📞

45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản: Thời gian ngắn cho bước tiến dài

14:00 | 09/09/2018
Năm 2018, hai nước Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. 45 năm là một giai đoạn ngắn trong lịch sử quan hệ giao lưu có bề dày gần 1.300 năm giữa hai dân tộc, nhưng đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, toàn diện của quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. 

Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia láng giềng châu Á cách nhau một vùng biển lớn, có nền văn hóa truyền thống với nhiều nét tương đồng như cùng thuộc nền văn minh lúa nước, tín ngưỡng đa thần thờ phụng tổ tiên, đạo Phật được truyền bá rộng rãi... Người dân hai nước đều cần cù chịu khó, tự lực tự cường, luôn có nghị lực vươn lên và sức sáng tạo, đã làm nên nhiều thành tựu lớn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ rất sớm, người dân Việt Nam đã coi người dân Nhật Bản như những người anh em “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”.

Quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta khởi nguồn từ các mối liên hệ lịch sử, văn hóa, thương mại vào thế kỷ thứ VIII với âm nhạc Lâm Ấp của nhà sư Phật Triết mang tới cố đô Na-ra, hay quan hệ giao thương vào thế kỷ thứ XVI khi các Châu Ấn thuyền Nhật Bản đến Hội An, góp phần tạo dựng nên những trung tâm buôn bán sầm uất đầu tiên ở Việt Nam. Các công trình kiến trúc cổ kính do các thương nhân Nhật Bản xây dựng ở Hội An, những di tích ở Phố Hiến, phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX do nhà yêu nước Phan Bội Châu phát động học tập công cuộc Duy Tân của Nhà Vua Minh Trị… là những biểu tượng tốt đẹp về sự gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam, Nhật Bản. Sự tương đồng về văn hóa và những liên hệ lịch sử là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc, là nền tảng vững bền cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono. (Ảnh: Tuấn Anh)

Có thể hài lòng nhận thấy sau 45 năm, hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2006), “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2009), “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (năm 2014); quan hệ hợp tác có những bước phát triển mạnh mẽ và vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM…, đóng góp ngày càng tích cực vào hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, hai nước đã hợp tác tích cực vào thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng và thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Về chính trị, sự tin cậy về chính trị không ngừng được củng cố và tăng cường thông qua các cuộc tiếp xúc, giao lưu các cấp, đặc biệt là cấp cao diễn ra thường xuyên trong 45 năm qua. Về phía Việt Nam, tất cả các Lãnh đạo cấp cao đều đã nhiều lần thăm Nhật Bản. Về phía Nhật Bản, thành viên Hoàng gia và Lãnh đạo Chính phủ cũng nhiều lần thăm Việt Nam, trong đó có chuyến thăm lịch sử của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản lần đầu tiên tới Việt Nam năm 2017. Các cơ chế đối thoại, trao đổi ý kiến cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng được tiến hành thường xuyên, góp phần hiệu quả vào thúc đẩy triển khai các thỏa thuận cấp cao, trong đó phải kể đến cơ chế Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về công nghiệp, thương mại và năng lượng, Đối thoại Đối tác chiến lược…

Về kinh tế, hiện nay, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về kinh tế. Kể từ khi mở lại viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam năm 1992, cho tới nay, Nhật Bản trở thành nhà tài trợ lớn nhất, chiếm hơn 1/3 tổng viện trợ ODA cho Việt Nam với số vốn cam kết khoảng 30,5 tỷ USD, được sử dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo… đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản đã trở thành biểu tượng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước như Nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Cầu Cần Thơ, Hầm đường bộ Hải Vân, Cảng Hải Phòng, Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy, các tuyến đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, các nhà máy điện ở khắp ba miền… Về đầu tư trực tiếp, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 2, với tổng vốn đăng ký tính đến tháng 4/2018, đạt 50,508 tỷ USD cho 3.725 dự án, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo… Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam và 70% trong số đó tiếp tục có ý định mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Về hợp tác thương mại, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại đạt 33,4 tỷ USD trong năm 2017, tăng gấp gần 2 lần so với 10 năm trước.

Tổng số người Việt Nam sang học tập, làm việc và sinh sống tại Nhật Bản đạt hơn 260.000 người, tăng gần 4 lần trong 5 năm gần đây, trở thành cộng đồng nước ngoài lớn thứ 5 tại Nhật Bản. Nhật Bản trở thành đối tác hợp tác du lịch thứ 3 của Việt Nam với gần 800.000 khách du lịch Nhật Bản thăm Việt Nam trong năm 2017. Số lượng khách du lịch Nhật Bản thăm Việt Nam và Việt Nam thăm Nhật Bản trong một năm đã vượt mức 1 triệu lượt khách, tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm năm 2013.

Hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, đào tạo không ngừng phát triển. Giao lưu nhân dân, hợp tác lao động và du học tăng trưởng vượt bậc, góp phần quan trọng vào thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường giao lưu hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Tổng số người Việt Nam sang học tập, làm việc và sinh sống tại Nhật Bản đạt hơn 260.000 người, tăng gần 4 lần trong 5 năm gần đây, trở thành cộng đồng nước ngoài lớn thứ 5 tại Nhật Bản. Nhật Bản trở thành đối tác hợp tác du lịch thứ 3 của Việt Nam với gần 800.000 khách du lịch Nhật Bản thăm Việt Nam trong năm 2017. Số lượng khách du lịch Nhật Bản thăm Việt Nam và Việt Nam thăm Nhật Bản trong một năm đã vượt mức 1 triệu lượt khách, tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm năm 2013. Các lễ hội thường niên như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam và Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam… là những sự kiện được đông đảo nhân dân hai nước mong chờ. Năm 2018, nhiều sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã và đang được tổ chức sẽ góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa nhân dân hai nước.

Hợp tác trên các lĩnh vực mới như nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường… cũng phát triển mạnh mẽ. Hợp tác giữa các địa phương ngày càng sôi động với 37 cặp địa phương hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác, là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa giao lưu, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa hai nước.

Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Đó là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của hai nước trong suốt những năm qua trên cơ sở sự tin cậy về chính trị và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước.

Đồng thời, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn bởi hai nước có sự tin cậy lẫn nhau và những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Với đà phát triển quan hệ hết sức tốt đẹp hiện nay, với nguyện vọng và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang đứng trước vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Hai nước sẽ cùng “nắm tay nhau” mở ra một thời kỳ phát triển mới rực rỡ hơn trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai dân tộc.