📞

2016: Văn hóa đọc đích thực trở lại

21:07 | 02/01/2017
Năm 2016 là năm đặc biệt của ngành xuất bản sách, của những người yêu đọc sách với sự xuất hiện của rất nhiều Ngày hội sách, Hội chợ sách.

Hiệu quả từ một chủ trương đúng

Trong năm 2016, bình quân cứ 2 tháng lại có một ngày hội sách hoặc hội chợ sách được tổ chức ở Hà Nội. Và ở mỗi hội chợ sách, dù lớn hay nhỏ, cũng có hàng ngàn hàng vạn người đến xem, chọn mua sách. Đây là thực tế vui mừng của ngành xuất bản sách Việt Nam.

Nói về những thành công của công tác xuất bản năm 2016, Ông Nguyễn Kiểm, Phó chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: “Việc năm 2016 có rất nhiều hội sách thành công, đặc biệt ở Hà Nội là có nguyên nhân sâu xa từ việc Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, bắt đầu từ năm 2014. Đây là một quyết định bước ngoặt, làm cho cả xã hội có một sự chuyển động tích cực theo hướng khôi phục và phát triển văn hóa đọc.

Hội sách mùa thu 2016 có hàng vạn lượt người tham quan, mua sách. (Ảnh: T.C)

Nhận thức được giá trị của văn hóa đọc không chỉ là cung cấp tri thức mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, ước mơ và định hướng con người trong tư duy cũng như hành động, giúp con người hoàn thiện, hướng thiện. Bên cạnh đó là sự cố gắng của các nhà xuất bản, các tác giả và đặc biệt hơn cả là sự hưởng ứng của người đọc. Nếu người đọc không tự nhận thức được giá trị của việc đọc sách thì mọi mệnh lệnh hành chính hay nỗ lực của các nhà xuất bản đều trở thành vô giá trị”.

Sách có chất lượng...

Năm 2016 là năm thứ 12 Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Giải thưởng sách Việt Nam. 90 giải thưởng sách hay, sách đẹp đã được trao tại “Giải thưởng sách hay Việt Nam 2016”. Đây là những lựa chọn từ gần 500 cuốn sách được gửi tham dự giải của 40 nhà xuất bản trong cả nước. “Giải thưởng sách hay Việt Nam 2016” diễn ra ngày 28/12 vừa qua không chỉ đánh giá chất lượng sách mà còn cho thấy sự đa dạng, phong phú cả về loại hình lẫn lĩnh vực sách: sách thiếu nhi, sách văn học, sách văn hóa nghệ thuật, sách khoa học xã hội và nhân văn, sách kỹ thuật, khảo cứu…

Độc giả tham gia một hội sách tại HN.

Nhà văn Lê Phương Liên, thành viên Hội đồng “Giải thưởng sách hay Việt Nam 2016” cho biết: “Giải thưởng năm nay với những bộ sách đoạt giải thưởng rất cao như của tác giả Vũ Hạnh (giải Vàng), cho đến những tác giả trẻ như Phong Điệp (giải Đồng) thì tôi thấy rất phấn khởi. Với nhiều loại sách văn học, sách y học, tìm hiểu văn hóa Mường được giải cao, tôi thấy rằng từng gia đình nếu xây dựng tủ sách mà có được những đầu sách hay, chất lượng như thế sẽ là việc hết sức có ích”.

Đáng lưu ý, với bộ sách 12 tập dành cho thiếu nhi (đoạt giải Vàng), nhà văn Vũ Hùng đã tạo nên những trang văn đẹp cả về hình thức lẫn lời văn, hay và hiếm có về thiên nhiên hoang sơ, cũng như những trải nghiệm của chính tác giả trong những khu rừng nguyên sinh của Việt Nam. Bằng vốn kiến thức uyên bác và tấm lòng yêu quý trẻ thơ, ông đã để lại những tác phẩm có ý nghĩa giáo dục cho trẻ em nhiều thế hệ sau.

“Những tác phẩm sách chất lượng sẽ để lại những suy tư trong lòng bạn đọc, giúp bạn đọc nâng tầm nhận thức, hướng thiện, có ước mơ, hoài bão trong cuộc sống. Đó chính là xu hướng dịch chuyển rất tích cực, rất đáng mừng của văn hóa đọc”, ông Nguyễn Kiểm chia sẻ.

Văn hóa đọc hiện nay đang chịu sự lấn át mạnh mẽ của các phương tiện nghe nhìn, internet. Hơn nữa, thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú cả về nội dung và hình thức. Một bộ phận giới trẻ không biết chọn sách, đọc theo phong trào, dẫn đến việc có nhiều sách được coi là “sách đen”, sách kém chất lượng vẫn được giới trẻ truyền tay nhau đọc. Vì vậy, việc tôn vinh những cuốn sách hay, sách có giá trị chính là việc làm quan trọng để giúp người yêu sách, đọc sách có cơ hội nâng cao văn hóa đọc của bản thân, để việc đọc trở nên có chất lượng hơn.

...và đọc có chất lượng

Vài năm trước, khi văn hóa đọc giải trí lên ngôi mạnh mẽ ở Việt Nam. Người đọc sách đơn giản chỉ tìm kiếm những câu chuyện vui nhàn nhạt, truyện cười nhàn nhạt để giải trí nhẹ nhàng. Sau khi đọc, không có nhiều giá trị còn đọng lại trong tâm thức người đọc. Đó chính là giai đoạn lên ngôi của truyện tranh giải trí, truyện ngôn tình…

Khai mạc Hội sách Hà Nội 2016. (Ảnh: L.L)

Nhận giải Bạc, Giải thưởng sách hay 2016 với tác phẩm “Nhà văn, anh là ai”, nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ: “Người đọc và người viết hiện nay đang có những mối quan hệ tương tác tốt thông qua tác phẩm, chính mối quan hệ này làm cho chất lượng sách ngày một tốt hơn, và từ đó nâng cao chất lượng thẩm đọc của chính người đọc sách. Người đọc tự biết đánh giá, lựa chọn sách hay, phù hợp và sàng lọc những sách kém chất lượng. Sự sàng lọc này sẽ giúp thị trường sách lành mạnh và có chất lượng hơn. Thực tế ấy đã được phản ánh rõ tại các hội chợ sách, ngày hội sách trong năm qua”.

Tác giả cuốn “Trái tim của mẹ”, giải Bạc tại “Giải thưởng sách hay Việt Nam 2016”, nhà văn Phạm Thị Hoài Anh chia sẻ: “Sự xuất hiện ngày càng nhiều ngày hội sách, liên hoan sách hiện nay chưa phản ánh hết thực tế nhu cầu đọc của người dân và văn hóa đọc ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc ngày càng có cơ hội tiếp cận với sách nhiều hơn, đều đặn hơn sẽ dần hình thành thói quen đọc sách và tình yêu với sách. Khi người dân được tiếp cận những đầu sách tốt, cuốn sách hay, họ sẽ nhận thức được giá trị của sách và biết lựa chọn sách cho mình”.

(theo Thành Công/VOV.VN)