Sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, lượng khí đốt mà châu Âu nhập từ Nga đã giảm 2/3 so với mức đỉnh điểm vào năm 2019. (Nguồn: Sempra Infrastructure) |
Châu Âu sẽ bước vào mùa Đông thứ hai kể từ khi Nga ngừng gần như hoàn toàn các đường ống dẫn khí đốt đến khu vực. Cuối mùa Hè năm nay, các kho chứa khí đốt tại châu Âu đã lấp đầy 90%, sớm hơn hai tháng so với kế hoạch.
Dù vậy, các nhà quan sát cảnh báo, cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa kết thúc. Châu Âu đã cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nhưng khu vực vẫn phải đối mặt với những cú sốc giá cả trên thị trường toàn cầu.
Trong hơn một thập niên, các đường ống từ Nga đã cung cấp nguồn khí đốt lớn nhất của châu Âu. Sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập từ Moscow đã giảm 2/3 so với mức đỉnh điểm vào năm 2019. Thay vào đó, Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của khu vực.
Mỹ cũng được hưởng lợi từ sự biến động năng lượng của châu Âu. Năm 2022, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ đến châu Âu đạt gần 64 tỷ m³, tăng từ mức 0 vào năm 2015.
Tin liên quan |
Kinh tế Nga tăng trưởng kỳ diệu dưới lệnh trừng phạt |
Các chính phủ EU kỳ vọng, lượng khí nói trên sẽ tiếp tục "chảy" đến khu vực. Hiện tại, Tây Ban Nha, Anh và Pháp có số lượng thiết bị đầu cuối xử lý LNG nhập khẩu cao nhất, chiếm tới 60% công suất của lục địa. Tuy nhiên, theo S&P Global, các nước châu Âu đang vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga.
Dưới đây là những gì mà một số quốc gia châu Âu đã và đang chuẩn bị cho mùa Đông thứ hai vắng khí đốt Nga.
Anh
Các hộ gia đình ở Anh sẽ hy vọng vào một mùa đông "ôn hòa" trong năm nay, đặc biệt là kể từ khi chính phủ chấm dứt chương trình hỗ trợ hóa đơn năng lượng.
Trong quá khứ, Anh chỉ nhập khẩu 2% lượng khí đốt từ Nga. Thay vào đó, đất nước này dựa vào nhập khẩu qua đường ống từ Na Uy và mua LNG từ các nhà cung cấp trên khắp thế giới. Năm ngoái, Anh đã nhập khẩu kỷ lục 25,6 tỷ m³ LNG, chiếm gần 45% tổng nhu cầu khí đốt của đất nước.
Năm nay, nước Anh dự kiến vẫn sẽ tiếp tục chịu tác động của giá khí đốt trên thị trường thế giới tăng cao. Các cơ sở lưu trữ khí đốt của nước này nằm trong số những cơ sở có dung lượng nhỏ nhất ở châu Âu.
Không giống như các nước châu Âu khác, Anh khó giảm mức tiêu thụ khí đốt ở cấp quốc gia. Năm ngoái, chính phủ đã giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách hỗ trợ hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình trong thời gian ngắn, đồng thời khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng trong nước về lâu dài.
Các nhà phân tích lo rằng, chính phủ đang dựa vào thời tiết ôn hòa và nguồn cung LNG dồi dào trên thị trường toàn cầu để vượt qua một mùa Đông năm nay.
Đức
Ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã nhanh chóng đặt ra kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Moscow.
Kế hoạch này bao gồm việc yêu cầu các cơ sở lưu trữ khí đốt rộng lớn của đất nước phải đầy 65% vào tháng 8, 80% vào tháng 10 và 90% vào tháng 11.
Đức khác với các quốc gia EU khác ở chỗ, nước này kiên quyết thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Quốc gia này đặt mục tiêu giảm 20% lượng khí đốt sử dụng - được hỗ trợ bởi một loạt các biện pháp chính sách như việc bảo trì và nâng cấp hệ thống sưởi bắt buộc đối với các gia đình và chủ sở hữu các tòa nhà lớn.
Nỗ lực này dường như đã được đền đáp: Đức đã sử dụng khí đốt tự nhiên ít hơn gần 15% vào năm ngoái.
Trong khi chính phủ Berlin đang nỗ lực giảm nhu cầu về khí đốt thì đất nước này cũng đang tăng nhập khẩu LNG. Đức đã tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Hà Lan và Na Uy, đồng thời phát triển ba trạm nhập khẩu LNG mới và đàm phán ký hợp đồng với các nhà cung cấp ở Mỹ, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Đức hy vọng sẽ đưa thêm 3 trạm nhập khẩu LNG hoạt động vào tháng 1/2024.
Năm 2022, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ đến châu Âu đạt gần 64 tỷ m³, tăng từ mức 0 vào năm 2015. (Nguồn: istock) |
Pháp
Pháp chỉ nhập 17% lượng khí đốt từ Nga trước chiến dịch quân sự đặc biệt, vì vậy, nước này ít phụ thuộc vào Điện Kremlin hơn so với một số nước láng giềng châu Âu.
Dù vậy, dòng chảy khí đốt - dù ít - từ Nga bị gián đoạn diễn ra trong bối cảnh các nhà máy hạt nhân của Pháp gặp vấn đề nghiêm trọng, làm dấy lên lo ngại rằng, nước này có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện vào mùa Đông.
Để ngăn tình huống này, chính phủ đã đưa ra loạt biện pháp nhằm giảm 10% mức sử dụng năng lượng của đất nước so với năm 2019 vào năm tới và 40% vào năm 2030. Trong đó, bao gồm một chiến dịch khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp bật hệ thống sưởi muộn hơn hai tuần so với năm trước và chỉ bật khi nhiệt độ trong nhà xuống dưới 19 độ C.
Chính phủ cũng có kế hoạch tăng mức lưu trữ khí đốt và lắp đặt một trạm nhập khẩu LNG mới tại thành phố Le Havre ở Normandy.
Tây Ban Nha
Tây Ban Nha không phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga nhờ có chuỗi cảng nhập khẩu khí đốt. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn thực hiện các bước để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng trong mùa Đông và cố gắng giảm 21% nhu cầu khí đốt từ tháng 8/2022 đến tháng 3 năm nay.
Cụ thể, Tây Ban Nha đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng bắt buộc như hạn chế sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng ở mức không cao hơn 19 độ C và điều hòa không khí không thấp hơn 27 độ C. Cửa các cửa hàng và nhà hàng cũng "chung tay" tiết kiệm năng lượng, tắt đèn sau 22h.
Năm ngoái, để giúp các hộ gia đình Tây Ban Nha thanh toán hóa đơn năng lượng, chính phủ đã cắt giảm thuế VAT đối với khí đốt từ 21% xuống 5%.
Ngoài ra, EU đã phê duyệt kế hoạch trị giá 8,4 tỷ Euro của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhằm giảm giá bán buôn điện tại thị trường Iberia bằng cách giới hạn giá khí đốt sử dụng để sản xuất điện.
Nhờ cơ sở hạ tầng năng lượng, Tây Ban Nha có thể xuất khẩu điện sang các nước láng giềng. Trong mùa Hè năm 2022, lượng điện xuất khẩu này đã đáp ứng 30% nhu cầu ở Bồ Đào Nha và 4,5% ở Pháp. Xuất khẩu khí đốt tăng 55% trong 3 tháng đầu năm 2023 nhờ các tàu chở LNG và việc mở rộng đường ống dẫn khí đốt sang Pháp.
Một nhà máy có khả năng vận chuyển 100 tàu LNG mỗi năm trên khắp châu Âu cũng đã được khai trương tại cảng Gijón, phía Tây Bắc Tây Ban Nha.
Ba Lan
Tháng 4/2022, khi Điện Kremlin bắt đầu yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble, Ba Lan và Bulgaria là những nước đầu tiên phản đối yêu cầu này và bị cắt nguồn khí đốt. Vào thời điểm đó, gần một nửa lượng khí đốt của Ba Lan được vận chuyển qua đường ống Yamal từ Siberia. Nhưng không giống như Đức - quốc gia dựa vào khí đốt để tạo ra khoảng 15% điện năng - Ba Lan đã tạo ra phần lớn năng lượng từ than.
Trong nhiều năm, nền kinh tế lớn nhất ở Trung và Đông Âu đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Sau chiến dịch quân sự đặc biệt, Ba Lan tăng tốc nhập khẩu thông qua các kho cảng LNG. Đầu năm nay, công ty dầu khí nhà nước Orlen đã hoàn tất thỏa thuận 20 năm với Sempra (Mỹ) để nhập khẩu 1 triệu tấn LNG mỗi năm.
Theo The Guardian, tháng trước, giá khí đốt đã tăng vọt hơn 40% chỉ trong một ngày do tin tức về hành động đình công của công nhân tại một dự án khí đốt ở Australia.
Australia không cung cấp nhiều khí đốt cho châu Âu, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng, phía Bắc bán cầu vẫn có thể gặp một số rủi ro trên thị trường khí đốt trong năm nay. Đây là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng, cách tốt nhất để đề phòng giá xăng, khí đốt tăng là cần giảm tiêu thụ.
| Phát hiện 'kho báu' ở nơi từng bị lãng quên, chẳng cần Nga, châu Âu tự tin 'né' khủng hoảng năng lượng Các quốc gia trên khắp châu Âu đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho mùa Đông tới, trong bối cảnh những "báo động đỏ" về thị ... |
| 'Chiến dịch' phá vây của Nga bị chặn đứng, phi USD hóa tưởng dễ mà khó không tưởng, Moscow có kế sách mới? Nỗ lực phi USD hóa của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không thể diễn ra theo kế hoạch. Hàng tỷ USD lợi nhuận từ ... |
| Cấm xuất khẩu dầu diesel, Nga sẽ ‘tái bản’ chiêu đã dùng với khí đốt sang châu Âu? Bắc bán cầu lại lao đao vì năng lượng? Động thái của Nga khiến một số nhà phân tích năng lượng lo ngại về việc lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel có ... |
| Khủng hoảng năng lượng: EU 'ghi điểm' dù vắng Dòng chảy phương Bắc; ngoài khí đốt, Nga còn đòn bẩy nào không? Châu Âu ở vị thế thoải mái hơn so với năm trước nhờ mức dự trữ khí đốt cao, giá năng lượng thấp hơn và ... |
| Kinh tế Nga tăng trưởng kỳ diệu dưới lệnh trừng phạt Tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, giai đoạn phục hồi nền kinh tế đã hoàn thành, sau khi đất nước vượt qua ... |