Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (SPLOS) lần thứ 34 tại trụ sở Liên hợp quốc, New York từ ngày 10-14/6. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc) |
Tất cả các hiệp định quốc tế đều có nguy cơ lỗi thời và UNCLOS không ngoại lệ. Làm thế nào để không bị “ngủ quên”, luôn bắt nhịp với những đổi thay của thực tại? Những trăn trở đó phần nào được các nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả Việt Nam và quốc tế phân tích trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 16 do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) chủ trì tại Quảng Ninh vừa qua.
“Hiến pháp” của đại dương
Thẩm phán Horinouchi Hidehisa, Toà án Luật Biển quốc tế (ITLOS) khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) có thể được coi là bản “hiến pháp” của đại dương, bao gồm những điều khoản liên quan tới các hoạt động trên biển và đại dương. Công ước quốc tế này đưa ra nhận thức toàn diện về các khái niệm liên quan đến hàng hải, chỉ ra quyền và nghĩa vụ của các quốc gia với vùng biển, đại dương, có các điều khoản về bảo tồn nguồn cá một cách bền vững… Bên cạnh đó, UNCLOS nhấn mạnh những yếu tố liên quan đến Luật Biển như quyền tài phán, tàu bè vận hành trên biển…
Có thể nói, UNCLOS là bộ luật chung điều chỉnh các hoạt động trên biển và đại dương. Trong quá trình đàm phán ban đầu từ năm 1973, UNCLOS có những điều khoản quá lý tưởng hóa, không thực tế, do đó, khi UNCLOS có hiệu lực triển khai năm 1994 cũng là một lần UNCLOS sửa đổi một số điều khoản trong điều ước.
Tiếp tục nhấn mạnh lại vai trò như “bản hiến pháp” đại dương của UNCLOS, ông Niclas Kvarnström, Tổng Vụ trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu (EEAS) khẳng định UNCLOS đóng vai trò cốt yếu trong việc điều chỉnh các hoạt động trên biển giữa các quốc gia theo luật pháp quốc tế, được nhiều quốc gia nhất trí và thông qua. UNCLOS hoàn toàn có thể được coi là chìa khóa trong các vấn đề trên biển, là “la bàn” cho các quốc gia ở các vùng biển, trong đó có cả Biển Đông.
Các nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế trao đổi về giá trị của UNCLOS 1982. (Ảnh: PH) |
TS. Nguyễn Đăng Thắng, Trọng tài viên Tòa trọng tài thường trực (PCA), Trọng tài viên Toà trọng tài Phụ lục VII, UNCLOS cho rằng, tất cả các hiệp định đều có nguy cơ lỗi thời và UNCLOS không ngoại lệ. Tuy nhiên, đến nay, UNCLOS vẫn còn rất giá trị, là một “cơ chế sống”. Theo ông, các hiệp định triển khai, các cơ chế dựa trên tinh thần của UNCLOS sẽ góp phần cải thiện và khắc phục sự lỗi thời của UNCLOS.
Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski có cùng trăn trở. Mặc dù sau 30 năm, UNCLOS vẫn rất phù hợp và tiếp tục là trụ cột của hệ thống pháp lý quản lý các đại dương và biển cả. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là làm thế nào để có thể thực thi UNCLOS một cách hiệu quả hơn trong bối cảnh có những thách thức mới đặt ra từ công nghệ, cần được quản lý như vấn đề cáp ngầm dưới biển…
“Nếu một quốc gia chọn cách phớt lờ các quy tắc, đó thực sự là vấn đề. Nhưng điều đó không có nghĩa là các quy tắc đó sai. Những thách thức phát sinh vẫn có thể được giải quyết trong khuôn khổ của UNCLOS”, Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski nói.
Dù nhiều đổi thay vẫn… hợp thời
Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế lần này, các nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả cũng đưa ra nhiều cách tiếp cận về giải pháp xung quanh câu chuyện làm thế nào để UNCLOS đáp ứng kịp thời sự phát triển của thực tiễn sử dụng và quản lý biển hiện nay.
Tại sao việc thay đổi Công ước khó khả thi? Theo Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Chủ tịch Hội Luật quốc tế châu Á (AsianSIL), việc thay đổi Công ước đòi hỏi tất cả các quốc gia thành viên UNCLOS cùng tham gia đàm phán, ký kết và phê chuẩn để đi đến hiệu lực. Do đó, quá trình này tương đối phức tạp.
Giải pháp hướng đến là trong khuôn khổ của Công ước có thêm các phụ lục, giúp phát triển và mở rộng Công ước. Việc đàm phán các phụ lục như vậy có thể không nhất thiết tất cả các quốc gia thành viên phải tham gia, phụ lục chỉ ràng buộc các nước thành viên UNCLOS đàm phán và ký kết phụ lục này.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Chủ tịch Hội Luật quốc tế châu Á. |
Tiến sĩ Phạm Lan Dung nhấn mạnh, UNCLOS là một điều ước quốc tế có thể được phát triển, mở rộng và điều chỉnh để đáp ứng được các yêu cầu mới đặt ra trên thực tiễn. Công ước đã có các quy định rất kỹ liên quan đến điều chỉnh các tình huống tranh chấp trên biển giữa các quốc gia, đề cập rất rõ các quy định cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như cách tiếp cận các chiến dịch “vùng xám” ở khu vực chưa phân định, chồng lấn hoặc tranh chấp.
Ngoài ra, một giải pháp hợp lý, theo Tiến sĩ Phạm Lan Dung, là các nước có thể cùng cân nhắc là đàm phán và ký kết các công ước hay điều ước quốc tế khác phù hợp. Cụ thể, các quốc gia có thể thống nhất đàm phán với nhau và đưa vào trong khuôn khổ UNCLOS các điều ước quốc tế có liên quan, gắn với Công ước. Minh chứng cho những nỗ lực đó là việc các nước ký kết Hiệp định về bảo tồn đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ), một trong những phát triển quan trọng gần đây trong lĩnh vực đại dương và luật biển, đi sâu vào điều chỉnh một đối tượng cụ thể.
Về Hiệp định BBNJ, PGS. TS. Takei Yoshinobu, Đại học Keio (Nhật Bản) cho biết, nếu nhìn kỹ vào UNCLOS thì không thể tìm được cụm từ nào về đa dạng sinh học. Rõ ràng, sự linh hoạt trong việc đưa ra thỏa thuận đã giúp các bên tham gia UNCLOS đối phó với thách thức mới.
Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski bổ sung thêm ý nghĩa về sự ra đời của Hiệp định: “Việc thông qua Hiệp định BBNJ chứng minh cộng đồng quốc tế có khả năng bổ sung thay vì làm suy yếu UNCLOS. Đó là một khác biệt quan trọng”.
Tiếp cận giải pháp ở nội tại trong chính khuôn khổ UNCLOS, TS. Muhammad Taufan, Phó Vụ trưởng, Vụ Các vấn đề pháp lý và điều ước lãnh thổ, Bộ Ngoại giao Indonesia cho rằng chìa khóa để triển khai UNCLOS hiệu quả chính là hợp tác ở cấp độ quốc gia, song phương và đa phương.
Nhà ngoại giao Indonesia lấy ví dụ từ việc quốc gia này ban hành nhiều nghị định, nội luật hóa từ nền tảng UNCLOS hay thỏa thuận phân định biển với Việt Nam, Malaysia là minh chứng cho những “trái ngọt” của tuân thủ và hợp tác trong khuôn khổ UNCLOS.
Cam kết không lay chuyển
Sau 30 năm tham gia UNCLOS, theo Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực, tuân thủ những quy định của Công ước như thông qua Luật Biển Việt Nam, qua đó thể hiện quyết tâm tuân thủ Công ước của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia các diễn đàn, hoạt động của nhiều nước thành viên Công ước. Đặc biệt, gần đây, Việt Nam đã đưa ra ý tưởng thành lập Nhóm bạn bè về UNCLOS.
Nhóm bạn bè UNCLOS là nhóm đầu tiên Việt Nam khởi xướng, đồng chủ trì vận động thành lập (cùng Đức) năm 2020. Trong đó, Nhóm sáng lập gồm 12 nước là Argentina, Canada, Đan Mạch, Đức, Jamaica, Kenya, Hà Lan, New Zealand, Oman, Senegal, Nam Phi và Việt Nam. Đến nay, Nhóm bạn bè của UNCLOS có hơn 120 nước, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý.
Theo Tiến sĩ Phạm Lan Dung, đây là nỗ lực chủ động, sáng tạo của Việt Nam, giúp tập hợp được tiếng nói, sự ủng hộ đông đảo của các nước có cùng cách tiếp cận, tuân thủ và giải thích Công ước một cách thiện chí.
Ngoài ra, Việt Nam vừa qua đã tuyên bố đề cử PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao là ứng cử viên của Việt Nam cho vị trí Thẩm phán Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035. Điều này thể sự chủ động hơn nữa của Việt Nam với tư cách là một quốc gia thành viên, không chỉ tuân thủ, thúc đẩy sự tuân thủ của các nước mà còn đặt ra những mục tiêu cao hơn là tham gia vào cơ quan tài phán quốc tế trong khuôn khổ Công ước.
Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski. |
Đại sứ Andrew Goledzinowski đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực của UNCLOS. “Việt Nam là quốc gia biển luôn ủng hộ luật pháp quốc tế, vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy thực thi UNCLOS rất quan trọng”, nhà ngoại giao Australia nhấn mạnh.
Theo Đại sứ, việc Việt Nam tổ chức thường niên Hội nghị quốc tế Biển Đông quy tụ nhiều học giả, chuyên gia quốc tế cho thấy Việt Nam không chỉ tuân thủ các quy tắc của UNCLOS mà còn có mục tiêu trở thành một trong những quốc gia góp phần thúc đẩy các chuẩn mực trong lĩnh vực này. Ứng cử viên của Việt Nam cho vị trí Thẩm phán ITLOS rất xuất sắc, đây là động thái rất tích cực và đáng hoan nghênh. Mọi nỗ lực đều cho thấy Việt Nam đang thực hiện rất tốt vai trò của mình.
“Giống như thuỷ thủ cần một ngôi sao chỉ đường để tìm phương hướng, chúng ta cần các luật lệ và nguyên tắc đã được thiết lập để neo giữ các chính sách và hành động của mình”, trích lời của Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt để kết lại những giá trị còn mãi với thời gian của UNCLOS. Những giá trị đó sẽ góp phần vun vén những ước vọng về hòa bình, hợp tác và phát triển của hiện tại và tương lai.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 16: “Việc tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực được công nhận rộng rãi là nền tảng của hòa bình và ổn định toàn cầu, vì nó cung cấp một khuôn khổ chung để các quốc gia giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và hợp tác. Liên quan đến vấn đề này, tôi không thấy bất kỳ chuẩn mực và nguyên tắc nào phù hợp hơn đối với Biển Đông so với những chuẩn mực và nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)”. |