Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ngày 28/8/1945, Bộ Ngoại giao được thành lập cùng sự ra đời của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.
Suốt 77 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu nhưng quật cường của dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam không ngừng phát triển toàn diện, vững mạnh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc
Dưới sự lãnh đạo và rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao là một mặt trận chiến lược trong hai cuộc kháng chiến và kiến quốc. Với những quyết sách mưu lược và khôn khéo, ngoại giao đã góp phần quan trọng bảo vệ chính quyền cách mạng và nhân dân sau Cách mạng tháng Tám.
Cùng các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá..., “vừa đánh, vừa đàm”, “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với bất cứ một ai”, mặt trận ngoại giao đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các lực lượng tiến bộ và nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân ta, tạo nên những thắng lợi làm rạng rỡ lịch sử dân tộc, từ đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 đến Hiệp định Paris năm 1973. Sau khi đất nước thống nhất, ngoại giao là mặt trận tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bị bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, mở ra cục diện mới cho phát triển đất nước.
Trong hơn 35 năm đổi mới, kế thừa và vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ngoại giao cùng các trụ cột, binh chủng đối ngoại đã đi đầu tạo dựng, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế quốc gia.
Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng…
Với mạng lưới quan hệ đối ngoại rộng mở và ngày càng sâu sắc, môi trường hòa bình, ổn định và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ngày càng củng cố vững chắc; đồng thời, mở ra nhiều thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ nhiều nguồn vốn, công nghệ và tri thức bên ngoài phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, ngoại giao y tế và ngoại giao vaccine đã đóng góp quan trọng vào thực hiện thành công chiến lược vaccine, tạo tiền đề tiên quyết để nước ta chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và vươn lên sau đại dịch.
Việc nước ta đảm nhận nhiều trọng trách quốc tế như Chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, cùng với ứng xử đúng đắn, có lý, có tình tại nhiều diễn đàn đa phương đã khẳng định và nâng cao hình ảnh, uy tín nước Việt Nam độc lập, tự chủ, đổi mới, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tin cậy, chân thành và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đã góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài góp phần củng cố đại đoàn kết dân tộc, huy động nhiều nguồn lực của kiều bào cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt bảo hộ công dân ta ở nước ngoài, nhất là khi xảy ra xung đột, chiến tranh, dịch bệnh trên thế giới.
Những thành tựu nói trên là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các trụ cột, binh chủng đối ngoại, các ngành, các cấp. Những thành quả đó cũng là kết tinh truyền thống vẻ vang của đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, nỗ lực phấn đấu và cống hiến bền bỉ của các thế hệ cán bộ ngành ngoại giao. Chính sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã tôi luyện ngành ngoại giao ngày càng trưởng thành và phát triển, tạo nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh.
Xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Dưới ánh sáng đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, đối ngoại nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, gắn với thực hiện chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân”.
Là lực lượng chủ lực trên mặt trận đối ngoại của đất nước, ngành ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn với đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhân dân, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội để triển khai đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại.
Trong đó, trọng tâm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đi đôi với kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, không ngừng đổi mới, sáng tạo tìm cách làm mới, hướng đi mới, lĩnh vực mới để mở rộng thị trường, huy động các nguồn lực bên ngoài cho thực hiện khát vọng, tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước; phát huy vai trò Việt Nam tại các cơ chế đa phương quan trọng để nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Trước đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần xây dựng ngành ngoại giao trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc, “một nhà ngoại giao, một nhà hoạt động đối ngoại giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi”, điều cốt yếu là cần xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, tận tâm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vững vàng, mưu lược, có phong cách chuyên nghiệp, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Muốn vậy, cần tăng cường hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao cả về bản lĩnh chính trị lẫn trình độ, năng lực.
Nhìn lại chặng đường 77 năm qua, các thế hệ cán bộ ngoại giao tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập và để lại cho nền ngoại giao nước ta một di sản tư tưởng ngoại giao đặc sắc và vô giá. Học tập, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao của Người và phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Mời độc giả tham khảo bản dịch tiếng Anh giới thiệu bài viết tại đây.