Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là công tác giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng giáo viên đào tạo nghề.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Hướng tới đào tạo nghề theo đặt hàng
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nêu chất vấn trong báo cáo kinh tế-xã hội cũng như phát biểu của Bộ trưởng tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 26/5 đã đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cần ưu tiên trong quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thời gian tới?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực hiện còn thấp, đây cũng là một trong những nguyên nhân để năng suất lao động thấp.
"Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thấp thể hiện qua việc chưa theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, cơ cấu nông nghiệp đóng góp vào GDP là 15,34%; công nghiệp trên 33,34%. Trong khi đó, chuyển dịch lao động của chúng ta còn chậm, đến năm 2017 có 40,7% là lao động nông nghiệp. Đến hết tháng 4/2018, con số này là 38,6%. Lực lượng lao động nhiều như vậy nhưng đóng góp vào GDP chỉ là 15,34%", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng cho rằng cơ cấu đào tạo hiện nay còn bất hợp lý. Quan trọng hơn, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với kỹ năng và các điều kiện đảm bảo cho người lao động một môi trường làm việc có thu nhập, an toàn, mạng lưới an sinh. Thời gian tới, việc ưu tiên giáo dục nghề nghiệp là đặc biệt quan trọng. Giáo dục nghề nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động là quan trọng, đặc biệt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2018, giáo dục nghề nghiệp được chọn là khâu đột phá. Đây là một chủ trương đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, những vấn đề cần quan tâm là: quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh sang tự chủ, làm động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp đúng với Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 phù hợp với yêu cầu trong Đề án đổi mới và tái cơ cấu kinh tế mà Chính phủ đã phê chuẩn. Trong đó, chuyển hẳn sang hướng mới là kết nối doanh nghiệp; doanh nghiệp và nhà trường đồng hành.
Đây là chủ trương nhiều quốc gia đã thực hiện thành công, đặc biệt là những nước có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển cao như Đức, Singapore, Nhật Bản... Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ thí điểm việc 10 trường liên kết với 15 Tập đoàn trong việc đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, gắn với cung cầu, giải quyết điểm còn yếu của giáo dục nghề nghiệp thời gian qua.
Sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về giải pháp sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết việc tập trung tổ chức sắp xếp tổ chức lại bộ máy giáo dục nghề nghiệp là vấn đề cần thiết. “Hiện nay còn 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó 397 là trường cao đẳng với 307 trường công lập; 525 trường trung cấp với hầu hết là công lập; còn hơn 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện.”
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hai năm qua, Bộ đã phối hợp với các địa phương, sắp xếp một bước với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm 35 trường cao đẳng, 328 cơ sở giáo dục cấp huyện theo phương châm tích hợp "3 trong 1" và "2 trong 1," tức là ba trung tâm giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên, giáo dục tổng hợp sáp nhập làm 2 hoặc làm 1. Nhờ vậy, bước đầu bộ máy đã tinh gọn hơn, tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu.
Hiện, Bộ đang cùng với các địa phương rà soát để sắp xếp lại những trường không tuyển sinh được, những trường hoạt động không đáp ứng yêu cầu. Trong trường hợp không đáp ứng được yêu cầu sẽ giải thể. Cùng với đó, Bộ tổ chức lại các trường trung cấp theo phương pháp "1 trường 1 địa phương," nhất là những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa chỉ cần một trường cao đẳng nghề nhưng trong trường cao đẳng đó có cả hệ trung cấp, hệ sơ cấp để đảm bảo vừa tinh gọn bộ máy lại hoạt động có hiệu quả.
Quang cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong phương án của Nghị quyết Trung ương 6 sẽ có ba giai đoạn, đến năm 2021 giảm 10% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, 10% biên chế và 10% đơn vị tự chủ; đến năm 2025 giảm 10% của năm 2021 và 2030 giảm 10% của năm 2025 nhưng quyết tâm của Bộ là đến năm 2021 sẽ đạt chỉ tiêu của năm 2030. Trong đó, không chỉ tập trung củng cố giảm số lượng mà còn nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Khẳng định con số tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2017 là 56,1% do đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) nêu không phải là con số hình thức, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trong số 56,1% này chỉ có 22% là nhân lực đào tạo có chứng chỉ. Con số này tính cả người được truyền nghề, công nhân kỹ thuật đã có thời gian dài, thậm chí có trường hợp "bàn tay vàng" nhưng không được cấp chứng chỉ vì cách tính ngạch không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đầu tư vào đào tạo nghề
Việc kiểm soát chất lượng và hiệu quả đào tạo, vai trò và trách nhiệm của Bộ đối với việc kiểm tra, yêu cầu các cơ sở đào tạo tăng cường các hoạt động đầu tư, các yếu tố nguồn lực để làm nên chất lượng đào tạo. Đây là những chất vấn của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) gửi đến Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Theo đại biểu, để đào tạo có chất lượng phải có nguồn lực, người dạy có chất lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các hoạt động thực hành. Đây là những giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề bao gồm nguồn lực, đội ngũ giảng viên cũng như việc đảm bảo cho người lao động, học sinh, sinh viên. Riêng về vấn đề tài chính nguồn lực cho cho giáo dục nghề nghiệp, hiện nay, Nhà nước đang đáp ứng 60%, còn 40% là ngân sách ngoài Nhà nước. Ngân sách này chiếm khoảng 8% so với tổng ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo.
Đối với đội ngũ giáo viên, hiện nay đã có chương trình chuẩn hóa giáo viên. Tiêu chí, tiêu chuẩn, chế độ chính sách với giáo viên đã được phê duyệt theo đúng quy định.
Để đảm bảo quyền lợi cho người học, theo Bộ trưởng, một mặt cần tăng số lượng nhưng quan trọng hơn là chất lượng và các điều kiện để đảm bảo cho người học khi ra trường có việc làm, có thu nhập. Quan trọng hơn là người học khi có nhu cầu học cao lên có thể học liên thông. Riêng về liên thông, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê chuẩn việc liên thông từ trung cấp, cao đẳng nghề lên các bậc tiếp theo.