Yahoo
Yahoo đã bắt đầu năm 2016 không mấy suôn sẻ khi buộc phải cắt giảm 15% nhân sự của mình. Trong năm nay, chỉ trong một thời gian ngắn, Yahoo đã hai lần công bố bị hacker xâm nhập dữ liệu, ảnh hưởng đến hơn 500 triệu tài khoản và 1 tỷ người dùng Yahoo gồm các thông tin như: tên tài khoản, địa chỉ email, điện thoại, ngày sinh, mật khẩu, các câu hỏi bảo mật và câu trả lời.
Hai vụ rò rì dữ liệu trên quy mô lớn đã khiến Yahoo điêu đứng. (Nguồn: IMG) |
“Cả huy chương vàng và bạc trong cuộc thi ‘Những vụ đột nhập tồi tệ nhất lịch sử’ đã được trao cho Yahoo”, Hemu Nigam – một chuyên gia tư vấn bảo mật cho biết.
Vụ rò rỉ dữ liệu trên quy mô lớn đã khiến thương vụ mua lại Yahoo của nhà mạng lớn hất nước Mỹ Verizon gặp trở ngại. Thời điểm này, Verizon đã yêu cầu giảm 1 tỷ USD trong số 4,8 tỷ USD đã thỏa thuận.
Samsung
Năm 2016 cũng là năm đen đủi của đại gia công nghệ Hàn Quốc Samsung. Mọi chuyện bắt đầu khi mẫu điện thoại từng được Samsung đặt nhiều kỳ vọng - Galaxy Note 7 phát nổ khiến hãng buộc phải thu hồi hàng triệu điện thoại dòng này trên toàn cầu. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi những chiếc Note 7 thay thế được khẳng định là an toàn nhưng cũng lần lượt phát nổ khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Sự cố phát nổ của dòng Note 7 đã biến năm 2016 thành năm đen tối nhất của Samsung. (Nguồn: XHTT) |
Cực chẳng đã, Samsung phải tuyên bố khai tử dòng Note 7. Ước tính, chi phí cho việc thu hồi, xử lý dòng sản phẩm này lên tới hàng tỷ USD, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của công ty.
Cùng thời điểm đó, Samsung cũng phải thu hồi gần 3 triệu máy giặt tại khu vực Bắc Mỹ do lo ngại về nguy cơ phát nổ.
Wells Fargo
Tháng 9 vừa qua, ngân hàng Wells Fargeo đã gây chấn động nước Mỹ khi sa thải 5.300 nhân viên vì đã bí mật mở 2 triệu tài khoản giả để trục lợi. CEO John Stumpf sau đó đã bị điều trần tại Quốc hội và phải từ chức.
. CEO của Wells Fargeo John Stump buộc phải từ chức sau những bê bối của ngân hàng. (Nguồn: ABC News) |
Danh tiếng của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi một cựu nhân viên tiết lộ về môi trường làm việc quá áp lực và cạnh tranh đã đẩy không ít người vào các vụ làm ăn phi pháp.
Deutsche Bank
Bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vẫn tiếp tục “đeo bám” nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính lớn trên thế giới và ngân hàng Deutsche Bank là một ví dụ điển hình. Trong bối cảnh lợi nhuận yếu và liên tục phải cắt giảm nhân sự, ngân hàng lớn nhất nước Đức tiếp tục gặp hạn khi bị Bộ Tư pháp Mỹ đòi trả 14 tỷ USD để dàn xếp một vụ điều tra về chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Đây là số tiền cao gấp nhiều lần dự báo của giới đầu tư.
Deutsche Bank cũng có một năm lao đao. (Nguồn: Enternews) |
Vụ việc này khiến giới đầu tư lo ngại rằng Deutsche Bank - từng bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gọi là ngân hàng rủi ro nhất thế giới sẽ không thể trả được khoản phạt lớn như vậy. Dù vậy, tuần trước, Deutsche Bank cho biết họ đã đàm phán thành công với giới chức Mỹ và thống nhất mức phạt là 7,2 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với mức ban đầu.
Theranos
Năm 2016 cũng là năm chứng kiến sự sụp đổ của Theranos - một trong những “tượng đài” về khởi nghiệp của Thung lũng công nghệ Silicon (Mỹ).
Thành lập vào năm 2003, Theranos là một công ty chuyên về xét nghiệm y tế. Theranos cho biết họ có thể xét nghiệm 240 loại bệnh chỉ từ một vài giọt máu. CEO và là người sáng lập Theranos - Elizabeth Holmes từng được tờ Forbes ca ngợi là người phụ nữ tự thân lập nghiệp giàu nhất nước Mỹ với tổng tài sản 4,5 tỷ USD. Song đó chỉ là câu chuyện của năm ngoái.
Một khu vực lấy máu xét nghiệm trong chuỗi cửa hàng của Theranos. (Nguồn: Business Insider) |
Dấu hiệu xuống dốc bắt đầu từ cuối năm 2015 khi tờ Wall Street Journal nghi ngờ công ty này cam kết sai sự thật về phương pháp và thiết bị thử máu. Bà Elizabeth Holmes khi ấy đã bác bỏ cáo buộc này.
Sau khi các cơ quan điều tra vào cuộc, Theranos đã phải sửa chữa hàng nghìn kết quả xét nghiệm, bị chuỗi hiệu thuốc Walgreens chấm dứt hợp tác. Holmes bị cấm sở hữu hoặc điều hành bất cứ một phòng thí nghiệm nào trong vòng hai năm. Tháng 10, công ty này tuyên bố cắt giảm hàng trăm nhân sự do các phòng thí nghiệm bị đóng cửa.
Đối thủ của Facebook – mạng xã hội Twitter cũng có một năm lao đao khi đầu năm giá cổ phiếu sụt giảm kỷ lục và người dùng liên tục bị mất dần. Hy vọng về một thương vụ “bán mình” nhằm vực dậy tình hình khó khăn của công ty cũng tan tành khi không có “đại gia” nào ngỏ ý muốn mua lại Twitter.
Twitter đã có một năm đáng buồn khi không có "đại gia" nào ra tay mua lại. (Nguồn: CNN) |
Để đối phó với tình hình này, Twitter đã tuyên bố cắt giảm hàng trăm việc làm và xoá bỏ ứng dụng video Vine. Mọi chuyện càng trở nên khó khăn vào những tháng cuối năm khi một loạt các lãnh đạo cấp cao cũng “dứt áo ra đi”.
Cổ phiếu Twitter từng tăng vọt khi được dự báo có công ty mua lại. Nhưng đến nay, mã này đã giảm 20% so với đầu năm.