📞

4 kịch bản cho xung đột Nga - Ukraine

21:13 | 27/11/2018
Vụ việc Nga dùng biện pháp quân sự và bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine ngoài khơi bờ biển của Crimea đang làm quan hệ giữa Moscow và Kiev căng như dây đàn và có thể làm bùng phát một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mới giữa Nga và Ukraine.  Vậy kịch bản nào có thể diễn ra cho mối quan hệ vốn cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt giữa Moscow và Kiev sau vụ việc này?     

Ngay khi vụ Nga bắt giữ 3 chiến hạm của Ukraine “xâm phạm lãnh hải” nước này tại eo biển Kerch nối giữa Biển Đen và Biển Azov, Tổng Giám đốc – Thành viên Đoàn chủ tịch Hội đồng Nga về quan hệ quốc tế Andrey Kortunov –  đã đưa ra 4 kịch bản cho tương lai của Nga và Ukraine sau khủng hoảng này.

Quan hệ Nga – Ukraine bắt đầu lâm vào khủng hoảng sâu sắc kể từ thảm kịch Maidan bùng phát tại Kiev năm 2014. Các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và chính phủ của ông từ chức năm 2014 cũng chính là nguyên nhân làm cho mối quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi nghiêm trọng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko (AFP)

Ngày 16/3/2014 là dấu mốc lịch sử quan trọng đối với nước Nga và người dân Crimea – sự kiện công nhận chính thức về mặt pháp lý Bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, nguyện vọng chính đáng của người dân Crimea được đáp ứng lại đồng nghĩa với việc Moscow bị cô lập trên trường quốc tế. Nga đã bị loại khỏi nhóm các nền kinh tế hùng mạnh G8.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến nền kinh tế của Nga “xuống dốc không phanh”: đồng Rúp mất giá đến 49% so với đồng USD vào cuối năm 2014, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dầu thô giảm giá gần 50%, lạm phát phi mã… Trong khi đó, hầu hết các quốc gia từ chối công nhận Crimea là một phần của Nga.

Gần 5 năm trôi qua, mối quan hệ Kiev – Moscow vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Ngay trước khi xẩy ra vụ Nga bắt giữ 3 chiến hạm Ukraine “xâm phạm lãnh hải” nước này tại eo biển Kerch nối giữa Biển Đen và Biển Azov, Tổng Giám đốc – Thành viên Đoàn chủ tịch Hội đồng Nga về quan hệ quốc tế Andrey Kortunov –  đã vạch ra 4 kịch bản cho tương lai của Nga và Ukraine. Theo ông, nếu không phải là Moscow hoặc Kiev thì một thế lực có ảnh hưởng trong giới lãnh đạo hiện nay của hai nước sẽ tạo ra một vị thế mới cho hai phía. Nói cách khác, hai quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ thay đổi nguyên trạng hiện có.

Và câu hỏi đặt ra là, tình trạng không ổn định này sẽ kéo dài bao lâu. “Chẳng lẽ chúng ta sẽ cần 5 năm nữa để thảo luận về tình hình nội bộ của Ukraine và quan hệ Nga – Ukraine qua những thông số hiện tại, để điều chỉnh những thay đổi không đáng kể và lại đưa ra một quyết định không rõ ràng về vấn đề Ukraine trong tương lai? Hay là tiền đề cho những chuyển biến triệt để trong những năm tháng tới đã nhen nhóm ở trong chính nguyên trạng hiện tại?”, theo ông Kortunov.

Từ những câu hỏi trên, ông Andrey Kortunov đã đưa ra 4 kịch bản dự báo cho quan hệ Nga – Ukraine.

Kịch bản 1: Giữ nguyên trạng, Ukraine yếu và đối đầu gia tăng

Kịch bản này dựa trên những giả định rằng, trong những năm tới, Ukraine sẽ không thể đạt được tiến bộ đáng kể về cải cách kinh tế; không củng cố và kiện toàn được các thể chế chính phủ; không nâng cao được hiệu quả quản lý của chính phủ và không thành công trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Cùng với đó, việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu và NATO sẽ bị trì hoãn tới một thời điểm không xác định và Kiev không nhận được các đầu tư thực sự từ phương Tây. Tình trạng đối đầu với Nga trong bối cảnh như vậy sẽ tiếp tục là thách thức với bất kỳ nhà lãnh đạo tiềm năng Ucraine nào trong tương lai.

Kịch bản 2: Chiến tranh lạnh, Ukraine mạnh và đối đầu tiếp tục căng thẳng

Ukraine đạt được những bước đột phá quan trọng theo hướng hiện đại hóa trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị và xã hội. Một nền kinh tế - xã hội ổn định, minh bạch cùng với sự độc lập của hệ thống tư pháp sẽ giúp cho quốc gia này nhận được những nguồn lực lớn từ nước ngoài, nhất là đầu tư từ phương Tây. Kiev sẽ trở thành thành trì hết sức vững chắc ở Đông Âu. Khi đó, Ukraine không chỉ đơn thuần là nhân tố khiêu khích đối với chính quyền Nga, mà còn trở thành một thách thức to lớn, sống còn với xứ Bạch Dương.

Các tàu Ukraine bị cáo buộc đã đi qua eo biển Kerch, vi phạm lãnh hải Nga gần Crimea. (Ảnh: Dailymail)

Kịch bản thứ 3: “Balkan hóa”, Ukraine yếu hòa hoãn được duy trì

Trong kịch bản này, sự phát triển trong nước của Ukraine tương tự như kịch bản “nguyên trạng”, trong khi đó, quan hệ giữa Nga và phương Tây có những chuyển biến tích cực.

Moscow thành công trong việc tránh khỏi những biện pháp trừng phạt nặng nề của Mỹ và châu Âu, thậm chí chúng còn được nới lỏng hơn. Nga quy cho giới lãnh đạo Ukraine phải chịu trách nhiệm chính cho sự thất bại của Thoả thuận Minsk (thỏa thuận được ký  kết giữa 4 nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine về vấn đề Đông Ukraine năm 2015). Vấn đề Kiev ngày càng trở nên căng thẳng ở châu Âu.

Donbass không còn nằm trong tầm kiểm soát của Kiev đã tạo đà cho các khu vực khác đòi nhân rộng quyền của mình. Các “liên bang tự phát” của Ukraine loại bỏ các vấn đề với tư cách là thành viên NATO và EU khỏi chương trình nghị sự. Với những tình hình như trên, Ukraine sẽ dần mất đi chức năng của một chủ thể và trở thành “đối tượng” bị thao túng bởi các thế lực bên ngoài.

Kịch bản 4: Cầu nối của châu Âu, Ukraine mạnh – thế hòa hoãn là chủ đạo

Kịch bản cuối cùng cũng là kịch bản lạc quan nhất dự trên sự kết hợp của 2 khuynh hướng ổn định: củng cố trạng thái nhà nước của Ukraine (như trong kịch bản Chiến tranh Lạnh) và xu thế hòa dịu trong căng thẳng giữa Nga và phương Tây (như kịch bản “Balkan hóa”).

Ở kịch bản này, Ukraine vừa có khả năng tránh phải đối mặt với nhiều nguy cơ, vừa dần dần trở thành cầu nối kinh tế, chính trị và văn hóa giữa Nga và phương Tây, đáp ứng lợi ích lâu dài của tất cả các bên trong cuộc xung đột hiện tại.

Nhưng để một kịch bản như vậy trở thành hiện thực, Nga (không chỉ chính phủ đương nhiệm mà một phần lớn trong xã hội Nga) phải thừa nhận và tiếp nhận chủ thể đối với người Ucraine, cũng như chính phủ Ucraine.