Trải qua 23 năm, VIFOTEC đã có gần 2.400 công trình tham gia, trong đó có 775 công trình đã đoạt giải. Nối tiếp thành công ấy, rất nhiều các công trình đoạt giải đã tiếp tục mở rộng quy mô và phạm vi áp dụng trong sản xuất, tạo ra thị trường công nghệ phục vụ cho đời sống, an ninh và quốc phòng.
TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA cho biết, năm 2016, có 45 công trình đã đoạt giải VIFOTEC, trong đó có 4 giải Nhất thuộc các lĩnh vực: Cơ khí - Tự động hóa; Lĩnh vực Vật liệu; Lĩnh vực Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Ngoài ra, còn có 9 giải Nhì, 15 giải Ba và 17 giải Khuyến khích, thuộc các lĩnh vực khác như Thông tin, điện tử và viễn thông; Sinh học phục vụ sản xuất và Đời sống...
Lễ công bố các công trình đoạt Giải VIFOTEC. (Ảnh: A.N) |
Bốn công trình đoạt giải Nhất sẽ được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Ban Tổ chức, bằng Lao động Sáng tạo, Huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo và tiền thưởng trị giá 40 triệu đồng.
Năm nay, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới đã xét và trao Bằng chứng chận, Huy chương Vàng cho 2 công trình xuất sắc nhất trong việc áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất và đời sống. Đó là công trình “Thâm canh trồng sả trên vùng đất chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải chưng cất” của tác giả Lê Văn Tri và các cộng sự Công ty CP Công nghệ sinh học và công trình “Chế tạo tàu khách bằng vật liệu mới PPC với 56 chỗ ngồi” của tác giả Nguyễn Kim Sơn và các cộng sự Công ty CP Công nghệ James Boat.
Lễ trao Giải VIFOTEC và Giải thưởng WIPO 2016 sẽ diễn ra vào tối 16/5, tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội.