📞

2022 chú hổ chào Xuân Nhâm Dần

Minh Hòa 11:05 | 25/12/2021
Những ngày cuối tháng 12, tôi đến thăm “Không gian nghệ thuật của Phát - Phat Studio” để chiêm ngưỡng những tạo tác độc bản - gần 300 con hổ trong bộ sưu tập 2022 con mà nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đang miệt mài sáng tác để hoàn thành nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay.
Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bên những bức tượng sơn mài hổ với các dáng vẻ vô cùng phong phú đang được trưng bày ở “Phat Studio” tại Làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Nguyễn Mạnh Cường)

Đến hẹn lại lên. Sau thành công của bộ sưu tập trâu độc bản 1010 tác phẩm của họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát nhân dịp 1010 năm Thăng Long Hà Nội và chào Xuân Tân Sửu 2021 ở Làng cổ Đường Lâm hồi cuối năm ngoái, năm nay, tôi lại “hóng tin” anh.

Ngay sát ngõ Đình làng Mông Phụ, từ xa, không gian nghệ thuật của Tấn Phát hiện ra như bao nếp nhà cổ miền Bắc Bộ với mái ngói đỏ ba gian, êm đềm thấp thoáng bên cạnh mái đền Mông Phụ trầm mặc hơn 300 năm tuổi.

Nhưng lại gần, tôi nhận ra đó là sự đặc sắc hiếm nghệ sĩ nào có được. Đó là “Phat Studio” – một không gian nghệ thuật mang đậm hồn cốt Việt.

Bộ tạo tác độc bản 2022 tác phẩm

Tôi bước vào không gian ấn tượng ấy khi Nguyễn Tấn Phát đang ngồi trên chiếc ghế mang hình con hổ màu xanh ngoài hiên. Anh ngắm nghía những tác phẩm đang bày la liệt trước mặt. Đó là những tác phẩm chú Tễu, con Trâu, con Hổ… được chuẩn bị để đưa vào danh mục Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).

Trông thấy tôi, anh đập đập tay vào phần còn trống trên chiếc ghế hình con hổ màu vàng đang ngồi. Ý rằng, mời tôi cùng ngồi thưởng thức tác phẩm ấy của mình.

“Nhà báo thấy ngồi trên chiếc ghế này thế nào? Có cảm giác như vị hổ tướng xưa và có cảm nhận như gần với thiên nhiên, vạn vật không? Đây mới chỉ là Nhị Hổ trong bộ Ngũ Hổ của mình để chào mừng năm Nhâm Dần 2022”, Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.

Biết tôi ham chuyện, Tấn Phát đưa tôi vào tham quan dãy nhà ba gian bên trong. Tôi thực sự choáng ngợp khi nhìn bên trái là gian trưng bày chủ yếu các tác phẩm trâu, lợn, gà…, còn bên phải là những bức tranh sơn dầu mà Tấn Phát từng đoạt giải qua những lần tham gia triển lãm mỹ thuật.

Và tất nhiên, không gian ấy đã hút hồn tôi, ngay khi bước vào trưng bày vài trăm bức tượng sơn mài Hổ, với các dáng vẻ vô cùng phong phú được trưng bày tại đây.

Anh nói: “Tôi đã chuẩn bị chào năm mới Nhâm Dần 2022 bằng bộ sưu tập 2022 bức tượng Hổ sơn mài độc bản trên gỗ mít. Đối với tôi, đây cũng là một thử thách sáng tạo mới. Với số lượng tạo tác rất lớn, tôi quyết tâm làm xong trong dịp Tết Nguyên đán này. Hơn nữa, nó sẽ là những tác phẩm độc bản bởi không con nào giống con nào.”

Thực ra, Hổ là một đề tài vô cùng hóc búa, mọi nghệ sĩ đều khá e dè và ít dám dấn thân vào. Bản thân hình tượng hổ rất khó đi vào đời sống người Việt và cũng khó để đi vào không gian nội thất. Thêm vào đó, dù đề tài nào thì với con số hàng ngàn tác phẩm độc bản cũng là điều thử thách trí sáng tạo của bất cứ ai.

Với 2022 con Hổ, không con nào giống con nào và đều gắn với những câu chuyện riêng của loài Hổ… thì đây là bài toán không dễ giải ngay đối với họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.

Họa sĩ, Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sinh năm 1983, tại Sơn Tây. Anh từng đoạt nhiều giải thưởng như Giải Nhất cuộc thi Thiết kế Thủ công Mỹ nghệ Hà Nội 2014 và 2019; Giải cao nhất cuộc thi Thiết kế Thủ công Việt Nam 2020 với tác phẩm “Trâu hoa làng Việt”. Năm 2017, anh là một trong những nghệ nhân trẻ nhất được vinh danh tại Lễ trao danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.

Tuy nhiên, chiêm ngưỡng hơn 300 tác phẩm hổ đã hoàn thành, với nhiều dáng vẻ thì tôi tin vào khả năng chuyên môn của Nguyễn Tấn Phát. Chắc chắn, trong năm Nhâm Dần, 2022 tác phẩm để đời của anh sẽ thành hiện thực.

Nghệ nhân sơn mài bộc bạch: “Tôi sẽ biến những chú Hổ trở nên thân thuộc hơn bằng cách tạo hình để chúng khoác lên mình những cái hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu hơn chứ không nhất thiết phải hung tợn, nhe nanh, giơ vuốt... Tôi tin rằng, bộ sưu tập sẽ mang đến cho mọi người ấn tượng mới, cảm giác mới về hổ và làm cho chúng trở nên gần gũi hơn”.

Là một họa sĩ thiên về mỹ thuật ứng dụng do được đào tạo tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nên các mạch sáng tạo của anh suốt gần 20 năm đều mang tính ứng dụng rất cao. Những tạo tác hổ của anh lần này đều mang trên mình những công năng riêng.

Trên các kệ đang bày hàng trăm bức tượng Hổ, tạo tác đạt mức độ thẩm mỹ cao, tôi còn thấy các tạo tác có thể làm lọ hoa, làm hộp, khay hay thậm chí là cái bàn, cái ghế đốt trầm… Bằng cách tạo hình các tác phẩm thân thiện như vậy, qua triển lãm, trưng bày và giới thiệu trên trang mạng những bức tượng làm ra của anh được mọi người đón nhận rất nhiệt tình.

Giọng nghệ sĩ Nguyễn Tấn Phát phấn khởi hẳn lên khi nói về bộ Ngũ Hổ: “Năm nay, tôi đặc biệt tạo ra tác phẩm Ngũ Hổ với năm chiếc ghế với tạo hình là năm con hổ với năm màu sắc khác nhau, thể hiện âm dương ngũ hành với kích thước khá hoành tráng và đầy đặn.

Hai ghế hổ màu xanh và vàng tại gia. Còn chiếc màu đỏ đang được trưng bày tại Triển lãm khuyến công do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tại Hà Đông. Đây cũng là cách tôi muốn tương tác với người yêu nghệ thuật và thật may mắn nhận được những phản hồi tích cực khi bộ Ngũ Hổ chưa xong thì đã có nhà sưu tập đặt mua.

Điều đó mang đến cho tôi thêm động lực để hoàn thành những tác phẩm sau này, cũng như Dự án Hổ - Nhâm Dần 2022”.

Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (trái) trao đổi với phóng viên về nghệ thuật sơn mài truyền thống và những tạo tác mới về hổ. (Ảnh: Nguyễn Mạnh Cường)

Lan tỏa nghệ thuật trong cộng đồng

Hào hứng, phấn khởi là thế nhưng mọi chuyện, không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Giọng nghệ sĩ chợt trầm lắng khi nhắc đến thời gian đầu của đại dịch Covid-19: “Lĩnh vực nghệ thuật nói chung và thủ công mỹ nghệ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Giai đoạn đầu, bản thân tôi cũng khá lao đao để tìm cách thích nghi, duy trì và phát triển trong tình hình mới”.

Thế nhưng, “cái khó ló cái khôn”. Từ năm 2019-2020, Nguyễn Tấn Phát đã lên được ý tưởng cho Dự án 1010 bức tượng trâu sơn mài với ý nghĩ để kỷ niệm, tri ân 1010 năm Thăng Long Hà Nội và tiếp theo đó chính là Dự án 2022 tượng Hổ đang triển khai.

Nếu như trước đây, việc tiếp xúc khách hàng, người yêu nghệ thuật đến 80% là trực tiếp, còn lại là gián tiếp qua mạng thì nay ngược lại, 80% qua mạng, còn lại là trực tiếp. Mọi chuyện dường như đã đi vào quỹ đạo ổn định khi toàn xã hội đã ý thức được tinh thần “sống chung với đại dịch” và vẫn phát triển bình thường trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Bản thân Nguyễn Tấn Phát, sau bộ sưu tập sơn mài trâu rất thành công, anh được mọi người yêu quý và đón nhận hơn rất nhiều. Là họa sĩ, nghệ nhân sơn mài khảm trai, với làm bộ sưu tập 1010 con trâu độc bản, anh muốn tôn vinh nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam.

Anh bảo: “Đó là điều không hề đơn giản. Tôi vừa muốn tôn vinh sức sáng tạo của người Việt, vừa muốn thách thức bản thân. Và, thật may mắn, khi dấn thân mới thấy “phía trước là bầu trời”. Tôi đã thành công bộ sưu tập sơn mài trâu khi không chỉ 1010 con trâu độc bản của tôi được người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước sưu tầm mà tôi đã làm đến hơn 2.000 bức tượng trâu. Tôi tin tưởng, 2022 bức tượng Hổ sơn mài mà tôi đang triển khai cũng sẽ được đón nhận như vậy”.

Ở đất Sơn Tây hiện nay, có lẽ, Nguyễn Tấn Phát là một nghệ nhân khảm trai sơn mài duy nhất.

Ngoài mục đích theo đuổi đam mê với những ý tưởng phiêu bồng của mình, Nguyễn Tất Phát không quên đóng góp vào những công tác cộng đồng. Anh tích cực phối hợp với các địa phương để có những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm OCOP… hay dạy nghề để phát triển khuyến công của thị xã Sơn Tây.

Câu chuyện giữa chúng tôi cứ miên man trong buổi chiều Đông tuyệt đẹp. Chia tay người nghệ sĩ tài ba trong bóng chiều in lên cổng làng Mông Phụ - kiệt tác của người dân Bắc Bộ đổ dài như níu chân tôi. Chiếc cổng làng cổ như muốn kể mãi câu chuyện Đường Lâm, đã và đang được thế hệ trẻ tiếp tục nâng niu và giữ gìn.