Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg) |
Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế thế giới, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo khu vực châu Á - một trong những động lực tăng trưởng chính của thế giới, có tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuối những năm 1960, nếu không tính các sự kiện bất thường như đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và cú sốc dầu mỏ toàn cầu vào những năm 1970.
Dự báo ảm đạm về năm 2024
WB hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc và cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 50 năm, do chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và nợ công gia tăng gây cản trở đà tăng trưởng.
Dự báo ảm đạm về tình hình kinh tế năm 2024 của WB nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng về suy thoái của Trung Quốc và nguy cơ sẽ lan sang châu Á. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đặt ra một trong những mục tiêu tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào năm 2023 là khoảng 5%.
Trong nhiều năm, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và thuế quan mà Mỹ áp đặt lên nền kinh tế số 1 châu Á đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu sang các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, việc Mỹ ban hành Đạo luật giảm lạm phát (IRA) và Đạo luật CHIPS & khoa học vào năm 2022 - các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất của Mỹ và cắt giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đã gián tiếp ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á.
Xuất khẩu các sản phẩm chịu ảnh hưởng của luật từ khu vực sang Mỹ giảm đáng kể. Trong khi, lâu nay, châu Á thực sự phát triển mạnh, thậm chí lập “kỳ tích” nhờ thương mại và đầu tư vào sản xuất. Nhu cầu toàn cầu yếu hơn đang gây ra hậu quả. Nợ hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ gia tăng làm giảm triển vọng tăng trưởng.
Theo phân tích của ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, khu vực Đông Nam Á vốn đã được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung do chuyển hướng thương mại, giờ đây bị vạ lây từ chính xu hướng dịch chuyển đó.
Dữ liệu của WB cho thấy, nhu cầu giảm do tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại đang ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia. Trong đó, xuất khẩu điện tử và máy móc từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan sụt giảm mạnh sau khi chính sách bảo hộ của Tổng thống Joe Biden có hiệu lực.
Những dự báo ngày càng ảm đạm phản ánh phần lớn khu vực châu Á, không chỉ Trung Quốc, bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi các chính sách mới của Mỹ theo Đạo luật IRA và CHIPS & khoa học.
Trung Quốc “hắt hơi”, cả châu Á “cảm lạnh”
The Financial Review (Australia) mới đây đưa thêm cảnh báo về một “hiệu ứng domino” ở châu Á. Theo đó, tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc với nhu cầu tiêu dùng suy yếu và hoạt động sản xuất chậm lại, đang tác động xấu đến các nước láng giềng có quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sự sụt giảm sản xuất ở Hàn Quốc kéo dài đến mức gần như lâu nhất trong gần nửa thế kỷ. Nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á, được coi là đầu mối cho chuỗi cung ứng công nghệ của khu vực, giúp củng cố tăng trưởng toàn cầu trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, xuất khẩu của nước này trong tháng 7/2023 giảm với tốc độ mạnh nhất trong hơn ba năm, dẫn đầu là sự sụt giảm lượng xuất khẩu chip máy tính sang Trung Quốc. Trong khi, các số liệu mới đây cho thấy, hoạt động của các nhà máy giảm trong tháng 8/2023, là tháng thứ 14 liên tiếp với mức giảm sâu nhất lịch sử.
Các số liệu ở Nhật Bản, nơi hoạt động chế tạo giảm tháng thứ năm liên tiếp, phản ánh sản lượng các nhà máy giảm và nhu cầu từ nước ngoài yếu hơn.
Mối quan ngại gia tăng trong những tuần gần đây, sau khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát, làm dấy lên lo ngại về hàng loạt vấn đề từ tiêu dùng yếu, đồng tiền suy yếu, lĩnh vực bất động sản lung lay và nợ chính quyền địa phương không bền vững...
Theo dữ liệu chính thức, khi nhu cầu toàn cầu chậm lại, nền kinh tế Trung Quốc càng thêm lao đao, bằng chứng là, lĩnh vực sản xuất của nước này trong tháng 8/2023 đã giảm tháng thứ năm liên tiếp.
Nhà phân tích Vincent Tsui thuộc Nhóm nghiên cứu Gavekal ở Bắc Kinh mô tả về hiện trạng “khi Trung Quốc hắt hơi, cả châu Á bị cảm lạnh”. Ông cho rằng, với việc các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh phớt lờ lời kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng vốn đang suy yếu, thông qua các biện pháp kích thích, hậu quả sẽ được cảm nhận trên toàn khu vực.
Chuyên gia Tsui cảnh báo, các trung tâm thương mại và tài chính của Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore dễ bị tổn thương nhất, do nhu cầu của Trung Quốc lần lượt chiếm tới 13% và 9% GDP của Hong Kong và Singapore.
Chuyên gia Park Chong-hoon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Standard Chartered ở Seoul (Hàn Quốc) cho rằng, Hàn Quốc khó có thể sớm phục hồi trừ khi nền kinh tế Trung Quốc vực dậy nhanh chóng. Trong đó, những thách thức xuất phát từ căng thẳng Mỹ - Trung và xu thế thay thế hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam có xuất khẩu quý II/2023, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sản xuất công nghiệp chậm lại trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng của Malaysia chậm nhất trong gần hai năm, đối mặt với sự suy giảm của đối tác thương mại chính. Nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự kiến trong quý II/2023, do bất ổn chính trị trong nước và lượng du khách từ Trung Quốc thấp.
Các nhà phân tích của tổ chức Gavekal Dragonomics cảnh báo, khi nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, các nhà cung cấp nước ngoài vốn phát triển mạnh về cung cấp nguyên liệu thô và máy móc phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Ngoài ra, sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ không nhanh chóng đảo ngược và tình hình có thể tệ hơn.
Theo chuyên gia WB Aaditya Mattoo, tốc độ tăng trưởng của các nước châu Á tiếp tục bị kìm hãm cho đến khi chính phủ các nước này, bao gồm Trung Quốc, tiến hành các đợt cải cách sâu rộng vào mảng dịch vụ, tận dụng cuộc cách mạng kỹ thuật số.
| Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao không có dấu hiệu 'hạ nhiệt', Trung Quốc sẽ đối phó ra sao để chặn đà giảm tốc? Với tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục 21,3%, thị trường lao động Trung Quốc đang "nóng" hơn bao giờ hết và trở thành một "hàn ... |
| Cảnh báo về 'rủi ro leo thang mới', NATO tức tốc tăng cường giám sát Biển Đen Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảnh báo về "rủi ro leo thang mới" sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất ... |
| Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, dấy nên nỗi lo về 'hiện tượng Nhật Bản hóa' Nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu rơi vào suy thoái tương tự Nhật Bản sau khi kết thúc bong bóng giá bất ... |
| Nền kinh tế trước áp lực giảm tốc, Trung Quốc vẫn ‘đủng đỉnh’ không đi đâu mà vội, đây là lý do Hiện nay, lối suy nghĩ và phong cách chính sách đã thay đổi của các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc giúp ... |
| Sự ủng hộ của châu Âu với Ukraine đang suy giảm Ngày càng có nhiều nước châu Âu tỏ ra thận trọng trong ủng hộ cũng như viện trợ cho Ukraine. |