Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 nhấn mạnh, Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn nhưng mang lại nhiều cơ hội. |
Sáng 18/11, tại Nhà khách Chính phủ, đã diễn ra Họp báo về năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng – Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020.
Dự họp báo có ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng tiểu ban Vật chất – Hậu cần; ông Lê Quang Tùng – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng tiểu ban Tuyên truyền – Văn hóa; Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thường trực Tiểu ban An ninh – Y tế.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN theo luân phiên từ 1/1/2020. Chính vì vậy, “năm 2020 là năm có nhiều ý nghĩa với ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng”. Trong đó, đối với ASEAN là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Việt Nam cũng đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn nhưng mang lại nhiều cơ hội. Do vậy, Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây và phát huy những kinh nghiệm nhất định về phát triển kinh tế-xã hội, về tổ chức các hội nghị lớn như ASEAN 1998 và 2010, APEC 2017…
Trong họp báo, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã cho biết chủ đề năm ASEAN 2020 là:“Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Theo đó, với “Gắn kết”, Việt Nam mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Với “Chủ động thích ứng”, Việt Nam mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN để có thể thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…, đồng thời là nâng cao khả năng tận dụng các cơ hội và hạn chế những thách thức do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.
“‘Gắn kết’ và “thích ứng” là hai thành tố có tính giao thoa, bổ trợ chặt chẽ. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng hiệu quả để giúp ASEAN trở thành một khối gắn kết chặt chẽ”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động trong khuôn khổ ASEAN 2020. |
Cũng theo Thứ trưởng, với chủ đề này, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên, gồm: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; và Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững...
Thứ trưởng cho rằng, khối lượng công việc mà Việt Nam sẽ đảm nhiệm trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ rất nặng nề, cả về nội dung lẫn công tác tổ chức, lễ tân, tuyên truyền. Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là hai Hội nghị Cấp cao vào tháng 4 và tháng 11 (khoảng 20 đoàn), Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á vào tháng 8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (khoảng 30 đoàn), các Hội nghị Bộ trưởng của 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng phụ trách về Tội phạm xuyên, Kinh tế, Tài chính, Môi trường, Giao thông Vận tải… và nhiều hội nghị cấp Thứ trưởng và cấp làm việc để chuẩn bị nội dung cho các hội nghị trên.
Xác định được yêu cầu và nhiệm vụ trên, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 cho biết, Việt Nam đã khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ rất sớm với sự thành lập của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 vào tháng 12/2018.
Tại họp báo, Ban chủ tịch chủ trì họp báo đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến Năm ASEAN 2020.