📞

35 năm Báo Thế giới và Việt Nam: Dấu ấn và khát vọng vươn xa

Nhóm PV 07:44 | 26/12/2024
Ngày 25/12, Báo Thế giới và Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm ra số đầu tiên (29/11/1989 - 29/11/2024) trong không khí thân tình, ấm cúng tại Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội, Hà Nội.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, nguyên lãnh đạo Báo qua các thời kỳ cùng đại diện các ban, ngành, cơ quan báo chí tới dự và chúc mừng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng nhiều đơn vị thuộc các bộ, ban, ngành; báo, tạp chí; đối tác trên cả nước gửi lẵng hoa chúc mừng tới cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao nhân dịp đặc biệt này.

Lễ kỷ niệm có sự tham dự của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Ngô Đông Hải; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, các báo, tạp chí, đối tác, cùng các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của Báo Thế giới và Việt Nam trong 35 năm qua.

Tổng Biên tập Nguyễn Trường Sơn phát biểu khai mạc chương trình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Nguyễn Trường Sơn khái quát chặng đường hình thành và phát triển của Báo Thế giới và Việt Nam từ những ngày hoạt động "trong một phòng làm việc nhỏ chỉ 15m2 của Tổ bảo vệ ở gầm cầu thang số 1 Tôn Thất Đàm, thành trụ sở tuy nhỏ nhưng khang trang ở số 6 Chu Văn An". Chặng đường 35 năm cũng là "hành trình từ nhóm 5 người của những ngày đầu chập chững thành một tập thể gần 50 con người của ngày hôm nay". Từ một tờ tạp chí ra hàng tháng để giới thiệu tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam, Báo Thế giới và Việt Nam trở thành tờ báo hàng đầu về đối ngoại với sứ mệnh mang Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến với Việt Nam đúng như tên gọi của nó.

Cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao hiện đã xây dựng được một hệ sinh thái với báo in, các ấn phẩm không định kỳ, báo điện tử tiếng Việt, tiếng Anh và các nền tảng mạng xã hội. Báo thường xuyên nằm trong danh sách các báo điện tử có độ lan tỏa cao nhất theo thống kê hằng tuần của Bộ Thông tin và Truyền thông. Số lượng tin, bài trung bình/ngày hiện nay tăng gấp hơn 7 lần so với thời điểm bắt đầu kế hoạch đổi mới năm 2018, xuất bản 24/7 nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả ở các múi giờ khác nhau trên thế giới.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 35 năm Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhấn mạnh từ khóa "đổi mới" xuyên suốt cả hành trình đó, Tổng Biên tập Nguyễn Trường Sơn giải thích: Tạp chí sinh ra trong những năm đầu để phục vụ công cuộc Đổi mới và đã không ngừng đổi mới, không ngừng vươn lên để tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong suốt 35 năm qua. Những thành quả hôm nay của Báo Thế giới và Việt Nam, không thể không nhắc đến "các thế hệ các lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Báo hàng ngày lăn xả với công việc, với cuộc sống của Báo để vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, luôn giữ vững tinh thần cống hiến, nỗ lực hết mình để tiếp tục đốt cháy ngọn lửa đam mê với nghề Báo, với sự phát triển của Báo, để xây dựng nên một kênh thông tin quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, cung cấp cho độc giả nguồn thông tin chính thống, tin cậy và cũng rất nóng hổi, chính xác, sinh động về hoạt động đối ngoại của Việt Nam, về tình hình trong nước cũng như những diễn biến của tình hình khu vực và thế giới".

Những kết quả đạt được cho đến nay là niềm tự hào, là cơ sở, nền tảng để Báo Thế giới và Việt Nam tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, môi trường hoạt động báo chí nói chung, của Báo Thế giới và Việt Nam nói riêng, có nhiều thách thức nhưng không phải không có những cơ hội mới. Tổng Biên tập Nguyễn Trường Sơn khẳng định, "Báo nhận thức rõ trách nhiệm của mình và sẽ tiếp tục không ngừng đổi mới, vượt qua những giới hạn của bản thân, hòa chung nhịp thở của “kỷ nguyên số”, để giữ vững vị thế tờ báo đối ngoại hàng đầu, phản ánh sinh động thông tin đối ngoại qua những tác phẩm có ảnh hưởng đến xã hội, đồng thời hướng đến những tầm cao mới, nâng tầm ảnh hưởng, độ lan tỏa không chỉ trong nước mà còn cả ở khu vực".

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu tại sự kiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đánh giá cao những thành tích của Báo Thế giới và Việt Nam trong chặng đường 35 năm đầy tự hào, thể hiện bản lĩnh và tâm huyết của những nhà báo – ngoại giao, định vị Báo với một bản sắc rất riêng trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, phục vụ sự nghiệp thông tin đối ngoại của đất nước.

Ông Lê Quốc Minh tin tưởng, với truyền thống kiên định, sáng tạo, đổi mới không ngừng, Báo Thế giới và Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, tiếp tục là nguồn thông tin chính thống, tin cậy, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc trong thời đại mới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh tặng hoa cho Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong bài phát biểu đầy xúc cảm khi trở về “chốn cũ”, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Ngọc Trường chia sẻ về những ngày đầu khó khăn, vất vả của Tạp chí Quan hệ Quốc tế - tên gọi của Báo thời bấy giờ, với những thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực nhưng đã “vươn mình trỗi dậy” để trở thành một tờ báo “có sức cạnh tranh trên các lĩnh vực quốc tế”.

Nguyên Tổng Biên tập nhấn mạnh, 35 năm trôi qua, Báo Thế giới và Việt Nam đã đào tạo nhiều thế hệ làm báo xuất sắc, góp phần đưa các vấn đề quốc tế đến gần hơn với độc giả trong nước.

“Tôi tin rằng, nhiệm vụ của báo chí đối ngoại không chỉ là đưa tin, mà còn phải phân tích, phản ánh sâu sắc các vấn đề toàn cầu, từ đó nâng cao hiểu biết và ý thức hội nhập quốc tế của người Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, báo chí đối ngoại cần tiếp tục đổi mới, tăng cường năng lực phân tích và giữ vững vai trò quan trọng trong việc đưa hình ảnh đất nước ra thế giới”, ông Nguyễn Ngọc Trường chia sẻ.

Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thế giới và Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Trường phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, 35 năm qua không phải là chặng đường dài nhất nhưng thực sự là "câu chuyện đầy cảm hứng về sự hình thành, phát triển của tạp chí nghiên cứu thuộc phạm vi một ngành, cho tới tờ báo thường xuyên được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong năm tờ báo có độ lan tỏa nhất toàn quốc".

Theo Thứ trưởng Ngoại giao, sự “không ngừng đổi mới” của Báo đã góp phần hoàn thành tốt những nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao giao phó, đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại.

Báo cũng đã thông tin kịp thời, toàn diện đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đất nước, con người Việt Nam, hoạt động của Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; giúp dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó thành tựu của đối ngoại đã góp phần củng cố uy tín, vị thế quốc tế của đất nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng chỉ rõ, đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác đối ngoại của Báo sẽ phải chủ động hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để đáp ứng nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó cũng như kỳ vọng của nhân dân.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, tập thể và một số cá nhân Báo Thế giới và Việt Nam vinh dự được trao tặng Bằng khen, Tuyên dương của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bằng khen của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bằng khen, Kỷ niệm chương của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Ngô Đông Hải trao tặng Bằng khen của Trưởng Ban Tuyên giao Trung ương cho tập thể Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao cho tập thể Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao cho một số cá nhân của Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tổng Biên tập Nguyễn Trường Sơn trao tặng Tuyên dương của Bộ trưởng Ngoại giao cho một số cá nhân. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Chủ tịch Hội Nhà báo Lê Quốc Minh trao tặng Bằng khen cho Chi hội Nhà báo Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chụp ảnh lưu niệm các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tập thể Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Lã Hoàng)
Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 35 năm Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhiều đại biểu bày tỏ ấn tượng với logo kỷ niệm 35 năm Báo Thế giới và Việt Nam, thể hiện chặng đường phát triển và sứ mệnh kết nối thông tin toàn cầu của Báo. Phía màu xanh, với hình ảnh trái đất, là biểu tượng của "Thế giới," đại diện cho tầm nhìn quốc tế và vai trò quan trọng của Báo trong lĩnh vực báo chí đối ngoại. Màu cam phía trên với chữ "V" cách điệu, tượng trưng cho "Việt Nam," nhấn mạnh tinh thần dân tộc và sự hội nhập. Con số “35” có thiết kế hiện đại, biểu tượng cho 35 năm miệt mài đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến gần Việt Nam.

Bên cạnh đó, màu xanh lam còn thể hiện sự hòa bình, tin cậy, trong khi màu cam đại diện cho năng lượng, sáng tạo và khát vọng phát triển. Ngoài ra, logo mang phong cách hài hòa, cân đối, không chỉ gợi nhắc về hành trình lịch sử đã qua mà còn thể hiện tinh thần đổi mới, hướng tới tương lai của Báo.