Đây là tập hợp ca khúc tri ân, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các thương binh, liệt sĩ, các bà mẹ anh hùng, các gia đình có công với cách mạng đã góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh, bảo vệ, giải phóng Tổ quốc.
Tuyển tập Đồng đội ơi gồm 227 ca khúc viết về thương binh, liệt sĩ. (Nguồn: VOV) |
Tên ca khúc Đồng đội ơi nằm trong số những ca khúc được lựa chọn lần này được lấy làm tên chung của tuyển tập.
Để cuốn sách ra đời, Ban biên tập đã đi sưu tầm, tuyển chọn những ca khúc viết về thương binh liệt sĩ đã được sử dụng hơn 70 năm qua. Đặc biệt là những bài ca đi cùng năm tháng, những bài ca không thể nào quên. Trong đó, có những ca khúc đã nằm lòng trong trái tim hàng triệu độc giả như Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến, Vết chân tròn trên cát của nhạc sĩ Trần Tiến, Biết ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Huyền thoại mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn....
Tuyển tập cũng lựa chọn những ca khúc chưa được sử dụng, những ca khúc mới sáng tác nhưng có giá trị nghệ thuật cao.
Với số lượng 227 ca khúc, tuyển tập Đồng đội ơi đã khắc họa sâu sắc và sống động hình tượng một dân tộc quật cường, trải qua biết bao hi sinh, mất mát, đau thương, đã làm nên chiến thắng huy hoàng trong lịch sử dân tộc và giữ nước vĩ đại.
Với tư cách là người chỉ đạo nội dung cuốn sách, ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Những ca khúc viết về thương binh, liệt sĩ không chỉ dừng lại ở sự mô tả những mất mát đau thương mà còn toát lên một hào khí: “Tất cả để chiến thắng”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Tuyển tập gây xúc động bởi đó là những ca khúc viết về các anh hùng trẻ tuổi như Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Kim Đồng, …
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội cho hay, Đồng đội ơi là khúc tráng ca xúc động, thiêng liêng đầy chất trữ tình, thấm đẫm tình người, lưu lại một giá trị nghệ thuật, một dấu ấn lịch sử không bao giờ phai trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
“70 năm trôi qua, hiện thực về hai cuộc kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được phản ánh hết sức sinh động, chân thực trong các ca khúc viết về thương binh liệt sĩ. Âm nhạc truyền thống cách mạng là niềm tự hào, vĩ đại nhất của nền âm nhạc Việt Nam, trong đó những tác phẩm viết về thương binh liệt sĩ đã đóng góp một phần to lớn”, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội chia sẻ.