Tối 14/11, Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Anh đã cùng công bố bản dự thảo chi tiết của thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU (gọi là Brexit). Văn bản này còn phải được lãnh đạo châu Âu và Nghị viện Anh phê chuẩn.
Dự thảo gồm 585 trang cùng một tuyên bố chính trị ngắn hơn về các kỳ vọng cho một mối quan hệ tương lai đã được hai bên công bố sau khi Chính phủ của Thủ tướng Theresa May nhất trí thông qua. Sau một cuộc họp kéo dài 5 giờ đồng hồ, Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức thông báo cho biết nội các của bà ủng hộ các nội dung của bản dự thảo thỏa thuận Brexit. Phát biểu sau khi Chính phủ Anh thông qua bản dự thảo thỏa thuận, Thủ tướng Theresa May tuyên bố đây là giai đoạn quyết định để các bên có thể tiến lên phía trước.
Điểm mới nhất và cũng là quan trọng nhất của thỏa thuận là vấn đề biên giới Bắc Ireland. (Nguồn: The Guardian) |
Tổng thể của dự thảo thoả thuận này liên quan đến một loạt các vấn đề từng gây tranh cãi nhưng đã được hai bên đồng ý từ nhiều tháng trước. Về hoá đơn chia tay, Vương quốc Anh dự kiến phải trả cho EU 45 tỷ Euro. Hàng triệu công dân Anh và công dân EU đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ của nhau sẽ tiếp tục được giữ nguyên quyền lợi như hiện tại, tiếp tục được hưởng trợ cấp và đoàn tụ gia đình. Toà tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến công dân EU sinh sống tại Anh.
Tiếp đến, Vương quốc Anh sẽ quá độ 21 tháng trong EU, từ ngày 1/4/2019 đến 31/12/2020. Thời hạn quá độ này có thể được gia hạn thêm, nhưng chỉ được một lần.
Điểm mới nhất, và cũng là quan trọng nhất, là vấn đề biên giới Bắc Ireland. Theo đó, để đảm bảo không tái lập lại biên giới cứng giữa vùng đất Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với nước CH Ireland thuộc EU thì hai bên đã đưa ra giải pháp là duy trì cả Vương quốc Anh, chứ không chỉ riêng Bắc Ireland, trong liên minh thuế quan châu Âu trong một thời gian quá độ.
Thời gian quá độ cụ thể chưa được nêu ra nhưng trên lý thuyết là sẽ kéo dài cho đến khi nào Anh và EU hoàn tất được một thoả thuận về quan hệ kinh tế tương lai giữa hai bên thời hậu Brexit. Tuy nhiên, trong thời gian quá độ này, Bắc Ireland ngoài việc phải tuân thủ các quy định của khối thị trường đơn nhất châu Âu thì sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn về các quy định của EU so với phần còn lại của Vương quốc Anh.
“Tôi biết trước mắt vẫn còn những ngày khó khăn nhưng với cương vị Thủ tướng Anh, tôi đã sẵn sàng để giải thích cho quyết định này, bắt đầu từ ngày mai trước Nghị viện. Chúng ta phải lựa chọn, hoặc là thoả thuận này, hoặc là không có bất cứ thoả thuận Brexit nào và tôi tin tưởng, bằng cả trí óc và trái tim mình, rằng đây là thoả thuận tốt nhất cho lợi ích của toàn thể Vương quốc Anh”, Thủ tướng Anh Theresa May nói.
Việc chính phủ Anh thông qua dự thảo thoả thuận Brexit là một thắng lợi chính trị quan trọng với bà Theresa May. Trước đó, trong tối 13/11, bà May đã gặp từng cá nhân Bộ trưởng trong Chính phủ Anh để thuyết phục các nhân vật này ủng hộ dự thảo thoả thuận.
Tuy nhiên, các thách thức thực sự sẽ đến với bà May trong những ngày tới, với cuộc chiến tại Nghị viện Anh. Ngay sau khi Chính phủ Anh thông báo thông qua dự thảo thoả thuận Brexit, các lãnh đạo của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland - DUP và đảng Dân tộc Scotland (SNP) đã lên tiếng phản đối.