📞

200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu – Truyền cảm hứng và lan tỏa

Khánh Linh 08:00 | 15/12/2022
Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là dịp để xây dựng và tuyên truyền toàn diện về hình ảnh con người Bến Tre - trung can nghĩa đảm, vượt qua mọi gian nan thử thách để học tập suốt đời, trọng nghĩa khí, bền bỉ với tinh thần chống giặc giữ nước, xây dựng quê hương...

Hội thảo khoa học quốc tế danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu với chủ đề “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”; hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông năm 2022”; xác lập kỷ lục Việt Nam, kỷ lục thế giới đối với quyển sách thư pháp khổ lớn “Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển”; trưng bày “Nguyễn Đình Chiểu cuộc đời và sự nghiệp”; 30 năm Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre)… là chuỗi các hoạt động tưởng nhớ và tôn vinh thuộc Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 – 1/7/2022) và nhân dịp Nhà thơ được UNESCO vinh danh.

Trao Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại cho đại diện lãnh đạo tỉnh Bến Tre. (Nguồn: hcmcpv.org)

Tại Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2022) và 30 năm Ngày Truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, đã trao Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại cho đại diện lãnh đạo tỉnh Bến Tre.

Dấu ấn Nguyễn Đình Chiểu – người truyền cảm hứng

Ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, đồng chí Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó vươn lên; đoàn kết vượt qua bao gian khổ, hy sinh của cụ Nguyễn Đình Chiểu đã truyền cảm hứng cho cuộc Đồng khởi thần kỳ năm 1960, góp phần hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre nguyện tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức, nhân cách của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, để tinh thần Đồng khởi chống giặc ngoại xâm được lan tỏa hiệu quả trong phong trào thi đua Đồng khởi mới trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện tốt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; phát huy giá trị văn hoá dân tộc trong xây dựng văn hóa, con người Bến Tre; tạo điều kiện cho văn hóa thấm sâu và trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển Bến Tre phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lãnh đạo tỉnh Bến Tre. (Nguồn: hcmcpv.org)

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là vùng quê gắn bó với danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều công việc có ý nghĩa sâu sắc nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà người đã để lại cho thế hệ hiện tại và mai sau.

Bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Đình Chiểu đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu.

“Tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước; Phát huy giá trị văn hoá Nguyễn Đình Chiểu trong giai đoạn mới, chú trọng ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin vào nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu; nghiên cứu, sáng tác văn học nghệ thuật về Nguyễn Đình Chiểu; thực hiện số hóa di sản liên quan đến con người và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu...”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Ông Cao Văn Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu là một sự kiện trọng đại để tôn vinh, khơi dậy lòng tự hào của dân tộc Việt Nam trước hình tượng và sự nghiệp của một nhà thơ, một thầy thuốc, thầy giáo, nhà yêu nước. Đây là cơ hội hiếm có để Bến Tre giới thiệu, quảng bá khám phá và khơi dậy tiềm năng, xúc tiến du lịch, tạo sự lan tỏa rộng khắp để du khách trong nước và quốc tế biết đến Bến Tre.

Tiếp tục lan tỏa được các giá trị

Sau khi UNESCO thông qua Nghị quyết tôn vinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức các hoạt động với mục tiêu thực hiện đúng các hoạt động cam kết với UNESCO nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Với quy mô của một chương trình quốc tế, phải được dàn dựng theo các tiêu chí của UNESCO đã đánh giá để công nhận danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong tương quan với hàng chục hồ sơ đăng ký của các quốc gia khác, chương trình nhận được sự quan tâm và kỳ vọng đặc biệt của các nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế, lãnh đạo và các chuyên gia UNESCO cả ở trong nước và thế giới.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong tổ chức thực hiện chuỗi các hoạt động và Lễ kỷ niệm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời, thường xuyên. Duy trì chế độ họp kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo theo định kỳ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Công tác an ninh, an toàn được đảm bảo tuyệt đối trong tất cả các hoạt động. Công tác lễ tân, khánh tiết đảm bảo trọng thị, chu đáo. Công tác hậu cần chu đáo, an toàn. Các nội dung được chuẩn bị và kiểm duyệt chặt chẽ, thông tin tuyên truyền, phát ngôn báo chí đạt hiệu quả và hiệu ứng tốt.

Các hoạt động theo cam kết với UNESCO được đảm bảo: Hội thảo khoa học quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu có trên 200 nhà khoa học trong và ngoài nước và khách mời tham dự. Đối với hoạt động trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã trưng bày 300 hiện vật, hình ảnh, tư liệu, bài viết,… Lễ kỷ niệm tổ chức thành công tốt đẹp, có sự tham dự của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Cuốn sách thư pháp khổ lớn Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển có kích thước 1,4 x 1,8 m, nặng 500 kg, đang được trưng bày tại tỉnh Bến Tre. (Nguồn: Thanhnien)

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đánh giá các hoạt động và Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã tổ chức thành công, đặc biệt là 3 hoạt động chính đã cam kết với Tổ chức UNESCO. Tuy còn một số việc cần rút kinh nghiệm nhưng nhìn chung, công tác tổ chức chu đáo, đạt kết quả, đảm bảo an toàn, an ninh, tạo sự phong phú, đa dạng, lan tỏa rộng khắp trong nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành VH,TT&DL và các ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu để vận dụng trong thực hiện công tác tham mưu thời gian tới. Cơ quan tham mưu hoàn thiện các báo cáo gửi Chính phủ, Tổ chức UNESCO, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan; phát hành thư cảm ơn các nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ cho tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý thêm, từng cơ quan, tiểu ban cần có cuộc họp để đánh giá mặt được và chưa được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Rà soát và xem xét, tiếp tục đề nghị khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tích cực đóng góp cho hoạt động. Đặc biệt, sau các hoạt động và Lễ kỷ niệm, làm sao để tiếp tục lan tỏa được các giá trị, những đóng góp to lớn của của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, thông qua các hoạt động, tỉnh có thêm nhiều kỹ năng, nâng cao năng lực tổ chức, nhất là các chương trình nghệ thuật, có thể đảm đương các chương trình phục vụ tại tỉnh. Hướng tới, theo điều kiện của tỉnh, hằng năm có thể xây dựng các lễ hội góp phần quảng bá hình ảnh, con người Bến Tre qua đó kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch.

Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822 tại làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) và mất năm 1888 tại Ba Tri (Bến Tre).

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời. Không chỉ là một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc đã đóng góp rất nhiều tác phẩm có giá trị vào kho tàng văn học Việt Nam, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Ông còn biết đến là một người có lòng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc vô cùng sâu sắc, quyết giữ trọn lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân.

Ông xuất thân trong gia đình nhà Nho hiếu học, từ nhỏ đã rất thông minh và chăm chỉ. Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiều gặp nhiều bất hạnh, cực khổ. Ông bị mù lòa trong lần về chịu tang mẹ. Vì quãng đường xa, thời tiết thất thường khiến ông bị ốm và hỏng đôi mắt.

Sau khi trở về quê, ông gạt bỏ mọi khó khăn, vực dậy mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Là một người vừa tài năng vừa đức độ nên danh tiếng của ông vang khắp lục tỉnh. Thơ văn của ông luôn mang nặng lý tưởng đạo đức nhân nghĩa, giá trị làm người trong cuộc sống từ đó khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân đồng thời ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, sẵn sàng hi sinh vì dân, vì nước.

Hầu hết các tác phẩm chính của ông đều được sáng tác bằng chữ Nôm. Tập thơ đầu tiên và cũng là tập thơ nổi tiếng nhất của ông đó chính là tác phẩm “Lục Vân Tiên”. Đây là tác phẩm rất ý nghĩa và đặc sắc mang đến cho người đọc biết bao bài học thấm thía về đạo lí, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ngoài ra ông còn sáng tác một số tác phẩm phản ánh chân thực về thời kỳ đau thương của đất nước và tố cáo tội ác kẻ thù như: "Chạy giặc", "Ngư tiều y thuật vấn đáp", "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc".