Tám tháng trước, Getty Images đã cử nhiếp ảnh Sean Gallup, thường trú ở Berlin, tới Chernobyl và các làng xung quanh để ghi lại cuộc sống ở đây 30 năm sau khi sự cố nhà máy điện hạt nhân xảy ra. Những hình ảnh của Gallup cho thấy Chernobyl chưa hề yên tĩnh sau ba thập kỷ.
Một bản hiệu cảnh báo bức xạ gần làng Kopachi. Kopachi có dân số 1.114 người trước khi vụ tai nạn xảy ra. Do lượng bụi phóng xạ rất lớn nên chính quyền đã san phẳng và vùi lấp các cơ sở hạ tầng khác trừ các trường mẫu giáo. Đến nay, địa điểm này vẫn còn bị nhiễm plutonium, cesium-137 và strontium-90.
Một cuốn sách giáo khoa nằm yên tĩnh bên cạnh một mặt nạ khí thời Chiến tranh Lạnh trong một phòng học bị bỏ hoang tại Trường số 3 ở Pripyat, Ukraine.
Bà Yelyena Muzichenka, 86 tuổi, đi ngang qua ngôi nhà của bà ở Bartolomeyevka, Belarus, khoảng 170km về phía Nam nhà máy điện hạt nhân. Muzichenka là một trong bốn người dân vẫn còn sống ở đó. Ban đầu, các nhà chức trách tập trung nỗ lực di tản các cư dân gần khu vực Chernobyl. Tuy nhiên, đến đầu thập niên 1990, Bartolomeyevka và các làng lân cận được xác định là không an toàn nên phải sơ tán người dân, san bằng các đống đổ nát và các cơ sở hạ tầng khác. Đến nay, một số cư dân vẫn được phép ở lại nhưng vẫn còn nhiều địa điểm mà người dân không được tiếp cận hoặc hạn chế du khách. Hiện khoảng 20% diện tích của Belarus vẫn bị nhiễm phóng xạ.
Một công nhân giúp bảo trì đài tưởng niệm ở Slavutych, Ukraine, dành riêng cho các kỹ thuật viên đã hy sinh trong và sau thảm họa Chernobyl. Slavutych là một thị trấn được xây dựng sau khi tai nạn xảy ra để thay thế Pripyat, nơi trước đó được dành cho công nhân làm việc cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và gia đình của họ.
Một bức ảnh cho thấy quảng trường chính của thị trấn Pripyat và trung tâm văn hóa "Energetik" trước khi xảy ra thảm họa xảy ra. Pripyat hiện tại được xem là một thị trấn ma, bị cảnh báo là không được phép sinh sống trong nhiều nghìn năm nữa.
Artur Vlasenko, 27 tuổi, đang xin việc tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và phải trải qua một loạt các xét nghiệm về mức độ bức xạ trong cơ thể tại Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về y học bức xạ tại Kiev. Nhà máy Chernobyl vẫn có khoảng 3.000 công nhân.
Ông Ivan Vlasenko, 85 tuổi, từng làm việc ở Chernobyl, người đang bị bệnh tủy xương, hay còn gọi là hội chứng myelodysplastic, ngồi trong một căn phòng bệnh viện tại Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về y học bức xạ tại Kiev. Vlasenko làm công việc lắp các vòi tắm khử trùng và xử lý quần áo bị ô nhiễm và các rác thải khác của những người lính làm công việc dọn dẹp, tẩy rửa tại các địa điểm trong nhà máy hạt nhân. Hàng năm ông Vlasenko đến trung tâm này để chụp chiếu và điều trị bệnh ung thư.
Katya, 5 tuổi, bị hội chứng co giật, đầu nhỏ và vẫn trong hình hải của một đứa trẻ sơ sinh. Katya đang với lấy một món đồ tại Home Vesnova, một trung tâm chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng phóng xạ sau sự cố Chernobyl, gần Glusk, Belarus. Khoảng 170 trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật, nhiều trong số họ đã được sinh ra với dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, được chăm sóc tại cơ sở Home Vesnova, không xa khu bị ô nhiễm phóng xạ. Nhiều cuộc tranh luận khoa học đang diễn ra liên quan đến việc liệu các khuyết tật bẩm sinh của trẻ em khu vực này có phải do bức xạ sau sự cố Chernobyl hay không, mặc dù các bác sĩ trong khu vực đã có những báo cáo về sự gia tăng đáng kể các hội chứng bệnh trẻ em kể từ năm 1986. Một nghiên cứu năm 2010 do nhà nghiên cứu Mỹ Wladimir Wertelecki tiến hành ở ba địa điểm bị ô nhiễm của Chernobyl tìm thấy mối tương quan giữa phóng xạ và một số dị tật bẩm sinh của trẻ - bao gồm cả hiện tượng đầu nhỏ.
Một đứa trẻ sinh ra với dị tật bẩm sinh nghiêm trọng được tắm tại Vesnova Home. Trẻ em đã từng sống trong điều kiện tồi tệ ở đây, mặc dù hiện nơi này là một trong những cơ sở tốt nhất của loại hình này ở Belarus, chủ yếu hoạt động nhờ sự giúp đỡ của một tổ chức từ thiện.