Đây là nội dung bài viết của ông Takehiko Nakao - Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 4/7.
"Tháng Bảy này đánh dấu tròn 20 năm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Đây cũng là lúc thích hợp để nhìn lại nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng và những bài học rút ra từ cách các quốc gia bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc tương lai, từ đó hướng tới phát triển bền vững" - ông viết.
Ông Takehiko Nakao. (Nguồn: EPA). |
Nhìn lại lịch sử
Ông Takehiko gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng tiền tệ kết hợp với khủng hoảng ngân hàng bắt đầu ở Thái Lan hồi tháng 7/1997 và nhanh chóng lan rộng đến Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Philippines. Trong hơn 1 năm, tổng sản phẩm quốc nội của 5 quốc gia trên đã giảm 30%.
Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng là do việc mở tài khoản vốn quá sớm, trong khi các hệ thống tài chính và các quy định bên trong các quốc gia chưa sẵn sàng. Ở những nước này, việc cho vay ngắn hạn được “thả” tự do, nhiều hơn cả đầu tư trực tiếp nước ngoài dài hạn.
Các đầu tư theo danh mục đầu tư và các khoản vay ngân hàng từ các nền kinh tế tiên tiến đổ vào châu Á trước khủng hoảng đã gây ra bong bóng giá đồng nội tệ và bất động sản trong nước. Các khoản nợ ngắn hạn lớn của Mỹ tài trợ cho đầu tư dài hạn trong nước không phù hợp với quy trình vận hành và đáo hạn tiền tệ. Khi những điều này được vạch ra rõ ràng, nền kinh tế trở nên không bền vững, dòng vốn đột ngột bị đảo ngược, dẫn đến sự phá giá lớn của các loại tiền tệ và vỡ nợ ngân hàng.
Sau khi cuộc khủng hoảng nổ ra, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng bắt tay vào giải cứu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các chính phủ trong khu vực đã đưa ra các gói hỗ trợ thanh khoản và ngân sách ngoại hối. ADB đã cho vay 7,8 tỷ USD trong 2 năm, chủ yếu là thông qua việc giải ngân nhanh các khoản cho vay chính sách dành cho cải cách ngành tài chính và bảo trợ xã hội của Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan.
Nhưng rồi, các nước hồi phục nhanh hơn dự kiến. Sau các biện pháp bình ổn ban đầu, các nhà chức trách tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng đã tăng cường chính sách kinh tế vĩ mô một cách hợp lý với những hỗ trợ từ các ngân hàng độc lập và thận trọng về tài chính hơn.
Các nước đã thông qua tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, tăng cường quy chế và quản lý tài chính, thực hiện cải cách cơ cấu. Đồng thời, tiếp nhận các giải pháp thận trọng hơn đối với tự do hóa tài khoản vốn bằng việc sắp xếp phù hợp hơn với điều kiện kinh tế trong nước mình. Cuộc khủng hoảng cũng là động lực thúc đẩy các sáng kiến hợp tác khu vực.
Châu Á không nên tự mãn
Theo ông Takehiko Nakao, ngày nay, châu Á đã có một triển vọng kinh tế mạnh mẽ hơn. Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tăng trưởng 6,8 %/năm trong hai thập kỷ qua, nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác. Sự tăng trưởng của khu vực hiện nay phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu bên trong. Những thành tựu này là lời phủ nhận mạnh mẽ những chỉ trích trong cuộc khủng hoảng rằng, phép lạ tăng trưởng ở châu Á chỉ là "chuyện thần thoại và không bền vững".
Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á bắt nguồn từ Thái Lan, năm 1997. (Nguồn: Philstar). |
Ông Nakao viết: “Tôi tin rằng mô hình phát triển ở châu Á đang chuyển từ mô hình 'ngỗng bay' phổ biến vào những năm 1960 với Nhật Bản là người dẫn đầu, sang mô hình 'bốn con hổ và hơn thế nữa' khi công nghệ ngày càng tiên tiến hơn. Hiện nay là mô hình 'mạng chia sẻ sản xuất', trong đó các quốc gia khác nhau chia sẻ các phần của quy trình sản xuất".
Theo ông, quá trình mới này cho phép các nước đang phát triển hội nhập vào các chuỗi giá trị khu vực cũng như toàn cầu nhanh hơn, qua đó tạo điều kiện chuyển giao kỹ thuật và kỹ năng mở rộng cơ hội tăng trưởng cho những nước đi sau.
“Nhưng châu Á không nên tự mãn”, ông nhận định. Bởi vì, khoảng 330 triệu người dân vẫn sống trong cảnh nghèo đói, và nhiều nền kinh tế đang trải qua giai đoạn bất bình đẳng gia tăng. Cần có thêm các bước đi nhằm giúp các nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn và đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện, ông khẳng định.
Ông cũng đưa ra các biện pháp ứng phó từ quan điểm của ADB. Thứ nhất, các nước châu Á phải tiếp tục theo đuổi chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh. Họ cần phải có biện pháp để giữ đủ không gian tài chính và khu vực dự trữ quốc tế chống lại các cú sốc trong tương lai. Khu vực đòi hỏi nguồn tài chính lớn hơn từ cải cách thuế và thu thập tốt hơn thông tin về cơ sở hạ tầng tài chính và các nhu cầu của xã hội.
Thứ hai, các nước cần có hệ thống tài chính sâu và rộng hơn. Bên cạnh lĩnh vực ngân hàng phát triển lành mạnh, các nước cần thị trường vốn mạnh, đặc biệt là trái phiếu nội tệ, cả riêng biệt và liên doanh hợp tác. Sáng kiến Thị trường Trái phiếu ASEAN + 3 do ADB tài trợ đã giúp mở rộng các loại trái phiếu nội tệ xuất sắc từ 1.000 tỷ USD năm 2002 lên hơn 10 nghìn tỷ USD vào năm 2016.
Thứ ba, cần phải có các chính sách thận trọng ở cả tầm vĩ mô và vi mô để duy trì sự ổn định tài chính. Các dòng vốn qua biên giới, tăng trưởng tín dụng trong nước và lạm phát giá tài sản cần được theo dõi sát sao. Ngoài ra, cần phải mở rộng tài chính, không chỉ để hỗ trợ công bằng xã hội mà còn giúp tăng trưởng bền vững thông qua tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ gia đình.
Thứ tư, khu vực này phải thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng mà ADB ước tính sẽ lên tới trên 1,7 nghìn tỷ USD/ năm cho đến năm 2030. Hơn 400 triệu người vẫn thiếu điện và khoảng 300 triệu người không có nước uống an toàn.
Thứ năm, châu Á cũng phải giải quyết các rủi ro về biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với nó. Bằng cách sử dụng quy hoạch và công nghệ đô thị thông minh, các thành phố châu Á có thể trở nên linh hoạt và dễ sống hơn.
Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực là nhu cầu cấp thiết để các quốc gia trong khu vực tiến lên và tránh bẫy thu nhập trung bình. Các hệ thống giáo dục phải trang bị cho con người những kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích ứng với một môi trường kinh doanh và công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Thêm vào đó là sự đầy đủ và tiện ích của các dịch vụ y tế.
Cuối cùng, để giảm bớt rủi ro từ toàn cầu hóa, cần tăng cường hợp tác khu vực trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng trở nên phổ biến và tốn kém.
“Châu Á đang ở vị thế mạnh hơn 20 năm trước, nhưng vẫn phải thận trọng”, ông Takehiko Nakao kết luận trong bài viết của mình.