Ngày 29/12/1987, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư Nước ngoài tại Việt Nam. Văn bản pháp lý quan trọng này là một “quyết định lịch sử”, chính thức khai thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta. Tính “lịch sử” còn ở chỗ, Luật được xây dựng dựa trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ 18 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác. Chính vì vậy, ngay sau khi Luật được ban hành, các chuyên gia thế giới bình luận rằng đây là một trong các đạo luật về đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực thời điểm ấy.
Từ quyết định đột phá
Và Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, với những tư tưởng cởi mở, thông thoáng, tầm nhìn xa, chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (trong khi Thái Lan, Indonesia chỉ cho phép doanh nghiệp 49% vốn nước ngoài), đã mở đường cho thu hút FDI, tạo đà cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong các giai đoạn khó khăn. Chỉ trong hơn hai năm, từ năm 1988 đến tháng 5/1990, đã có 213 giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD.
Bắt đầu đến năm 1991, một làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam. Tính chung cả giai đoạn 1991-2000, vốn FDI thực hiện đạt 19,462 tỷ USD, bình quân 1,95 tỷ USD/năm. Kết quả thu hút FDI những năm đầu này đã đặt nền móng cho những thay đổi chính sách sau này, tạo nên các thành quả to lớn mà FDI đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam.
Một góc nhà máy của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình 1 (Thái Nguyên) đi vào hoạt động từ năm 2013. (Nguồn: TTXVN) |
Đến giai đoạn 2001-2010 vốn FDI thực hiện đạt 58,497 tỷ USD, bằng 3 lần thập niên trước đó và bình quân 5,85 tỷ USD/năm. Đặc biệt, đến năm 2014, việc sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư 2014 đã tạo một bước đột phá về tư duy, bởi từ nay, doanh nghiệp và nhà đầu tư được làm những gì mà pháp luật không cấm. Làn sóng đầu tư thứ ba bắt đầu. Tính chung cả giai đoạn 2011-2016 vốn FDI thực hiện đạt 84 tỷ USD, bằng 4,55 lần giai đoạn 1991-2000 và 1,43 lần 10 năm trước đó, bình quân thu hút 12 tỷ USD/năm.
Đỉnh cao vào năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36 tỷ USD - mức cao nhất từ năm 2009. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam đã thu hút được nhiều công ty và tập đoàn xuyên quốc gia lớn trên thế giới đến đầu tư như: Samsung, Intel, LG, Nike…
Đến những thành tựu ấn tượng
Sau 30 năm, có thể khẳng định, FDI đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam. Đóng góp của khu vực FDI đối với nền kinh tế nước ta có thể kể ra ở những điểm nhấn sau.
Đầu tiên, với hơn 183 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, được triển khai thực hiện trong hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế, khu vực FDI góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành những ngành công nghiệp chủ lực như: viễn thông, dầu khí, điện tử, hóa chất, thép, ôtô, xe máy, công nghệ thông tin, da giày, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm…
FDI đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ nhập siêu. Trong 8 tháng năm 2018, xuất khẩu của khu vực FDI đạt 108,79 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu đạt 17,9 tỷ USD.
Khu vực FDI góp phần tạo khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và hơn 4 triệu lao động gián tiếp. Quá trình làm việc trong các doanh nghiệp FDI, người lao động đã trưởng thành trên nhiều mặt: tác phong công nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, trình độ chuyên môn và quản lý, trình độ ngoại ngữ... Bên cạnh đó, đầu tư của các doanh nghiệp FDI đã trực tiếp và gián tiếp đóng góp chuyển giao và phát triển công nghệ, tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa tại Việt Nam. Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…
Thu hút FDI còn góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời, tạo ra những áp lực để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thu hút FDI và hội nhập là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản pháp luật. Đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam đã có những phát triển ấn tượng, hệ thống đường bộ, đường thủy, đường hàng không với các cảng biển và sân bay hiện đại tầm cỡ khu vực đã được xây dựng, đáp ứng nhu cầu giao thương, đầu tư phát triển đất nước.
Cũng không thể không kể đến tác động lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước từ FDI. Dù chưa được như kỳ vọng nhưng nhiều doanh nghiệp Việt đã hưởng lợi trực tiếp khi liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa xuất khẩu, đổi mới công nghệ.
Như vậy, 30 năm qua, kể cả giai đoạn khủng hoảng kinh tế, FDI luôn là khu vực phát triển năng động, có tác động thúc đẩy chuyển dịch các ngành kinh tế của nước ta. Nói như chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, khu vực FDI đã góp phần đưa Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, giúp Việt Nam phát triển với tầm vóc cao hơn, đặc biệt trong giai đoạn CMCN 4.0.