Theo ước tính, GDP thực của ASEAN sẽ chỉ phục hồi được đến mức trước đại dịch sớm nhất vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. (Nguồn: eetasia.com) |
Việc hợp tác với nhau để thiết lập được cơ sở hạ tầng y tế hiện đại hơn, đặc biệt đối với các nước kém phát triển hơn trong khu vực, là một sự đầu tư đem lại lợi ích to lớn trong dài hạn. Trong khi đó, hoạt động đi lại trong khu vực khó có thể được nối lại nếu sự bùng phát đại dịch không được khống chế thành công trong phạm vi các nước ASEAN.
Phối hợp
Việc các nước phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng khu vực là một vấn đề mà ở đó sự hợp tác chứ không phải cạnh tranh sẽ đem lại các kết quả tổng thể tốt đẹp hơn. Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về thương mại và phát triển dự báo các luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu (FDI) sẽ giảm mạnh tới mức 40% trong năm 2020 và 10% trong năm 2021.
Thông thường, mỗi nước sẽ tự thấy cần phải nỗ lực để thu hút càng nhiều FDI càng tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh khả năng phục hồi nhanh chóng của chuỗi cung ứng và an ninh nguồn cung đang là vấn đề quan trọng hơn cả hiệu suất thì ASEAN cần phối hợp với nhau để biến khu vực của mình thành một điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư.
Việc hài hòa các tiêu chuẩn và quy định, chứ không phải việc cho phép các công ty đa quốc gia hưởng lợi từ các giao dịch trên thị trường chứng khoán có quy định và tìm kiếm các khoản chuyển nhượng có lợi, sẽ đem lại sự phân bổ tốt hơn về vốn đầu tư.
Nới lỏng định lượng
Việc giới hoạch định chính sách hành động kịp thời để cung cấp hỗ trợ về chính sách tài khóa và tiền tệ cho các nền kinh tế của mình đã giúp giảm nhẹ những cú sốc thậm chí to lớn hơn mà đại dịch gây ra đối với nền kinh tế ASEAN. Ngoài ra, chính sách kích thích kinh tế quy mô lớn mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra đã đóng vai trò to lớn trong việc bình ổn các thị trường tài chính trong khu vực.
Sự cam kết nới lỏng định lượng không giới hạn và thiết lập một phương tiện mới để các thị trường đang nổi tiếp cận được đồng USD đã giúp đảm bảo tính thanh khoản hiệu quả của đồng bạc xanh đối với các thị trường. Đó là lý do vì sao cuộc khủng hoảng tài chính không xảy ra ở thời điểm này.
Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng về khả năng thanh toán vẫn hiện hữu. Nếu hoạt động kinh tế không phục hồi đủ mạnh trước khi các biện pháp hỗ trợ của chính phủ hết hạn thì điều này sẽ dẫn đến sự đổ vỡ hoạt động kinh doanh ở mức độ đỉnh điểm và kéo theo đó là tình trạng thất nghiệp trầm trọng hơn.
Có những dấu hiệu cho thấy tình trạng tồi tệ nhất của sự suy giảm kinh tế đang ở ngay sau lưng chúng ta. Những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã được nới lỏng, cho phép doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất của khu vực, một chỉ số tốt để đo lường tốc độ tăng trưởng, đang dịch chuyển đến điểm phục hồi trở lại. Ở bên ngoài khu vực, thương mại toàn cầu đang bắt đầu cải thiện, sau khi sụt giảm mạnh trong quý đầu năm 2020. Điều này sẽ bắt đầu được phản ánh trong dữ liệu xuất khẩu của ASEAN trong những tháng tới đây.
Mặc dù vậy, sự phục hồi kinh tế vẫn sẽ là quá trình kéo dài và đầy khó khăn do một số nước vẫn đang hứng chịu làn sóng thứ hai và thứ ba của sự bùng phát dịch bệnh. Ví dụ, tại Philippines và Indonesia, tình hình dịch bệnh vẫn chưa thể được kiểm soát trong “một sớm một chiều”.
Theo ước tính, GDP thực của ASEAN sẽ chỉ phục hồi được đến mức trước đại dịch sớm nhất vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Cho đến thời điểm này, hầu hết các nước khu vực đã thực hiện chính sách đơn phương để đối phó với đại dịch do thiếu sự lãnh đạo toàn cầu trong số các nền kinh tế phát triển chủ chốt.
Hội nhập
Đại dịch đã khiến chính phủ các nước trên thế giới lâm vào tình trạng vay nợ công chưa từng có tiền lệ do họ phải đối phó với cuộc khủng hoảng y tế và những tác động đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, các chính phủ cần đặt ra một kế hoạch trung hạn đáng tin cậy để cải thiện vị thế tài khóa của mình trong tương lai, nếu không, chính phủ các nước có nguy cơ bị các cơ quan đánh giá tín nhiệm đánh tụt hạng và “mất điểm” trong giới đầu tư. Thực ra, việc Fed cam kết giữ tỷ lệ lãi suất ở mức thấp trong một thời gian dài đã tạo ra “dư địa” rất cần thiết đối với ASEAN.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay làm gia tăng nỗi lo sợ rằng thời đại toàn cầu hóa đã đi đến hồi kết. Chủ nghĩa dân tộc gia tăng là điều dễ hiểu, song việc đơn phương hành động theo chiều hướng này lại là việc làm “gậy ông đập lưng ông”.
Một quốc gia không thể phát triển nếu quốc gia đó thành công trong công tác kiểm soát dịch bệnh nhưng nước láng giềng lại chưa thể kiểm soát được. Vì vậy, việc đảm bảo đại dịch được kiểm soát ở mọi quốc gia là lợi ích đáng quan tâm.
Covid-19 đã gây ra những dịch chuyển cấu trúc to lớn. ASEAN chủ yếu áp dụng các biện pháp đơn phương để kiểm soát dịch bệnh và tác động kinh tế, song việc phối hợp tốt hơn và hội nhập chặt chẽ hơn đóng vai trò thiết yếu để khu vực không chỉ phục hồi sau đại dịch mà còn phát triển hơn nữa.
Do dó, việc hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trước cuối năm nay sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy ASEAN vẫn cam kết với chủ nghĩa đa phương, và việc hoàn thiện hiệp định này cũng góp phần hỗ trợ những triển vọng phục hồi kinh tế trong khu vực. Sức mạnh tổng hợp của ASEAN phụ thuộc vào việc khắc phục được mối liên kết yếu nhất của khối này.