Arabia vào Việt Nam còn rất hạn chế.
Trong khi đó, Saudi Arabia cũng đang có những chính sách bước đầu nhằm thu hút khách du lịch. Hiện nay, chi phí và thủ tục xin visa du lịch cho khách nước ngoài đã được tối giản đáng kể. Đây sẽ là cơ hội cho người dân Việt Nam có thể đến thăm, tìm hiểu đất nước này.
Đại sứ Vũ Viết Dũng cùng Thị trưởng khu vực Riaydh, Hoàng thân Faisal bin Bandar bin Abdulaziz Al-Saud cắt bánh chúc mừng Quốc khánh 2/9 và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Saudi Arabia. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia) |
Thưa Đại sứ, về giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa giữa hai nước thời gian qua có gì nổi bật?
Giao lưu nhân dân nói chung và hợp tác văn hóa nói riêng giữa Việt Nam và Saudi Arabia còn nhiều hạn chế, do cách trở về địa lý và những khác biệt về phong tục tập quán, văn hóa, tôn giáo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Saudi Arabia đã và đang tiến hành mạnh mẽ chính sách mở cửa trong đó có giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia khác nhau. Đây sẽ cơ hội để hai nước đẩy mạnh hợp tác, quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa của mình, từ đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai bên.
Trong buổi chiêu đãi kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Việt Nam và 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Saudi Arabia tại thủ đô Riyadh vừa qua, màn biểu diễn nhạc cụ dân tộc của 2 nghệ sỹ thuộc Học viện Âm nhạc Việt Nam và áo dài truyền thống của Việt Nam do các thành viên nữ Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia và một số chị em cộng đồng người Việt trình diễn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn bè Saudi Arabia.
Tôi cho rằng, hai bên cần nhân rộng mô hình này, tạo cơ hội cho người dân hai nước hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa của mỗi bên. Đại sứ quán đang tích cực làm việc với phía Saudi Arabia để thúc đẩy giao lưu văn hóa trong thời gian tới.
Ngoài ra, như tôi đã nói ở trên, hợp tác du lịch cũng góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác giao lưu nhân dân. Trong thời gian tới, các công ty lữ hành Việt Nam cần có các hoạt động quảng bá du lịch, giới thiệu các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam, đặc biệt là các địa danh đã được UNESCO công nhận, đến với công chúng Saudi Arabia.
Tôi tin tưởng rằng, với các biện pháp đã nói ở trên, trong thời gian tới, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Saudi Arabia, trong đó đặc biệt là về chính trị, thương mại, du lịch, văn hóa, sẽ được phát triển theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, đáp ứng mong muốn của Lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Kể từ khi được thành lập đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, chủ động kiến nghị các biện pháp cụ thể, góp phần vào việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước. Về chính trị, Đại sứ quán phối hợp với các đơn vị Bộ/ngành hai bên, tổ chức thành công các đoàn công tác, thăm làm việc. Hiện nay, Đại sứ quán đang tích cực cùng các đơn vị liên quan để chuẩn bị cho các hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước vào thời điểm cuối năm 2019. Về kinh tế, Đại sứ quán và bộ phận Thương vụ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối tích cực cho các doanh nghiệp hai bên. Đây là nhiệm vụ rất cần thiết trong bối cảnh Saudi Arabia đang đẩy mạnh triển khai các chính sách mở cửa về kinh tế trong khuôn khổ chiến lược “Tầm nhìn 2030”, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 9/2019, Đại sứ quán phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh tổ chức thành công Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Saudi Arabia, với sự tham gia của gần 60 doanh nghiệp hai bên, tập trung vào các lĩnh vực thực phẩm, nông sản, nguồn nhân lực… Ngoài ra, một mảng công việc cũng hết sức quan trọng và được Lãnh đạo Đại sứ quán thường xuyên chỉ đạo sát sao, đó là công tác bảo hộ công dân. Với 10.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Saudi Arabia, ưu tiên hàng đầu của Đại sứ quán là bảo đảm một cách tối đa các quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam, giúp công dân Việt Nam yên tâm làm việc, tạo thu nhập ổn định để giúp đỡ gia đình nơi quê nhà. |
Đại sứ Vũ Viết Dũng công tác tại Khu vực miền Đông, Saudi Arabia TGVN. Từ 3-4/8, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam do Đại sứ Vũ Viết Dũng dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm ... |
Saudi Arabia đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế Ngày 22/7, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Vũ Viết Dũng có cuộc làm việc với ... |
Đại sứ Vũ Viết Dũng trình Thư Ủy nhiệm lên Quốc vương Saudi Arabia Ngày 17/3, tại Cung điện Yamamah ở thủ đô Riyadh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Saudi Arabia Vũ Viết Dũng đã ... |