📞

2022 nghĩ khác để bứt phá

Minh Anh 10:34 | 02/02/2022
Đại dịch có thể kết thúc vào năm 2022, hoặc chúng ta có thể phải chịu thêm những thất bại mới. Nhưng trong sự bất ổn mang tính toàn cầu, bất cứ ngành nào cũng có các doanh nghiệp có cách nghĩ khác và tìm ra được hướng đi mới để bứt phá.
Trong sự bất ổn mang tính toàn cầu, bất cứ ngành nào cũng có các doanh nghiệp có cách nghĩ khác và tìm ra được hướng đi mới để bứt phá. (Nguồn: FT)

Sẵn sàng quay lại quỹ đạo tăng trưởng

Sau hai năm chao đảo vì đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới được dự báo là sẵn sàng trở lại quỹ đạo tăng trưởng vào năm 2022. Các nền kinh tế lớn tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt nhờ những bước cải thiện mạnh mẽ từ quý cuối cùng của năm 2021, khi các nước chuyển sang “sống chung an toàn với Covid-19” và những nút thắt trong chuỗi cung ứng dần được tháo gỡ.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ được dự báo tăng trưởng khoảng 4%; Khu vực đồng tiền chung châu Âu là 4,2%; Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ở mức 5,2-5,4%; Các thị trường mới nổi ước tính đạt tốc độ 4,9%, chủ yếu nhờ đà tăng mạnh của các nền kinh tế châu Á (5,7%, đi đầu là Ấn Độ và Indonesia), trong khi Brazil và Nga chậm lại, lần lượt 0,5% và 2,7%. Kinh tế Việt Nam cũng được nhận định sẽ phục hồi tốt hơn, với con số 5,5% (theo Ngân hàng Thế giới).

Tuy nhiên, nỗi lo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cùng sức ép lạm phát vẫn là những nguy cơ có thể làm chậm lại quá trình tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có thể đạt 4,9%; Oxford Economics dự báo mức tăng 4,5%; trong khi ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan dự báo, “năm 2022 sẽ là năm toàn cầu phục hồi hoàn toàn, mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra”.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục chi phối

Dịch bệnh Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron vẫn là yếu tố chính tiềm ẩn những nguy cơ trì hoãn sự phục hồi và thời điểm kinh tế thế giới trở lại mức bình thường như trước đại dịch.

Đà lây lan nhanh của biến thể Omicron buộc các chính phủ phải liên tục thay đổi chính sách phòng dịch trong khi tâm lý lo sợ cản trở người dân tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và giảm chi tiêu. Những yếu tố này cũng sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế, khôi phục thương mại và hệ thống chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Trong kịch bản xấu nhất mà Oxford Economics dự báo, Omicron là biến thể hết sức nguy hiểm, có thể khiến nhiều khu vực trên thế giới tái phong tỏa, khi đó tăng trưởng của toàn thế giới có thể giảm tới 2,2 điểm % so với kịch bản khả quan, xuống còn 2,3% trong năm 2022.

Trong khi đó, nhiều yếu tố đẩy lạm phát tăng cao tiếp tục là nỗi lo của kinh tế thế giới trong năm tới. Với những diễn biến giá cả trong năm 2021, các nhà kinh tế không còn cho rằng đây là hiện tượng nhất thời.

Những kịch bản về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn và rõ ràng do bị đại dịch Covid-19 chi phối. Thế giới đến giờ vẫn chưa biết hết về biến thể Omicron để có thể dự báo được hướng tác động của biến thể này đến triển vọng kinh tế toàn cầu, cũng không thể loại trừ một số rủi ro tiềm ẩn sẽ trở thành yếu tố cản trở đà phục hồi kinh tế.

Mặc dù vậy, những chuyển đổi rõ rệt trong các xu hướng kinh tế vĩ mô chủ chốt báo hiệu năm 2022 sẽ là một giai đoạn phục hồi mới của kinh tế toàn cầu.

Lợi thế đặc biệt của ngành dược

Năm 2022 sẽ là một “mắt xích” quan trọng trong hành trình thử nghiệm mới với bốn chữ cái được yêu thích trong ngành dược phẩm là mRNA (viết tắt của axit ribonucleic thông tin).

Vaccine Covid-19 là bước đi tiên phong vững chắc của mRNA - một công nghệ y học có khả năng thích ứng nhanh có thể nhanh chóng tạo ra các loại vaccine hiệu quả cao.

Năm nay, thế giới sẽ được chứng kiến hàng loạt sản phẩm khác ngoài Covid-19 của mRNA, vì Moderna, Pfizer, BioNTech và Sanofi đều đã lên kế hoạch công bố dữ liệu thử nghiệm trong dự án vaccine phòng bệnh cúm.

Tuy nhiên, lợi nhuận thu được có thể rất lớn nhưng khả năng xảy ra các vụ kiện về sở hữu trí tuệ được dự báo cũng không nhỏ. Dù Moderna hiện đã tạm dừng tranh chấp với Viện Y tế Quốc gia Mỹ về đơn xin cấp bằng sáng chế - nhưng đó có thể chỉ là trận chiến đầu tiên xem ai may mắn sở hữu chiếc chìa khóa vàng có thể mở những cánh cửa bí ẩn của ngành dược phẩm trong tương lai.

Bùng nổ du lịch và hàng không

Cả ngành du lịch và hàng không trên toàn cầu đã rơi vào trạng thái “ngủ Đông” quá lâu, đã đến lúc phải thức dậy.

Nhiều hãng hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ, đã giữ giá vé thấp nhất có thể để kích cầu trong suốt thời kỳ đại dịch. Nhưng dịch bệnh rồi cũng qua đi, khi mọi người có thể được đi lại bình thường, các vị giám đốc điều hành sẽ sớm tìm mọi cách “sửa chữa” các bảng cân đối kế toán vốn bị xáo trộn bấy lâu.

Nhu cầu đi lại bằng máy bay ở châu Âu được dự kiến sẽ vượt quá công suất vào mùa Hè này, dẫn đến những dự báo về giá vé đắt hơn đáng kể. Chi phí hàng không cũng tăng mạnh do giá dầu và phí sân bay cao hơn. Do đó, chi phí đi lại dù muốn hay không vẫn cứ tăng lên.

Tuy nhiên, có một rắc rối đối với ngành hàng không khi họ đang cố gắng đi trước các quy định về phát thải carbon với một loạt lời hứa đầy tham vọng về môi trường, bao gồm cam kết không phát thải carbon ròng trong toàn ngành đến năm 2050, tại Hội nghị COP26 ở Glasgow. Năm 2022 sẽ là năm để ngành đặt ra các bước cụ thể với các chính sách ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, đó sẽ là những mục tiêu thực sự khó khăn.

Giá năng lượng và bài toán tăng trưởng xanh

Tiêu điểm trong thị trường năng lượng thế giới năm 2021 là sự phục hồi nhu cầu về dầu, khí đốt tự nhiên và điện từ mức thấp trước đó trong suốt giai đoạn đại dịch. Năm 2022, thế giới sẽ chứng kiến liệu nguồn cung có thể theo kịp với nhu cầu đang tăng cao hiện nay hay không, hay giá năng lượng “mình một đường” chinh phục các đỉnh cao mới.

Tuy nhiên, bất chấp việc tiêu thụ dầu đang tăng vọt, các nhà sản xuất vẫn miễn cưỡng với việc đầu tư sản xuất mới. Thậm chí viễn cảnh các nhà đầu tư rút vốn khỏi các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể dẫn đến cung giảm mạnh hơn cầu, gây thiếu cung thường xuyên, từ đó đẩy giá dầu tăng cao và biến động thất thường.

Các chính phủ và khu vực tư nhân phải chịu áp lực rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến trình cắt giảm khí carbon. (Nguồn: AFP)

Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ quyết định có cung cấp cho châu Âu đủ khí đốt tự nhiên để ngăn chặn tình trạng khủng hoảng ngày càng sâu sắc tại khu vực này hay không. Các chính phủ và khu vực tư nhân còn phải chịu áp lực rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến trình cắt giảm khí carbon, để đáp ứng những cam kết tại COP26 về giảm phát thải khí nhà kính và xanh hóa nền kinh tế.

Tuy nhiên, nghịch lý là khi các chính phủ từ Washington đến Bắc Kinh lo lắng về các nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch và chi phí của chúng, thì sự tập trung vào các nỗ lực chuyển đổi năng lượng và khử carbon có thể sẽ suy yếu.

Sự khởi đầu Web3 và nền tài chính mở

Web3 là giai đoạn phát triển mới nhất của Internet. Hiểu một cách đơn giản, đây là giai đoạn mà dữ liệu trên Internet sẽ được phi tập trung hóa, không chịu ảnh hưởng bởi những người quản trị, các công ty công nghệ khổng lồ, mà do chính người dùng tự kiểm soát.

Nếu Web1 dùng để chỉ thời đại “web tĩnh”, nơi người dùng chỉ có thể tiếp nhận thông tin một chiều từ nhà cung cấp. Web2 là giai đoạn người dùng có thể tương tác hay tự xây dựng nội dung, như tham gia các mạng xã hội, viết blog... nhưng dữ liệu vẫn được kiểm soát bởi những người đứng sau.

Web3 được thúc đẩy bởi những công nghệ mới như AI, blockchain, NFT sẽ đưa quyền kiểm soát toàn bộ vào tay người sử dụng, bao gồm cả những thay đổi khiến cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn.

Việc phát triển các ứng dụng cho Web3 sẽ thu hút sự quan tâm lớn của giới công nghệ trong năm 2022.

Trong khi đó, DeFi sẽ tận dụng sức mạnh của blockchain là phi tập trung và minh bạch để tạo nên một nền tài chính mở, mà trong đó mọi người đều có thể truy cập và sử dụng nó ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào mà không chịu sự chi phối bởi cá nhân, tổ chức tập trung quyền lực nào.

DeFi đã chứng kiến sự đổi mới nhanh chóng vào năm 2021 và thế giới có thể sẽ thấy bước phát triển tiếp theo vào năm 2022.