📞

2016 tiếp tục thử thách kinh tế thế giới

10:00 | 09/01/2016
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục, có thể GDP năm 2016 sẽ đạt được 3,5% như dự báo mới nhất của Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF). Tất nhiên, 3,5% thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của thập kỷ trước khủng hoảng, nhưng vẫn khả quan hơn so với mức trung bình của năm năm qua.
 

Những nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Anh... đang dần trở lại quỹ đạo. Khu vực châu Âu được mong đợi sẽ có sự tăng trưởng tích cực hơn. Tuy nhiên, theo phân tích của cựu Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, hiện là Chủ tịch Sáng kiến Hệ thống Tài chính toàn cầu thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Anders Borg, mức đầu tư thấp, khả năng sản xuất suy yếu, tăng trưởng thương mại chậm chạp… không chỉ là điểm yếu riêng của nền kinh tế Trung Quốc và khu vực châu Á. Chuyên gia này còn dự báo, sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2016 sẽ còn bị đe dọa bởi một loạt yếu tố khác.

Rủi ro lớn về chính trị

Cuộc bầu cử Tổng thống mới của nước Mỹ là một sự kiện chính trị lớn trong năm 2016. Một vấn đề quan trọng là liệu Tổng thống tiếp theo có thể khôi phục nước Mỹ thành một lực lượng ổn định toàn cầu sau sự thờ ơ rõ ràng của chính quyền Tổng thống Obama hay không? Bên cạnh đó, châu Âu cần phải đẩy mạnh khả năng đối phó với các vấn đề an ninh đang nổi lên gần đây. Điều cần thiết hiện nay đối với Mỹ và châu Âu là phải sẵn sàng trong tư thế chủ động đảm bảo an ninh toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu sẽ tiếp tục là vấn đề không nhỏ trong năm 2016. Liên hợp quốc ước tính,  hơn một triệu người đã tràn vào vào Đức, Thụy Điển, Hungary, Áo, Italy… với mục đích tị nạn trong năm 2015. Con số này có thể sẽ thấp hơn vào năm 2016, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn cho cả hai năm 2016 và 2017. Bởi vậy, hậu quả kinh tế ngắn hạn của các dòng di cư cao sẽ khiến mức tăng trưởng GDP cao hơn một chút ở Đức và Thụy Điển do sự gia tăng tạm thời trong chi phí công. Tuy nhiên, về lâu dài, nhiệm vụ hội nhập một số lượng lớn người nhập cư từ một nước kém phát triển hơn rất nhiều với người dân trong nước sẽ là một thách thức lớn đối với châu Âu.

Để có thể điều hành tốt, các nước cần tăng cường tính linh hoạt của thị trường lao động và thúc đẩy chi tiêu vào giáo dục, đồng thời sắp xếp lại các dịch vụ phúc lợi khác. Tuy nhiên, ở Đức và Thụy Điển thực hiện sẽ rất khó khăn. Thời gian tới, nhiều khả năng tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn, nhưng mặt tốt của nó là sẽ làm giảm phần nào áp lực tiền lương cho doanh nghiệp và lạm phát.

Nguy cơ “Brexit”

Một yếu tố quan trọng hình thành tương lai chính trị của châu Âu là cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh muốn ra khỏi Liên minh châu Âu - EU (Brexit). Tuy nhiên, những cuộc trưng cầu dân ý thường đi kèm với sự không chắc chắn, nhất là khi kết quả bất ngờ có thể không như mong đợi.

Dự đoán tốt nhất hiện nay là Anh vẫn còn thuộc EU. Giới chuyên gia cho rằng, hậu quả kinh tế và chính trị sẽ có sức công phá khủng khiếp nếu Anh kiên quyết theo chủ nghĩa biệt lập. Sự cân bằng chính trị ở châu Âu dựa trên tư tưởng về một châu Âu mở cửa cho thương mại tự do và thị trường năng động. Tuy nhiên, nếu châu Âu và Anh là hai thực thể thì sẽ không thể chiếm ưu thế trong cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Đối với nước Anh, hậu quả kinh tế lâu dài khó có thể đo lường được. Nếu không còn thuộc EU, vai trò của London  là trung tâm tài chính của châu Âu sớm hay muộn sẽ lung lay.

Sự trở lại của Nga

Một yếu tố chính trị không thể thiếu trong ổn định tài chính toàn cầu là vai trò của nước Nga. Vào cuối năm 2015, Tổng thống Putin đã nhanh chóng thay đổi vị trí của Nga từ “người ngoài cuộc” thành người có ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố.

Về lâu dài, sức mạnh của kinh tế Nga không còn được đánh giá cao bởi sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn tài nguyên thiên nhiên hơn là cải tiến năng suất và đổi mới. Nhưng chưa thể nói trước điều gì, bởi Tổng thống Putin được coi là bậc thầy trong việc xoay chuyển tình hình.

Bởi vậy, trong năm tới, việc đầu tư ở Nga được xem là khá nguy hiểm, có thể hầu hết nhà đầu tư sẽ “ngủ đông”. Sự phục hồi vững chắc ở Nga sẽ chỉ đến khi các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn bị thuyết phục rằng, sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại vừa qua sẽ hướng tới một nước Nga hợp tác mở cửa và sẵn sàng cải cách cơ cấu kinh tế.

Tăng trưởng tăng tốc khó khăn

Tăng trưởng toàn cầu vẫn suy yếu trong năm tới. Sự phục hồi của Mỹ, tình trạng kinh tế suy yếu ở châu Âu, cũng như tốc độ tăng trưởng suy giảm ở Trung Quốc đang tạo ra bất ổn cho thị trường tài chính. Chính sách tiền tệ bất thường trong những năm qua đã bơm tiền ngắn hạn vào hệ thống tài chính toàn cầu, kết hợp với tính thanh khoản thấp do các cơ cấu quản lý mới định hình trong ngành ngân hàng đa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bất ổn. Các yếu tố quan trọng quyết định mức độ biến động là tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và cải cách ở Trung Quốc.

Trong năm 2016, kỹ thuật số có thể trở thành cuộc cách mạng mới. Nhiều công ty mới thành lập đã tạo lợi nhuận ấn tượng trong nhiều năm qua, tuy nhiên, vẫn chưa tạo ra được các tác động kinh tế vĩ mô đáng kể.

Cải cách Trung Quốc khó lường

Nếu Trung Quốc có thể dần chuyển đổi từ nền kinh tế đầu tư sang tiêu thụ thì tương lai sẽ mở ra con đường hướng tới tăng trưởng bền vững hơn và đem lại sự lạc quan trong nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, thành công của cuộc cải cách phụ thuộc vào khả năng “phản kháng” từ các nhóm có lợi ích đặc biệt, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước. Đối với nền kinh tế toàn cầu, đây là tín hiệu để theo dõi bất kỳ dấu hiệu tăng tốc cải cách nào của Trung Quốc.

Một vấn đề khác cần nhấn mạnh là tầm quan trọng của Trung Quốc đối với các nền kinh tế mới nổi. Tăng trưởng ở châu Á, Mỹ Latinh hay châu Phi đã và đang được hỗ trợ từ nhu cầu ngày càng tăng đối với quặng sắt, đồng và dầu… từ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thành công trong việc đối phó với các thách thức trong nước, tức là góp phần lớn “hồi sinh” sự lạc quan tại các thị trường mới nổi.

Như vậy, năm 2016 có thể sẽ là một năm bất định cho nhiều nền kinh tế. Tuy tăng trưởng toàn cầu đang dần tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ và các nước phát triển khác, nhưng những rủi ro chính trị và sự bất ổn của thị trường có nhiều khả năng mang lại nguy cơ tiềm ẩn đối với sự lạc quan về tương lai.