Hội nghị Paris 1973 là minh chứng rõ nét cho bản sắc ‘kiên quyết, kiên trì, vừa đánh vừa đàm’ của nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu) |
Là một nước nhỏ, lại không có nguồn lực lớn mạnh về quốc phòng song xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam thường xuyên phải đương đầu với các lực lượng hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Trong bối cảnh đó, các bậc ông cha cần phải biết kiên trì nhưng kiên quyết để giành thắng lợi từng bước. Vì thế, “kiên quyết, kiên trì, vừa đánh vừa đàm” đã trở thành một bản sắc truyền thống, nổi bật của ngoại giao Việt Nam.
Nội hàm
Về nội hàm, kiên trì có thể hiểu là trạng thái bền bỉ, không chịu từ bỏ bất chấp khó khăn, trở lực. Kiên quyết chỉ thái độ cứng rắn, quyết tâm thực hiện mục tiêu đã định.
Mỗi khi xuất hiện trong văn kiện Đại hội Đảng, cụm từ “kiên quyết, kiên trì” luôn được đặt cùng một dấu phẩy, hàm súc ý nghĩa chỉ rõ định hướng chỉ đạo cho từng trường hợp cụ thể. Về mức độ, chúng ta phải “kiên quyết”. Về thời gian, chúng ta phải “kiên trì”. Cả hai phải cùng song hành, liên tục, ứng phối kết hợp, vững vàng trước thách thức, “vừa đánh vừa đàm” và “từng bước tiến tới thắng lợi cuối cùng”.
Nhìn theo dòng lịch sử, khi đứng trước nhiều đối thủ mạnh hơn về mọi mặt, các bậc ông cha luôn lấy dân làm gốc để xây dựng lực lượng, củng cố uy thanh. Trên cơ sở đó, Việt Nam luôn kiên trì đấu tranh từng bước bằng cả quân sự, chính trị để giành độc lập và kiên quyết đấu tranh ngoại giao để bảo vệ nền độc lập ấy. Nhờ đó, đất nước vừa có thể tránh chiến tranh liên miên, “quốc thái dân an”, vừa giữ thể diện cho “nước lớn” để duy trì mối quan hệ giao hảo, phòng ngừa chiến tranh báo thù.
Về mức độ, chúng ta phải “kiên quyết”. Về thời gian, chúng ta phải “kiên trì”. Cả hai phải cùng song hành, liên tục, ứng phối kết hợp, vững vàng trước thách thức, “vừa đánh vừa đàm” và “từng bước tiến tới thắng lợi cuối cùng”. |
Trong lịch sử dựng nước, giữ nước (thời Hùng Vương - năm 1930)
Việc vận dụng sách lược “kiên trì, kiên quyết, vừa đánh vừa đàm” được thể hiện rõ qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử. Từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng tới chiến thắng Bạch Đằng, ngọn cờ đấu tranh chống giặc ngoại xâm vẫn kiên trì đứng vững trong hơn 1000 năm Bắc thuộc. Bất chấp nỗ lực đồng hoá từ triều đại phương Bắc, ông cha ta luôn kiên quyết chống đô hộ, nỗ lực khôi phục chủ quyền đất nước để từng bước tiến tới thắng lợi cuối cùng.
Năm 981, sau khi đánh bại quân Tống và giành chiến thắng cuối cùng tại sông Bạch Đằng, vua Lê Đại Hành vẫn kiên trì triển khai ngoại giao, nối lại quan hệ giao hảo, cử sứ giả sang thông hiếu, xin kinh phật, và đặt quan hệ buôn bán với nhà Tống… Mặt khác, ông vẫn kiên quyết lập trường trong vấn đề trao trả tù binh, lấy đó làm điều kiện buộc nhà Tống phải từ bỏ hoàn toàn ý định phục thù nhà Tiền Lê.
Trận Như Nguyệt năm 1079 là lần đầu tiên của Việt Nam kết thúc bằng thắng lợi hòa đàm, thông qua triển khai “dùng biện sĩ bàn hoà, không nhọc tướng tá, khỏi tốn máu xương mà lại bảo toàn được tông miếu.” Sách lược “vừa đánh vừa đàm” cũng được áp dụng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Chỉ bằng một bức thư gửi cho Mộc Thạnh, Nguyễn Trãi đã kìm chân 5 vạn viện binh của nhà Minh ở biên giới phía Bắc, từ đó kết thúc sớm chiến tranh bằng thương lượng.
Như vậy, thông qua sách lược ngoại giao “kiên trì, kiên quyết, vừa đánh vừa đàm”, các bậc ông cha đã từng bước xây dựng được sức mạnh tổng hợp, “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của sách lược ”vừa đánh vừa đàm” của nền ngoại giao hiện đại ở giai đoạn sau này.
Trận Như Nguyệt năm 1079 là lần đầu tiên Việt Nam kết thúc bằng thắng lợi hòa đàm. (Ảnh: Sưu tầm) |
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân (1930-1986)
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954) và Mỹ (1954-1975), bản sắc ngoại giao “kiên quyết, kiên trì, vừa đánh vừa đàm” đã đạt tới đỉnh cao trên cả phương diện chiến lược và sách lược.
Ở thời kỳ này, nhiệm vụ của công tác đối ngoại là vừa bảo vệ chính quyền non trẻ, vừa chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc xâm lược. Bên cạnh đó, trước chênh lệch về tương quan lực lượng giữa Việt Nam với các đối thủ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương “vừa đánh vừa đàm”, “giành thắng lợi từng bước” với mục tiêu chuyển hóa lực lượng, tạo thế và lực mới để đối chọi với các nước xâm lược.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp đã phải ký Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Chiến thắng của chính quyền Việt Minh non trẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa toàn thế giới trên hành trình giành lại độc lập, tự do cho dân tộc mình.
Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định rằng đây chưa phải thời điểm phù hợp để đàm phán với chính quyền Mỹ. Do đó, nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán, Người đã chủ trương “giành thắng lợi từng bước” thông qua vận động quốc tế. Sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới đã từng bước chuyển hóa thành áp lực, buộc giới chức Mỹ nhượng bộ.
Tháng 5/1968, Mỹ đã phải đàm phán với Việt Nam tại Paris. Đây là cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của đất nước, với tổng cộng 202 phiên họp công khai và 24 cuộc gặp riêng trong 5 năm. Kết quả của sự kiên trì này là Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” (7/1/1973), tạo tiền đề quan trọng cho tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954) và Mỹ (1954-1975), bản sắc ngoại giao “kiên quyết, kiên trì, vừa đánh vừa đàm” đã đạt tới đỉnh cao trên cả phương diện chiến lược và sách lược. |
Trong giai đoạn Đổi mới (1986 - nay)
Chiến tranh kết thúc, tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế khủng hoảng trầm trọng. Giai đoạn này, nhiệm vụ trọng yếu của công tác đối ngoại là phá thế bao vây cấm vận, đưa đất nước từng bước ra khủng hoảng. Yêu cầu cấp bách của lịch sử đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược đối ngoại khéo léo, với phương châm “kiên quyết, kiên trì, vừa đánh vừa đàm” tiếp tục được vận dụng thành công.
Trước hết, sự “kiên quyết, kiên trì” được thể hiện rõ trong nỗ lực của Việt Nam nhằm bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Bất chấp những khó khăn và vướng mắc trong quan hệ giữa hai quốc gia từng ở bên kia chiến tuyến, Việt Nam đã chủ động thiết lập các kênh đối thoại, nỗ lực “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Sự chủ động và kiên trì này đã giúp hai bên chính thức bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Phương châm “kiên quyết, kiên trì” cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cải thiện quan hệ của Việt Nam với láng giềng và khu vực. Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1990 và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), từng bước phá thế bao vây cấm vận và hội nhập với thế giới.
Từ năm 1997 tới nay, mặc dù không còn trong chiến tranh song Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức mới, trong đó vấn đề Biển Đông đặt ra bài toán lớn, đòi hòi Đảng và Nhà nước duy trì một sách lược ngoại giao đúng đắn. Trong cuộc tranh chấp này, Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi các biện hòa bình, dựa trên căn cứ pháp lý, bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế. Phương châm “vừa đánh vừa đàm” thể hiện rõ nét khi song song với đàm phán, lực lượng vũ trang Việt Nam vẫn ngày đêm bám biển, sẵn sàng các phương án bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi các biện hòa bình, dựa trên căn cứ pháp lý, bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông - Ảnh: Khai mạc Hội thảo quốc tế về Biển Đông ‘Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn’, tháng 11/2021. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong phương hướng đối ngoại hiện nay
Tiếp nối truyền thống kinh nghiệm lịch sử của đất nước, Đảng đã đúc kết, nâng tầm và hệ thống hoá lý luận về “kiên quyết, kiên trì” trong công tác đối ngoại hiện nay.
Văn kiện Đại hội Đảng XII lần đầu tiên đề cập rõ ràng nội hàm trên: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa".
Văn kiện Đại hội Đảng XIII cũng nhấn mạnh trong nội dung về chính sách đối ngoại như sau: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị”.
Có thể nói, những thắng lợi vĩ đại của ông cha xuyên suốt chiều dài lịch sử là minh chứng rõ nét cho bản sắc “kiên quyết, kiên trì, vừa đánh vừa đàm” của ngoại giao Việt Nam.
Ngày nay, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra nhiều cơ hội, song cùng với đó là muôn vàn thách thức và hàng loạt nhiệm vụ đối ngoại quan trọng. Trong bối cảnh đó, nền ngoại giao Việt Nam hiện đại cần tiếp tục vận dụng linh hoạt phương châm “kiên quyết, kiên trì, vừa đánh vừa đàm” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghiên cứu, vận dụng thuần thục đường lối này sẽ là cơ sở quan trọng cho để các cán bộ ngoại giao tìm kiếm, triển khai các giải pháp thực tế, hiệu quả trước các nhiệm vụ mới. Từ đó, công tác đối ngoại giai đoạn hội nhập có thể tiếp tục củng cố, phát huy đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
(*) Nguyễn Thị Phương Anh, Mai Thảo Chi, Nguyễn Hải Hương Linh, Nguyễn Thị Thảo Ngân, Nguyễn Tô Tâm An, Nguyễn Hải Đăng.
| Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - điểm nhấn quan trọng của công tác Ngoại giao văn hóa Sự kiện “Hồ Chí Minh: Con người vì hoà bình, danh nhân văn hoá kiệt xuất” tại trụ sở UNESCO, Paris, Pháp là môt hoạt ... |
| Lễ kỷ niệm 35 năm tổ chức UNESCO thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh Ngày 11/10, tại trụ sở của UNESCO ở thủ đô Paris (Pháp), Phái đoàn Việt Nam tại UNESCO và Đại sứ quán Việt Nam tại ... |
| Việt Nam tham dự Khoá họp lần thứ 215 của Hội đồng Chấp hành của UNESCO Trưởng đoàn Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam luôn tham gia tích cực cùng các ... |
| Ngoại giao hòa hiếu, hữu nghị trong phát triển đất nước (kỳ cuối) Trong hơn 30 năm Đổi mới, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị tiếp tục là tư tưởng nổi bật của ngoại giao Việt Nam, đóng ... |
| Ngoại giao hoà mục, hòa hiếu trong dựng nước và giữ nước (kỳ 1) Hòa mục, hòa hiếu luôn là một bản sắc xuyên suốt trong các hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ thời đại phong kiến ... |