📞

20 năm sau khủng hoảng tài chính châu Á: Mối lo còn đó

15:47 | 05/05/2017
Các quốc gia châu Á đã có những tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo ổn định tài chính khu vực sau cuộc khủng hoảng năm 1997. Tuy nhiên, châu Á cần chuẩn bị tốt hơn trước các thách thức nảy sinh từ sự biến động của kinh tế toàn cầu và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ.

Đó là nhận định của nhiều diễn giả tham dự hội thảo "20 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á: Thành tựu và phương hướng", bên lề hội nghị thường niên lần thứ 50 của Ban lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra hôm 4/5 tại thành phố cảng Yokohama (Nhật Bản).

Năm 2000, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM). Đây là một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ cho phép các nước đã ký kết vay mượn tiền lẫn nhau. Các quốc gia cũng thành lập Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), một đơn vị giám sát kinh tế vĩ mô khu vực thuộc CMIM.

Các chuyên gia đang thảo luận về những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 tại Hội thảo ở Yokohama (Nhật Bản), ngày 4/5. (Nguồn: Nikkei)

Bên cạnh việc điểm lại những tiến bộ đã đạt được, các diễn giả tham dự Hội thảo cũng thảo luận cách thức đạt tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện. Bà Junhong Chang, Giám đốc AMRO, cho rằng: "Các nền kinh tế trong khu vực phải cân bằng giữa xuất khẩu và nhu cầu trong nước để đạt được tăng trưởng bền vững". Các nhà hoạch định chính sách cũng cần tập trung nghiên cứu giải pháp chống lại các cú sốc từ bên ngoài.

Liên quan đến hợp tác tài chính khu vực, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản Masatsugu Asakawa đề nghị nâng cao tính độc lập của CMIM với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để các quốc gia trong khu vực có thể đối phó với khủng hoảng nhanh hơn. Ông Asakawa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực giám sát trong khu vực.

Trong khi đó, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Akhtar Aziz Zeti cho rằng hợp tác chính sách là công cụ quan trọng để quản lý khủng hoảng. Bà cho biết việc đánh giá rủi ro cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các nước với lựa chọn chính sách khác nhau có thể giúp khu vực giải quyết các vấn đề chung.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cũng cho rằng các nước ASEAN+ 3 cần phối hợp chặt chẽ để giúp khu vực ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng.

Đề cập tới tăng trưởng của châu Á trong hơn nửa thế kỷ qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda đánh giá khu vực này đã thay đổi đáng kể và đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ADB cần tiếp tục hỗ trợ khu vực, khi hầu hết các quốc gia châu Á vẫn có mức thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, dù khá ổn định về kinh tế và tài chính, châu Á có thể bị tổn thương do "căng thẳng về địa chính trị" hoặc chịu tác động từ các cuộc bầu cử ở châu Âu.

(theo Nikkei)