Đại sứ Việt Nam tại Morocco Đặng Thị Thu Hà. |
Năm nay, hai nước kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (27/3/1961-27/3/2021) trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi đại dịch Covid-19, Morocco và Việt Nam đã trở thành những điểm sáng trong khu vực với những biện pháp quyết liệt trong kiểm soát dịch bệnh, song hành với duy trì sự ổn định của nền kinh tế.
Gắn kết chặt chẽ và hợp tác hiệu quả
Việt Nam và Morocco là hai quốc gia tuy ở hai châu lục khác nhau nhưng lại có nhiều nét tương đồng, có vị trí địa chính trị quan trọng, nền văn hóa lâu đời, là những quốc gia năng động và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1961 nhưng từ lâu đã có sự gắn kết sâu sắc.
Từ những năm 1940 đã có một số người Việt là thủy thủ tàu viễn dương, người làm nghề tự do… đến làm việc rồi ở lại Morocco, trong đó có kiến trúc sư Eric Võ Toàn (1924-2004), người đã thiết kế khu lăng mộ Vua Mohamed V và nhiều công trình lớn khác ở Morocco.
Trong khoảng thời gian 1945-1954, không ít người lính Morocco trong quân đội viễn chinh Pháp, với sự đồng cảm của một dân tộc bị áp bức, lòng yêu chuộng hòa bình, đã rời bỏ hàng ngũ để gia nhập quân đội Việt Minh, sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân, cùng lao động sản xuất rồi kết hôn với những phụ nữ Việt Nam.
Những gia đình Việt Nam-Morocco dù đã trở về quê nội ở Bắc Phi vào những năm 1970 nhưng vẫn luôn trân trọng, gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam cho đến ngày nay mà ngôi làng Việt Nam ở ngoại ô Kénitra là một ví dụ sinh động. Những gia đình hữu nghị đó, đến nay đã đến thế hệ thứ ba, thứ tư; hình thành một cộng đồng người Việt tại Morocco cần cù chịu khó, được người dân bản địa yêu mến, là nhịp cầu nhân văn kết nối hai quốc gia.
Không chỉ được gợi nhớ bằng những ký ức chung đáng trân trọng, tình cảm hữu nghị, sự gắn bó giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam-Morocco ngày nay được củng cố, phát huy trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại đến giáo dục, nông nghiệp…
Trao đổi đoàn diễn ra tích cực ở các cấp, nổi bật là chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Morocco năm 2004 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Morocco Abbas El Fassi năm 2008, từ đó mở ra nhiều hiệp định, thỏa thuận và các hoạt động hợp tác giữa hai nước sau này.
Chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2017 của Chủ tịch Hạ viện Morocco Habib El Malki và chuyến thăm Morocco tháng 3/2019 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tạo những dấu ấn quan trọng, không chỉ tăng cường sự gắn kết giữa hai cơ quan lập pháp, mà còn thúc đẩy hợp tác song phương hiệu quả, thực chất trên nhiều lĩnh vực.
Morocco là quốc gia châu Phi duy nhất Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội. Năm 2020, tại Đại hội đồng AIPA 41 do Việt Nam chủ trì, Hạ viện Morocco đã trở thành quan sát viên của AIPA. Ngoại giao đảng, ngoại giao nhân dân cũng được thúc đẩy với chuyến thăm Morocco năm 2019 của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; chuyến thăm Việt Nam năm 2017 của Cao ủy Những người kháng chiến và cựu binh Morocco, Chủ tịch Hội Hữu nghị Morocco-Việt Nam Mustafa El Ktiri.
Những chuyến thăm đó, cùng với các cơ chế hợp tác song phương như ủy ban hỗn hợp (4 kỳ), tham vấn chính trị (5 kỳ)… đã và đang mang lại những thành tựu hợp tác trên mọi mặt giữa Việt Nam và Morocco.
Hai nước đã ký Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và hộ chiếu đặc biệt, Hiệp định Thương mại, Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và nhiều thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thủy sản, nông nghiệp, hàng hải…
Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Morocco đều tham gia nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế, thường xuyên phối hợp lập trường và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Morocco đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Chấp hành UNESCO và nhiều diễn đàn khác. Bên cạnh đó, là các thành viên tích cực của Tổ chức Pháp ngữ Francophonie, Việt Nam và Morocco có nhiều hoạt động hợp tác, thúc đẩy chương trình nghị sự có ý nghĩa trong khuôn khổ diễn đàn này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Morocco Habib El Malki ngày 28/3/2019. |
Về hợp tác kinh tế, thương mại, mặc dù giá trị tuyệt đối chưa cao nhưng Morocco là một trong những đối tác thương mại quàn trọng của Việt Nam tại châu Phi, với kim ngạch trao đổi thương mại song phương tăng trưởng liên tục ở mức 12-13%/năm và đạt xấp xỉ 220 triệu USD vào năm 2019. Có thời điểm Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai trong khu vực ASEAN của Morocco.
Năm 2020, trao đổi thương mại giữa hai nước phần nào bị chững lại do tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng hai bên vẫn tích cực phối hợp, tìm ra những giải pháp, cách làm sáng tạo nhằm thúc đẩy hợp tác trong tình hình mới. Nhiều hội thảo, tọa đàm trực tuyến nhằm xúc tiến thương mại, giới thiệu thị trường được tổ chức cho doanh nghiệp hai bên.
Trong các lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, văn hóa và hợp tác địa phương, hai bên cũng có những thành quả nhất định. Hằng năm, Morocco và Việt Nam dành một số suất học bổng cho sinh viên hai nước sang học đại học, thạc sỹ và nghiên cứu sinh. Giữa Đại học Mohamed V của Morocco và Đại học Quốc gia Hà Nội đã có một số hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu.
Song song với đó, môn Võ cổ truyền Việt Nam được yêu thích và thực hành rộng rãi với hơn 20 trường dạy Võ cổ truyền Việt Nam tại Morocco, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam thế giới cũng đã cử đại diện tại đây.
Ở Ba Vì, Việt Nam cũng có Cổng Morocco do các cựu binh Morocco xây dựng từ năm 1963, từng được đón Thủ tướng Morocco Abbas El Fassi đến thăm năm 2008 và được Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco cùng UBND Hà Nội trùng tu lại năm 2018.
"Người dân Morocco luôn có sự ngưỡng mộ, đánh giá cao nhân dân Việt Nam không chỉ lịch sử hào hùng mà còn là những thành tựu đạt được hiện nay, cũng như cách mà người Việt Nam nỗ lực để đạt được thành tựu đó..." (Thủ tướng Morocco Saadeddine Othmani) |
Về hợp tác địa phương, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác giữa Đà Nẵng-Tanger, đang hướng tới việc xây dựng quan hệ kết nghĩa giữa Thành phố Hồ Chí Minh-Casablanca và Nha Trang-Agadir cũng như xem xét khả năng bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Morocco tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Triển vọng hợp tác tương lai
Những thành quả hợp tác giữa Việt Nam-Morocco trong thời gian qua là rất lớn nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa.
Bên cạnh sự gắn kết lịch sử và nền tảng hợp tác sẵn có, những tương đồng về vị trí địa-chính trị và định hướng phát triển cũng là tiền đề vững chắc để hai nước tiến tới hợp tác sâu rộng, mạnh mẽ và toàn diện hơn.
Việt Nam là điểm sáng tại Đông Nam Á với tình hình chính trị, xã hội ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được tăng cường. Có thể nói, Việt Nam là đối tác tiềm năng, là cửa ngõ để Morocco tiếp cận khu vực Đông Nam Á.
Tương tự, là một trong những quốc gia có nền an ninh chính trị và xã hội ổn định vào bậc nhất của châu Phi, với vị trí địa lý thuận lợi, Morocco có thể trở thành cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường các nước châu Phi, đặc biệt kể từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do châu Phi được ký kết và có hiệu lực (1/1/2021) với 54/55 quốc gia châu Phi tham gia.
Cổng Morocco tại Ba Vì. |
Về định hướng phát triển, sau giai đoạn đấu tranh giành độc lập, tự do, hiện cả hai nước đều đang nỗ lực mở cửa, hội nhập năng động, tham gia nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế. Những điểm tương đồng này sẽ là đòn bẩy để hai nước đẩy mạnh hợp tác, đưa những hợp tác phát triển tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai bên.
Với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác đa phương, quan hệ giữa hai nước sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị-ngoại giao gắn bó, tin cậy tiếp tục là nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Morocco phát triển trên mọi mặt. Việc tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, các ngành, các địa phương sẽ là những biện pháp hiệu quả để tận dụng và đẩy nhanh hơn nữa những cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Về kinh tế - thương mại, hai nước sẽ tận dụng tính bổ sung trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của mình, khai thác thế mạnh và chính sách thu hút, hỗ trợ của mỗi bên để nâng cao hiệu quả hợp tác.
"Quan hệ chính trị hai nước phát triển tốt đẹp, tuy nhiên kinh tế - thương mại song phương hiện chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước- thương mại hai chiều đạt 212,7 triệu USD năm 2018. Việt Nam là thị trường với khoảng 90 triệu dân, sẵn sàng là cửa ngõ để Morocco bước vào thị trường ASEAN" (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân) |
Với nền giáo dục đại học tương đối phát triển, các ngành học đa dạng, chất lượng, chi phí hợp lý đối với sinh viên nước ngoài, Morocco và Việt Nam là đối tác giáo dục đầy hứa hẹn của nhau. Tăng cường thông tin, phổ biến về nền giáo dục-đào tạo, cũng như hoạt động hợp tác nghiên cứu, trao đổi sinh viên giữa các trường Đại học sẽ góp phần đưa hợp tác giáo dục giữa hai nước lên một bước mới.
Với nền văn hóa đặc sắc, lâu đời, mang nhiều nét đặc trưng của mỗi khu vực, hai nước cũng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong lĩnh vực giao lưu văn hóa, du lịch, hướng tới đưa Việt Nam và Morocco trở thành cửa ngõ chào đón khách du lịch từ hai châu lục.
Bên cạnh đó, tình cảm chân thành, gắn bó tin cậy của nhân dân hai nước, cùng vai trò cầu nối của cộng đồng người Việt tại Morocco, Hội Hữu nghị Morocco-Việt Nam đã có và Hội Hữu nghị Việt Nam-Morocco sắp được thành lập, cũng sẽ là những nhân tố tích cực thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp này.
Nhìn lại những dấu ấn trong sáu thập kỷ qua, chúng ta vui mừng vì sự phát triển trong quan hệ Việt Nam - Morocco. Với những nỗ lực, quyết tâm của hai bên, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng hai nước sẽ cùng nhau xây dựng những “công trình” kiến tạo có ý nghĩa trong mọi lĩnh vực, để lại nhiều di sản lịch sử phong phú trong mối quan hệ ngày một tốt đẹp Việt Nam-Morocco.