ThS. Đinh Văn Mãi cho rằng, nhà giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là hình mẫu đạo đức trong thời đại số. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của ThS. Đinh Văn Mãi, Giảng viên kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên, Trường Đại học Văn Lang trong cuộc trao đổi vưới Báo Thế giới và Việt Nam nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay.
Người thầy trong kỷ nguyên vươn mình
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng, vai trò của người thầy có những thay đổi như thế nào so với trước đây? Tại sao vai trò đó lại càng trở nên quan trọng hơn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
Hướng tới kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, giáo dục là “chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa phát triển và hội nhập toàn cầu. Vai trò của thầy cô giáo không chỉ giới hạn trong việc truyền đạt tri thức mà còn thích ứng với sự phát triển của xã hội và nền giáo dục hiện đại để tạo ra những sản phẩm tử tế, có chất lượng.
Giáo viên là người định hướng để giúp học sinh biết chọn lọc thông tin đúng đắn trên internet, phát triển tư duy phản biện và sáng tạo; đồng hành và tư vấn để học sinh khám phá năng lực bản thân, rèn luyện các giá trị sống phù hợp trong một thế giới nhiều biến động.
Hơn nữa, giáo viên còn là hình mẫu đạo đức trong thời đại số thông qua việc ứng xử lịch sự trên môi trường mạng, tích cực ứng dụng công nghệ vào đổi mới giảng dạy, trợ giúp cho học sinh trở thành phiên bản công dân toàn cầu. Đặc biệt, người thầy chính là tấm gương tự học suốt đời để bắt kịp thời đại và truyền cảm hứng về sự nỗ lực cho học sinh.
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Từ tấm gương của cha, tôi luôn phấn đấu trở thành một nhà giáo giỏi chuyên môn, gương mẫu trong đời sống |
Tin liên quan |
Với vai trò quan trọng và đầy trách nhiệm, giáo viên là nhân tố cốt lõi giúp đất nước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nên một thế hệ người Việt Nam bản lĩnh, dám đối mặt với thách thức và sáng tạo, dẫn đầu trong lĩnh vực đang theo đuổi.
Mặt khác, trước sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, các xu hướng tiêu cực có thể ảnh hưởng đến giá trị của thế hệ trẻ. Vì vậy, người thầy cần giúp học sinh giữ vững giá trị cốt lõi của dân tộc, nêu cao lối sống tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng, góp sức xây dựng và bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Để đáp ứng yêu cầu của thời đại, từ kinh nghiệm của bản thân, theo ông, người thầy hiện đại cần trang bị những kỹ năng gì? Và làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng được những yêu cầu đó?
Người thầy hiện đại cần nắm vững các kiến thức chuyên môn và thường xuyên rèn luyện kỹ năng mềm cũng như ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Người thầy cần phát triển các phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, đồng thời sử dụng đa dạng các hình thức đánh giá khác nhau để người học được phát triển tư duy, gia tăng tính trải nghiệm và sáng tạo sản phẩm.
"Hướng tới kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, giáo dục là 'chìa khóa vàng' mở ra cách cửa phát triển và hội nhập toàn cầu. Vai trò của thầy cô giáo không chỉ giới hạn trong việc truyền đạt tri thức màn còn mở ra ở nhiều khía cạnh khác nhau để thích ứng với sự phát triển của xã hội và nền giáo dục hiện đại". |
Người thầy biết cách trao đổi và lắng nghe, chia sẻ với học sinh, là người truyền cảm hứng để người học chủ động, tự tin. Đồng thời, cần thường xuyên trau dồi kỹ năng quản lý, tổ chức lớp học, xử lý các tình huống sư phạm xảy ra khi giảng dạy, xây dựng môi trường học tập tích cực, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau.
Họ cũng là người tiên phong chuyển đổi số mạnh mẽ trong giảng dạy, nắm vững các các công cụ như Google Classroom, Zoom, Canva, hoặc các phần mềm hỗ trợ giảng dạy khác, biết cách các bài giảng trực tuyến, video, bài tập tương tác để người học dễ tiếp cận và hứng thú hơn. Mỗi thầy cô cần tích cực tìm hiểu cách bảo mật thông tin, phòng tránh lừa đảo nhằm hướng dẫn người học sử dụng internet an toàn, thông minh.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cần đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với thời đại số. Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về kỹ năng số vào giảng dạy và ứng dụng công nghệ trong dạy học. Cung cấp những nguồn học liệu trực tuyến để giáo viên tham khảo. Đồng thời, xây dựng đội ngũ giáo viên trong những lĩnh vực mới như STEAM, hướng nghiệp, giáo dục toàn diện. Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật, trao đổi chuyên môn trong và ngoài nước để cập nhật kiến thức mới, đề xuất các hình thức đánh giá học sinh phù hợp năng lực.
Đặc biệt, nâng cao điều kiện làm việc, cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ để giáo viên yên tâm công tác. Việc đầu tư đúng đắn đối với giáo viên sẽ đảm bảo nền tảng vững chắc nhằm xây dựng thế hệ tương lai, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Phương pháp giáo dục cũng cần thay đổi để phù hợp với sự phát triển của công nghệ. (Ảnh: NVCC) |
Là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, ông có thể chia sẻ những phương pháp giảng dạy đổi mới, hiệu quả để kích thích sự sáng tạo và tư duy của học sinh?
Đúng vậy, phương pháp giảng dạy truyền thống cần thay đổi để phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và nhu cầu học tập của thế kệ trẻ trong kỷ nguyên số. Xã hội hiện đại đòi hỏi người học không chỉ có năng lực về kiến thức mà cần thực hành phát triển của kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn. Phương pháp giảng dạy truyền thống khó đáp ứng được yêu cầu, nhiều khi tạo nên sự nhàm chán trong cách tiếp cận kiến thức của người học.
Với định hướng lấy người học làm trung tâm cũng như ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, thầy cô khuyến khích học sinh khám phá tri thức qua đa dạng các phương pháp như thảo luận nhóm, thuyết trình, học tập thông qua dự án. Đồng thời, tích hợp công nghệ vào giảng dạy với các ứng dụng phổ biến như quizizz, kahoot, padlet, mentimeter để tăng cường hiệu quả học tập.
Ngoài ra, thầy cô tận dụng video, hình ảnh, tài liệu trực tuyến, các ứng dụng mô phỏng để minh họa bài giảng trở nên sinh động hơn.
Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, người thầy còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho học sinh. Theo ông, làm thế nào để giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả cho học sinh trong một xã hội đầy biến động như hiện nay?
Giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả cho học sinh trong một xã hội đầy biến động như hiện nay là điều rất cần thiết và nên thực hiện thường xuyên với đa dạng các phương pháp. Trước hết, người thầy phải làm tấm gương sáng về đạo đức, lối sống để học sinh noi theo.
Thứ nhất, thông qua ứng xử thường ngày, thầy cô phát huy tính trung thực, nói đi đôi với hành động, công bằng và trách nhiệm với công việc, xây dựng mối quan hệ thân thiện với học sinh.
Thứ hai, lồng ghép các bài học đạo đức vào từng môn học như tính trung thực trong Toán học, khơi gợi lòng yêu nước trong môn Lịch sử, phát triển ý thức bảo vệ môi trường qua các môn khoa học.
Thứ ba, tuyên dương kịp thời các gương sáng học sinh, tập thể học sinh thực hiện hành động tốt, ý nghĩa hướng tới cộng đồng. Phát triển các hoạt động tình nguyện, CLB vì cộng đồng hay sống xanh để tạo ra môi trường thuận lợi giúp học sinh tham gia chia sẻ và sống có trách nhiệm.
Thứ tư, xây dựng nhóm học sinh nòng cốt để triển khai những diễn đàn giao lưu học thuật, xây dựng văn hóa lành mạnh trong học đường, nói không với vấn đề bạo lực. Phát động các cuộc thi hùng biện, kể chuyện, hội diễn văn nghệ, cuộc thi vẽ tranh hay sáng tác thơ, truyện ngắn, truyện tranh về chủ đề đạo đức, lối sống để học sinh tham gia.
Cuối cùng, xây dựng bộ quy tắc ứng xử rõ ràng về hành vi đạo đức - lối sống để học sinh thực hiện và tự giám sát, nhắc nhở nhau cùng hành động; phối hợp với gia đình để nhất quán phương pháp giáo dục đạo đức nhằm tạo nên sự đồng bộ giữa gia đình và nhà trường.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, sự hợp tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội là vô cùng quan trọng. Ông có những gợi ý gì để tăng cường sự phối hợp này?
Sự hợp tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Sự hợp tác này không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện mà còn tạo ra một môi trường giáo dục bền vững.
Để làm được điều đó, rất cần sự thấu hiểu và sẵn lòng chia sẻ trách nhiệm giữa các bên liên quan. Trong đó, nhà trường cần phát triển các kênh liên lạc chính thống để trao đổi thông tin với phụ huynh một cách thường xuyên qua sổ liên lạc điện tử, ứng dụng giáo dục, các buổi họp phụ huynh định kỳ, các ứng dụng chat, mạng xã hội.
Nhà trường có chính sách khuyến khích phụ huynh tham gia các hoạt động trong trường cùng học sinh như những hội thảo chuyên đề, ngày hội đọc sách, sự kiện thể dục thể thao, ngày hội truyền thống nhằm tăng tính gắn kết.
Đồng thời, khảo sát định kỳ với phụ huynh, học sinh để cải thiện chất lượng phối hợp. Phụ huynh nên chủ động cập nhật tình hình học tập, hành vi của học sinh để giáo viên nắm bắt thông tin kịp thời; tham gia tích cực các hoạt động với nhà trường, đóng góp các sáng kiến để tăng cường sự hợp tác...
Thời đại 4.0, mở ra nhiều cơ hội cho nhà giáo. (Ảnh: NVCC) |
Mở ra nhiều cơ hội cho người thầy
Trong quá trình thực hiện sứ mệnh của mình, người thầy đang đối mặt với những thách thức gì và cơ hội nào đang mở ra?
Trong thời đại 4.0, người thầy phải đối mặt với không ít khó khăn và thử thách nhưng đó cũng chính là động lực để mỗi nhà giáo ý thức nỗ lực học tập, rèn luyện và phát triển bản thân từng ngày vì sự nghiệp “trồng người”.
Những thách thức mà giáo viên đối diện không chỉ xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp mà còn từ những biến động không ngừng của xã hội. Những khó khăn có thể kể đến như khối lượng công việc nhiều khi không chỉ tập trung giảng dạy mà còn thực hiện nhiều thủ tục hành chính. Sự kỳ vọng cao từ phụ huynh tạo thêm áp lực cho giáo viên.
Ngoài ra, sự phát triển không đồng đều về nhận thức, hành vi của học sinh dẫn đến công tác quản lý lớp trở nên vất vả hơn, phương pháp giảng dạy đòi hỏi đổi mới và linh hoạt. Những áp lực này khiến giáo viên dễ rơi vào căng thẳng, kiệt sức, khó lòng tạo sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống đời thường.
Mặt khác, chế độ phúc lợi, thu nhập chưa tương xứng với những nỗ lực cống hiến miệt mài của giáo viên. Cơ sở vật chất chưa đồng bộ, còn thiếu thốn ở một số nơi, hay thiếu nguồn nhân sự trong giáo dục và một bộ phận xã hội chưa nhìn nhận đúng mức giá trị của nghề giáo… Nhưng thật sự đáng quý và rất trân trọng khi vượt quá tất cả khó khăn ấy, nhiều giáo viên dành cả tuổi thanh xuân gắn bó với nghề giáo.
Đứng trước kỷ nguyên số, người thầy có thêm nhiều cơ hội được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy và nâng cao trình độ. Các diễn đàn học thuật, nghiên cứu khoa học được tổ chức đa dạng hình thức để nhà giáo tiếp cận xu hướng giảng dạy hiện đại, đóng góp tiếng nói cho sự phát triển của giáo dục.
Cơ sở vật chất được đầu tư hơn để phù hợp với điều kiện giáo dục đổi mới. Nhiều đơn vị trường học tích cực ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, tổ chức các khóa bối dưỡng nâng cao năng lực số cho giáo viên. Nhiều thầy cô mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau tạo nên kho học liệu trực tuyến quý báu.
Những mô hình, sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng vào thực tiễn tạo nên giá trị thiết thực; hay các hoạt động tài trợ cho những nghiên cứu khoa học. Giáo viên cũng được tham gia nhiều hoạt động tập huấn nâng cao hiểu biết, tiếp cận với công nghệ.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ cho thầy cô trong thời gian qua được Chính phủ, các ban ngành quan tâm, định hướng cải tiến. Các giải thưởng, vinh danh giáo viên tiêu biểu, xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phụng sự cộng đồng được Nhà nước thường xuyên tổ chức nhằm động viên kịp thời cho những hy sinh âm thầm của thầy cô.
Ngành Giáo dục và nhà giáo đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để đổi mới và phát triển. Với tinh thần học hỏi, sáng tạo và trách nhiệm, giáo viên không chỉ thích ứng với thời đại mà cần trở thành người tiên phong, dẫn dắt cho sự phát triển của học sinh.
Xin cảm ơn ông!
| 'Phải lấy đức làm gốc trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông hiện nay' Giải pháp gốc để ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức trong học sinh là phải quán triệt triết lý giáo dục “Tiên học ... |
| PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ... |
| Giáo dục Hà Nội không ngừng bứt phá, vươn tầm trong công cuộc đổi mới Với sự phát triển không ngừng, giáo dục Hà Nội đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước, trở thành một ... |
| Mở lối xây nhân cách cho học sinh Giáo dục nhà trường là sự tiếp nối chứ không thể thay thế giáo dục gia đình trong việc xây dựng nhân cách, đạo đức ... |
| Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển, vượt qua thách thức mới, sứ mệnh mới Những thành quả đạt được trong 70 năm qua là tiền đề quan trọng, tạo đà để giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển, ... |
| Trong thời đại ngày nay, đạo đức nhà giáo càng trở nên cần thiết và phải được cập nhật, hoàn thiện để đáp ứng yêu ... |