📞

3 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy hy sinh: Tên các anh khắc trong lòng người…

Lưu Đình Long 08:30 | 03/08/2022
Đám cháy tại quán karaoke trên đường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chiều 1/8 được dập tắt, 8 người đã được cứu nhưng 3 chiến sĩ lực lượng phòng cháy chữa cháy tham gia cứu hỏa đã hy sinh.
Đức Việt - một trong 3 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Thông tin này được đăng tải trên các kênh báo chí và mạng xã hội khiến cộng đồng xót thương và dành những tình cảm đặc biệt cho các chiến sĩ. Họ trở thành anh hùng trong lòng người dân.

Thực sự, công việc của một chiến sĩ cứu hỏa rất áp lực, nhất là khi trực tiếp tham gia việc dập tắt một đám cháy ở những nơi khó, tầng cao, hẻm nhỏ… Áp lực bởi sự nặng nhọc của việc đưa nước, vòi xịt và trực tiếp “tấn công” vào hiện trường vụ cháy để dập lửa cũng như cứu người càng sớm càng tốt.

Ai cũng hiểu, cứu hỏa cần thời gian cấp tốc, được tính từng giây từng phút vì nạn nhân (nếu có) trong vụ cháy cần được giải cứu khỏi hiện trường một cách nhanh nhất có thể để bảo toàn mạng sống trước sức nóng của lửa và khí độc.

Có thể nói, công việc cứu hỏa là một thiện nghiệp mà người theo đuổi ngành này phải thực sự yêu thích, chịu khó, dũng cảm… bởi độ khó và nguy hiểm của nó.

Có xem những đoạn video chữa cháy, hình ảnh hiện trường của các chiến sĩ lực lượng phòng cháy chữa cháy mới thấy nể phục họ, những con người đã không chọn việc nhẹ nhàng như lời bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.

Vài ngày qua, tình cảm của cộng đồng dành cho Thượng tá Đặng Anh Quân (đội trưởng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy) cùng Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc - những người đã hy sinh khi đã kịp hướng dẫn và đưa 8 người ra ngoài an toàn được lan tỏa mạnh mẽ.

Những người thân của 3 chiến sĩ dành nhiều hoài niệm về tính cách tốt đẹp mà các anh có trong đời sống thường nhật.

Ảnh chụp trang Facebook của Thượng úy Đức Việt trở thành hình ảnh lay động bao trái tim vì những dòng viết kèm bức ảnh anh ngồi bên chú chó: “Vụ cháy cuối cùng trước khi lên núi đi tu. Chào cậu, nhân vật được tớ đưa ra khỏi vụ cháy hôm nay. Cậu đang mang bầu phải không? Chúc cậu hạ sinh được những chú cún thật đáng yêu, khỏe mạnh và cũng dũng cảm như cậu ngày hôm nay nhé”.

Thật dễ thương. Người ta sẽ không hình dung nổi, một thượng úy cảnh sát phòng cháy chữa cháy mà lại có những dòng “tâm sự” với “người bạn” là chú chó mới quen một cách tình cảm như vậy. Hẳn, anh là một người yêu mến động vật và đầy từ tâm mới có thể diễn bày một cách thân thiết như thế với “người bạn” vừa được cứu.

Trở lại với những cảm xúc tốt đẹp dành cho ba chiến sĩ, cộng đồng mạng, đã bằng nhiều cách, hướng về các anh với sự khâm phục.

Có người viết những lời cảm ơn vì họ đã hy sinh để cứu người, sự ra đi của các anh mang lại sự sống cho người khác và mang lại niềm tự hào cho người thân, đồng nghiệp.

“Mong gia đình và đơn vị nén nỗi đau vì các anh ra đi trong tư thế của những anh hùng” là gửi gắm của nhiều người trước hương linh người nằm xuống trong đám cháy.

Có những cái chết đầy bi thương nhưng cũng có những hy sinh là bi hùng. Ở đó, người mất để lại nhiều tình cảm cũng như bài học về sự dâng hiến trọn vẹn cho công việc cùng những giá trị lớn lao từ công việc tốt đẹp mà họ đảm đương.

Tất nhiên, ngoài niềm thương, sự hy sinh của những chiến sĩ trong vụ cháy cũng một lần nữa nhắc nhở tất cả mọi người luôn cẩn trọng với “bà hỏa”. Bất kỳ sự vô ý nào với các nguyên nhân gây cháy nổ đều có thể mang đến hậu quả khôn lường cho bản thân và người khác, trong đó có lực lượng làm công tác phòng cháy chữa cháy.

Những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mật độ dân cư đông, nhà cửa dày đặc và hẻm nhỏ hẻm to chằng chịt.

Có nhiều ngôi nhà ở trong hẻm quá nhỏ, xe cứu hỏa không thể vào được, việc phòng cháy phải được nêu cao hơn. Đừng chủ quan để rồi chính mình tạo ra những đám cháy và hậu quả có khi chính mình phải đổi bằng mạng sống hoặc mạng sống của những người lính cứu hỏa.

Có người đặt câu hỏi: “Phải làm sao để bớt đi những hy sinh giữa thời bình?”. Một phút vượt đèn đỏ cũng rất có thể gây ra tai nạn không mong muốn; chỉ một đốm lửa nhỏ cũng có thể đốt cháy cả cánh rừng.

Chỉ một sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm của một ai đó cũng có thể gây hậu quả nặng nề. Mong sự thức tỉnh và lan tỏa trách nhiệm xã hội của mỗi người từ sự đánh đổi, hy sinh của 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy anh dũng...

Sự ra đi nào cũng là nỗi đau, mất mát, trước tiên cho gia đình người nằm xuống. Nghĩ về điều này để phòng cháy thật kỹ, đừng để những tiếng còi của xe chữa cháy phải vang lên. Thực sự, không ai muốn mình trở thành anh hùng trong tình huống như vậy cả.