Thủ tướng Angela Merkel nói, nước Đức đang đối diện với thách thức lớn nhất "kể từ Thế chiến thứ 2" do dịch Covid-19. (Nguồn: AP) |
Tây Ban Nha trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 21.510 ca nhiễm Covid-19, 1.093 ca tử vong. Số ca nhiễm bệnh tăng vọt, cùng số người chết vượt mốc 1.000 khiến Tây Ban Nha trở thành một trong 4 nước bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nhất thế giới. Chỉ trong vòng 7 ngày qua, số người chết ở Tây Ban Nha tăng gấp 4 lần.
Đức ghi nhận thêm 4.528 ca nhiễm và 24 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 19.848 và 68. Mặc dù là vùng dịch lớn thứ ba thế giới, tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ 0,3%. Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là Đức đã thực hiện xét nghiệm quy mô lớn, có nhiều giường chăm sóc đặc biệt (ICU) nhất châu Âu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe được nhà nước chi trả.
Trong một thông điệp hiếm hoi gửi tới toàn thể người dân Đức qua truyền hình tối 18/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói, nước Đức đang đối diện với thách thức lớn nhất "kể từ Thế chiến thứ 2" do dịch Covid-19.
"Chưa khi nào kể từ khi nước Đức thống nhất, thậm chí kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2, nước Đức phải đối mặt với một thách thức đòi hỏi sự đoàn kết của toàn bộ người dân" - bà Merkel nhận định. Thủ tướng Đức cũng bày tỏ: "Tôi thật sự tin rằng, chúng ta sẽ thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ phía trước, miễn là tất cả người dân của đất nước này hiểu được rằng đó cũng là nhiệm vụ của họ".
Châu Âu với tâm điểm Italy tiếp tục trải qua 24 giờ căng thẳng đối phó với Covid-19 khi "đất nước hình chiếc ủng" ghi nhận 627 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia Nam Âu này lên thành 4.032 ca.
Tỷ lệ tử vong ở Italy đang là 8,5%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu 4,1%, chủ yếu do Italy có dân số già nhất châu Âu. Gần 99% người chết có bệnh lý nền.
Còn tại Anh, số ca tử vong do Covid-19 đã tăng lên thành 177 ca, sau khi vùng England ghi nhận thêm 39 ca tử vong - mức tăng lớn nhất trong vòng một ngày. Bắc Ireland cũng đã ghi nhận thêm 9 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại đây lên 86 người.
Anh đã ghi nhận 3.983 ca nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, truyền thông Anh cũng đưa tin, bệnh viện Northwick Park tại Thủ đô London tuyên bố thiếu giường cho bệnh nhân cần được điều trị đặc biệt do số ca mắc Covid-19 tăng nhanh.
Nghị viện châu Âu cũng vừa thông báo về trường hợp nghị sĩ đầu tiên nhiễm bệnh Covid-19. Đó là nghị sĩ người Ba Lan Adam Jarubas, 45 tuổi, thành viên của nhóm đảng chính trị Nhân dân châu Âu (EPP) trong Nghị viện châu Âu. Ông đã tham dự phiên họp toàn thể của Nghị viện lần cuối vào ngày 9 và 10/3 tại Brussels, trước khi bay trở lại Ba Lan vào ngày hôm sau. Nghị viện châu Âu sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt vào tuần tới để thông qua các biện pháp khẩn cấp do Ủy ban châu Âu đề xuất về đại dịch Covid-19.
Chính phủ Thụy Sĩ đã tuyên bố lệnh cấm trên toàn quốc tụ tập hơn 5 người tại các không gian công cộng để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19 và gói tài chính trị giá 32 tỷ CHF (32,7 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế.
Bộ trưởng Nội vụ Alain Berset cho biết, lệnh cấm trên có hiệu lực vào nửa đêm 20/3 cho đến ngày 19/4. Mọi người vi phạm lệnh cấm phải đối mặt với mức phạt 100 CHF. Ông Berset cũng kêu gọi công dân giữ khoảng cách 2m. Chính phủ cũng đã ra lệnh đóng cửa các công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, nếu không tuân thủ các quy tắc y tế. Ngoài ra, quân đội được bổ sung triển khai hỗ trợ các cơ quan dân sự, các tổ chức tư nhân và khu vực công cộng để đối phó với cuộc khủng hoảng do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Ngày 20/3, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết, có tới 300.000 công dân EU đang tìm cách hồi hương trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, và giới chức đang gặp khó để có thể đưa những người bị kẹt tại khu vực Mỹ Latin và Đông Nam Á trở về.
Trong khi những nỗ lực để hồi hương các công dân châu Âu kẹt tại Bắc Phi tiến triển nhanh chóng thì EU lại đang gặp trở ngại ở một số quốc gia khác, một phần vì thiếu thông tin cụ thể về số lượng người châu Âu ở nước ngoài, bên cạnh đó việc này còn phụ thuộc vào các hãng hàng không thương mại.
Trả lời báo chí, ông Josep Borrell nói, EU đang điều phối các hoạt động để hồi hương hàng ngàn người châu Âu bị mắc kẹt tại nước ngoài. Thông tin từ các đại sứ quán cho biết, có khoảng 100.000 người đã đăng ký hồi hương, nhưng con số trên thực tế chắc chắn là lớn hơn, với ước tính có thể lên tới 300.000 trường hợp.
Số liệu cập nhật mới nhất của Worldometers, tính tới 8h30 ngày 21/3 (giờ Việt Nam), trên thế giới hiện có 275.741 trường hợp nhiễm Covid-19 và 11.397 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 91.912 người. Dịch bệnh đã lan rộng tới 163 nước và vùng lãnh thổ.
Theo cấp độ châu lục, châu Âu tiếp tục ghi nhận số bệnh nhân cao nhất với 122.707 trường hợp và 5.976 trường hợp tử vong. Các nước châu Á công bố 94.735 bệnh nhân và 3.432 người qua đời. Trung Đông ghi nhận 22.110 trường hợp nhiễm Covid-19 và 1.452 bệnh nhân tử vong. Tại Bắc Mỹ, Mỹ và Canada thông báo tổng cộng 14.927 người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 214 người không thể qua khỏi. Khu vực Mỹ Latin và Caribe xác nhận 2.633 trường hợp nhiễm bệnh và 25 ca tử vong. Các nước châu Đại dương báo cáo số liệu 917 ca nhiễm và 7 người qua đời. Châu Phi thông báo 907 bệnh nhân và 23 ca tử vong.
Pháp: Thêm 1.617 bệnh nhân và 78 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ TGVN. Tổng Cục trưởng y tế Jerome Salomon tối 20/3 xác nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do SARS-CoV-2 tại ... |
Quên dịch bệnh đi... đây là cách người dân châu Âu "đón nhận" đại dịch Covid-19 TGVN. Cổ vũ nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu, cùng nhau ca hát… là cách nhiều người dân châu Âu "đón nhận" ... |
Châu Âu với covid-19: Mới thấy, chưa thấm TGVN. Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã đưa ra được một vài biện pháp mạnh để bảo vệ khối và các nước thành ... |