Ngoại giao Việt Nam một lòng vì lợi ích quốc gia - dân tộc

Nhóm tác giả (*)
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua vô vàn khó khăn, thử thách, ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước, một lòng phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Theo dõi Baoquocte.vn trên
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc. (Ảnh: Tuấn Anh)
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, đối mặt nhiều khó khăn, thử thách, song nền ngoại giao Việt Nam vẫn sát cánh cùng đất nước, một lòng phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc. Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn công tác đối ngoại “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua vô vàn khó khăn, thử thách, ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước, một lòng phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Từ ngày đầu trong lịch sử dựng nước, giữ nước, Việt Nam sớm đã có các hoạt động ngoại giao và chủ động trong thiết lập các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các dân tộc khác. Quan trọng hơn, xuyên suốt hành trình ấy, dù ở những thời khắc khó khăn nhất, ngành Ngoại giao Việt Nam luôn một lòng vì đất nước, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Ngày nay, mục tiêu ấy tiếp tục là kim chỉ nam, hòn đá tảng, nguyên tắc tối thượng trong triển khai hoạt động đối ngoại và là “cái bất biến” giữa vạn biến của thời cuộc.

Vậy ngoại giao Việt Nam phục vụ cho lợi ích quốc gia - dân tộc như thế nào? Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, dù ở thời kỳ nào, ngoại giao đều hướng tới phục vụ ba mục tiêu an ninh, phát triển và vị thế để hiện thực hóa lợi ích quốc gia dân tộc, cụ thể là: (i) Về an ninh, ngoại giao bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ an ninh trật tự xã hội trong nước. (ii) Về phát triển, ngoại giao hướng tới tận dụng các nguồn lực bên ngoài để phục vụ “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. (iii) Về vị thế, ngoại giao giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của các quốc gia, từ đó nâng cao vị thế và uy tín mảnh đất hình chữ S trên trường quốc tế.

Song tùy từng thời kỳ mà ngoại giao Việt Nam phải đối mặt với những thách thức riêng. Chính vì vậy, nền ngoại giao cần nhìn nhận rõ tình hình, xác định thứ tự ưu tiên để tập trung nguồn lực, giải quyết khó khăn trong từng mục tiêu, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử Việt Nam, nền ngoại giao đã chứng minh được vai trò then chốt, thể hiện rõ nét qua các ví dụ cụ thể ở từng thời kỳ sau.

Dù ở những thời khắc khó khăn nhất, ngành Ngoại giao Việt Nam vẫn một lòng vì đất nước, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Ngày nay, mục tiêu ấy tiếp tục là kim chỉ nam, hòn đá tảng, nguyên tắc tối thượng trong mọi hoạt động đối ngoại và “cái bất biến” giữa vạn biến của thời cuộc.

Kiên quyết, kiên trì giữ từng tấc đất, ngọn cỏ

Trong suốt thời kỳ phong kiến, Việt Nam luôn phải đối mặt với “thù trong, giặc ngoài”. Khi đó, lợi ích an ninh đóng vai trò cốt lõi, với độc lập dân tộc và chủ quyền và đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi là mục tiêu sống còn. Ngoại giao hướng tới giữ vững từng tấc đất, từng ngọn cỏ với tinh thần “chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh”.

Giai đoạn này, ngoại giao Việt Nam luôn kiên định với nguyên tắc về độc lập, tự chủ, song cũng hết sức mềm dẻo về sách lược, đặc biệt trong cư xử với láng giềng. Với các triều đại phong kiến Trung Quốc, một mặt các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn chấp nhận xưng thần, triều cống, song mặt khác, vẫn cương quyết bảo vệ biên giới lãnh thổ và nêu cao tinh thần độc lập dân tộc. Bản “tuyên ngôn độc lập đầu tiên”, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt hay lời dặn dò quan trấn thủ biên giới của vua Lê Thánh Tông, nói “một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ?” thể hiện rõ tinh thần này.

Ngoài ra, trước các thế lực bên ngoài, ngoại giao Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì vừa đánh vừa đàm, biết tận dụng thời cơ nhằm mở rộng lãnh thổ đất nước. Sau khi đánh bại quân Tống (1076-1077), vua Lý Nhân Tông đã cử đoàn sứ giả sang Trung Quốc yêu cầu trả lại vùng đất Quảng Nguyên (nay thuộc tỉnh Cao Bằng). Sau 4 năm đàm phán dai dẳng, nhà Lý đã thành công và hoàn thành việc phân chia biên giới giữa hai bên vào năm 1084.

Bên cạnh đó, nền ngoại giao Việt Nam luôn vượt lên hoàn cảnh để phụng sự phát triển với nhiều tấm gương luôn tích cực học hỏi các kỹ năng trong trao đổi sứ thần như danh sĩ Lương Như Hộc, tiến sĩ Lê Công Hành, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Đồng thời, không ít danh sĩ nêu cao tinh thần bất khuất, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ hình ảnh đất nước như Chánh sứ Giang Văn Minh trong chuyến đi sứ nhà Minh năm 1637.

Đồng hành, góp sức vì thắng lợi cuối cùng

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử đất nước, bước vào thế kỷ XX, truyền thống ấy không những mất đi, thậm chí còn được kế thừa và phát triển rực rỡ tới ngày nay.

Ngay từ ngày đầu, ngành Ngoại giao Việt Nam hiện đại đã đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là kim chỉ nam cho công tác đối ngoại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao đã có đóng góp quan trọng trong bảo vệ chính quyền và nhân dân sau Cách mạng tháng Tám.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, đã có nhiều sách lược khôn khéo trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” để phân hóa kẻ thù, tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng để giữ vững chính quyền và đối phó quân Pháp ở miền Nam.

Như vậy, với sự mềm dẻo trong sách lược, cứng rắn trên nguyên tắc, ngoại giao đã trở thành vũ khí sắc bén góp phần giữ vững thành quả cách mạng, bảo toàn chính quyền nhân dân, đồng thời phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Trong những năm này, ngoại giao đã đi đầu trong việc vận động các nước công nhận nền hòa bình và độc lập của nước ta.

Bước vào hai cuộc kháng chiến, nền ngoại giao Việt Nam, dù non trẻ và đối đầu vô vàn khó khăn, thách thức, vẫn luôn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, triển khai thế vừa đánh vừa đàm để đưa kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.

Nỗ lực xây dựng mặt trận dư luận quốc tế, tăng cường ủng hộ của thế giới với với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, cũng như thúc đẩy kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của ngành Ngoại giao đã góp phần dẫn đến Hiệp định Geneva (1954) và Hiệp định Paris (1973), đánh dấu những mốc son quan trọng trong chặng đường giành độc lập và thống nhất đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973.
Ngành Ngoại giao đã có đóng góp quan trọng dẫn đến Hiệp định Geneva (1954) và Hiệp định Paris (1975) - Ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973. (Nguồn: Tư liệu)

Phá vây, xây dựng đất nước sau thời kỳ Đổi mới

Sau Đổi mới, cục diện thế giới có những thay đổi bước ngoặt và sâu sắc. Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh dần khép lại, tư tưởng về ý thức hệ chấm dứt, mở ra xu thế mới về hợp tác, hòa bình và phát triển trên thế giới. Trong nước, Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế, thách thức từ vấn đề Campuchia cũng như chính sách bao vây cấm vận của một số quốc gia. Ngành Ngoại giao giai đoạn này phải đối mặt vô vàn khó khăn và thử thách.

Trước bối cảnh đó, tại Đại hội VI (1986), Đảng đã đề ra chủ trương đổi mới toàn diện, bắt đầu hình thành đường lối đối ngoại thời kỳ mới, chuyển từ đối đầu sang cùng tồn tại hòa bình với các quốc gia, nhiệm vụ hàng đầu là “tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Từ đó, ngoại giao đã từng bước làm thất bại chính sách bao vây, cấm vận, bắt đầu bằng việc nỗ lực vận động làm “tan băng” và thiết lập quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc (1991), Mỹ (1995), đồng thời triển khai quá trình gia nhập các tổ chức quốc tế quan trọng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007…

Từ chỗ bị bao vây cấm vận về kinh tế và cô lập về chính trị - ngoại giao, Việt Nam hiện đã có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới 17 Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) với khoảng 60 đối tác. Hiện nay, đối ngoại Việt Nam đang tích cực đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, tiếp tục thúc đẩy hòa bình, hợp tác và hữu nghị với các nước.

Ngoài ra, đối ngoại cũng góp phần thay đổi vị thế và uy tín đất nước trên trường quốc tế. Việt Nam đã và đang dần đóng vai trò nòng cốt, có trách nhiệm tại các diễn đàn, tổ chức đa phương quan trọng với sự phát triển của đất nước như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Kinh tế Á-Âu (ASEM), ASEAN, Liên hợp quốc...

Trong bối cảnh hòa bình hợp tác, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vẫn là xu thế lớn, đối ngoại trở thành lực lượng tiên phong, đi trước mở đường, với ví dụ gần đây và rõ nét nhất trong đại dịch Covid-19 với chiến dịch ngoại giao vaccine.

Ngành Ngoại giao đã tận dụng tối đa các mối quan hệ song phương và đa phương, liên kết với nhiều tổ chức quốc tế, cơ chế COVAX của Liên hợp quốc để tiếp cận các nguồn vaccine sớm nhất có thể. Những nỗ lực này góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng toàn quốc, đảm bảo mạng sống cho hàng triệu người dân và sớm đưa đất nước tiến vào trạng thái bình thường mới.

Việt Nam tiếp nhận thêm 2.558.000 liều vaccine Covid-19 do Đức hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX
Chiến dịch ngoại giao vaccine đã góp phần đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine tại Việt Nam trong đại dịch Covid-19 - Ảnh: Việt Nam tiếp nhận thêm 2.558.000 liều vaccine Covid-19 do Đức hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX. (Ảnh: TTXVN)

Tiên phong, phục vụ phát triển khi hội nhập quốc tế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm lực mới, cơ hội mới, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Trước tình hình đó, ngành Ngoại giao cần tiên phong hỗ trợ công tác bảo vệ độc lập chủ quyền, tạo lập môi trường hòa bình, ổn định vì mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, 2045 cũng như nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nổi bật trên một số khía cạnh:

Thứ nhất, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục là nhiệm vụ an ninh lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Việt Nam vừa phải bảo đảm độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, vừa cần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Do đó, ngành Ngoại giao cần chủ động củng cố khung pháp lý, đề cao luật pháp quốc tế, duy trì sự quan tâm của thế giới với vấn đề Biển Đông và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.

Thứ hai, giải quyết tốt mối quan hệ giữa hội nhập quốc tế sâu rộng với bảo đảm độc lập tự chủ. Việt Nam cần xử lý hài hòa giữa việc tận dụng nguồn lực bên ngoài, tối ưu hóa những lợi ích hội nhập và nhu cầu tự chủ bên trong để tránh nguy cơ tụt hậu và bị bỏ lại phía sau cũng như tránh việc bản sắc bị “hòa tan” trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay.

Thứ ba, tiếp tục đưa quan hệ song phương với các đối tác đi vào chiều sâu. Hiện nay, các nước lớn cạnh tranh rất gay gắt và thường có xu hướng tập hợp lực lượng, nhất là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, trong bối cảnh yếu tố đối tác - đối tượng đan xen và chuyển hóa khó lường, ngành Ngoại giao cần hỗ trợ Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; tăng độ tin cậy, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu thông qua việc tạo ra các khuôn khổ hợp tác toàn diện và sâu rộng với những đối tác quan trọng, toàn diện và chiến lược của ta.

Thứ tư, triển khai hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương. Trong bối cảnh với xu hướng bảo hộ gia tăng, chống toàn cầu hóa diễn ra ở nhiều nơi sau đại dịch Covid-19, ngành Ngoại giao cần triển khai hiệu quả các FTA thế hệ mới đã ký kết và tăng cường hội nhập quốc tế toàn diện, nhất là hội nhập về mặt kinh tế, đồng thời thực hiện tốt chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đối ngoại đa phương trong tình hình mới.

Trước những thay đổi nhanh chóng, khó lường và phức tạp của cục diện thế giới cũng như nhu cầu của đất nước trong tình hình mới, ngành Ngoại giao cần tiên phong, vững vàng trước các khó khăn, thử thách nhằm bảo đảm tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Chính vì vậy, các hoạt động đối ngoại thời gian tới cần tiếp tục thích ứng tốt với những xu thế mới, phát huy tối đa tiềm năng và cơ hội; hạn chế những tác động tiêu cực của tình hình nhằm đảm bảo lợi ích an ninh, phát triển và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

(*) Lưu Thu Phương, Trịnh Tuấn Minh, Trần Bảo Nguyên, Nguyễn Vinh Thành, Ngô Thúy Hằng, Lê Hồng Ngọc, Trần Hà Minh, Nguyễn Thị Ngân Giang, Đặng Thanh Bình.

Không ngừng vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào

Không ngừng vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào

Quan hệ Việt Nam-Lào là mối quan hệ mẫu mực trong quan hệ quốc tế như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định: “Trong lịch ...

30 năm thực thi Chiến lược biển: Bước tiến dài triển khai tầm nhìn chiến lược

30 năm thực thi Chiến lược biển: Bước tiến dài triển khai tầm nhìn chiến lược

Phát triển bền vững kinh tế biển là khát vọng, ước mơ và mục tiêu của các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của ...

Nhớ nụ cười, ‘phong cách Xuân Thủy’!

Nhớ nụ cười, ‘phong cách Xuân Thủy’!

Đã nhiều năm qua đi, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội vẫn lưu mãi trong tâm ...

Động lực phát triển dân tộc và ngoại giao Việt Nam

Động lực phát triển dân tộc và ngoại giao Việt Nam

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 (CMT8) là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó, sự lãnh đạo của ...

Đại sứ Palestine:

Đại sứ Palestine: "Việt Nam có một nền ngoại giao thành công"

Tôi luôn khâm phục và theo dõi những bước đi của Việt Nam từ những năm 1973 đến nay. Tôi muốn khẳng định rằng, Việt ...

Bài viết cùng chủ đề

77 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao

Xem nhiều

Đọc thêm

Quân nhân Anh đang rời bỏ lực lượng vũ trang 'với tỷ lệ đáng báo động'

Quân nhân Anh đang rời bỏ lực lượng vũ trang 'với tỷ lệ đáng báo động'

Tờ Telegraph đưa tin, bất chấp đợt tăng lương kỷ lục vào mùa Hè, quân nhân Anh đang rời bỏ lực lượng vũ trang 'với tỷ lệ đáng báo động'.
Tiền đạo Nguyễn Xuân Son nhận 'cơn mưa' lời khen từ truyền thông Đông Nam Á

Tiền đạo Nguyễn Xuân Son nhận 'cơn mưa' lời khen từ truyền thông Đông Nam Á

Báo chí Đông Nam Á đã dành nhiều lời khen về màn ra mắt của Nguyễn Xuân Son với tuyển Việt Nam ở ASEAN Cup 2024.
Miss Charm 2024: Đại diện Việt Nam đoạt Á hậu 2, ấn tượng với màn trả lời phỏng vấn

Miss Charm 2024: Đại diện Việt Nam đoạt Á hậu 2, ấn tượng với màn trả lời phỏng vấn

Đại diện Việt Nam Quỳnh Nga giành ngôi vị Á hậu 2 tại Chung kết Miss Charm 2024 - Hoa hậu Sắc đẹp quốc tế.
Tìm thấy hợp chất ức chế sự phát triển của virus corona

Tìm thấy hợp chất ức chế sự phát triển của virus corona

Một nhóm nghiên cứu tại Nhật Bản đã công bố phát hiện ra một chất trong cây hương nhu có tác dụng ức chế sự phát triển của virus corona.
Rơi trực thăng cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, không ai sống sót

Rơi trực thăng cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, không ai sống sót

Ngày 22/12, tại vùng Mugla, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã xảy ra vụ rơi trực thăng cứu thương khiến 4 người thiệt mạng.
Sao Việt: Hoa hậu Ý Nhi khoe nhan sắc ngọt ngào, Nhã Phương 'biến hình'

Sao Việt: Hoa hậu Ý Nhi khoe nhan sắc ngọt ngào, Nhã Phương 'biến hình'

Sao Việt hôm nay: Diệp Lâm Anh lạ lẫm với kiểu tóc tém, Đan Trường lưu diễn cùng vợ cũ ở Phần Lan, Việt Hoa đăng ảnh xinh đẹp, nhẹ ...
Lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia thăm và chúc mừng các đơn vị Bộ Quốc phòng

Lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia thăm và chúc mừng các đơn vị Bộ Quốc phòng

Trong các ngày 20-21/12, đoàn công tác Uỷ ban Biên giới quốc gia đến thăm, chúc mừng các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Giao lưu bóng đá kết nối người Việt ở Saudi Arabia

Giao lưu bóng đá kết nối người Việt ở Saudi Arabia

Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia tổ chức chương trình giao lưu bóng đá tăng cường kết nối người Việt đang sinh sống, làm việc tại Riyadh.
Thống đốc tỉnh Niigata, Nhật Bản nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thống đốc tỉnh Niigata, Nhật Bản nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thống đốc tỉnh Niigata Hanazumi Hideyo nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều đóng góp cho quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản
Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương

Sáng 21/12, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Đoàn kiểm tra số 1477 của Ban Bí thư do đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban ...
Biểu dương con đoàn viên Bộ Ngoại giao chinh phục các kỳ thi quốc gia và quốc tế

Biểu dương con đoàn viên Bộ Ngoại giao chinh phục các kỳ thi quốc gia và quốc tế

Sáng 21/12, Công đoàn Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ trao thưởng cho con đoàn viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam

Chiều 20/12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã làm việc với Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027
Singapore đã bắt giữ và xét xử kẻ sát hại công dân người Việt

Singapore đã bắt giữ và xét xử kẻ sát hại công dân người Việt

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cập nhật một số thông tin liên quan đến vụ việc công dân người Việt bị sát hại tại Singapore.
Đại sứ quán Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ bảo hộ công dân tại Syria trong trường hợp khẩn cấp

Đại sứ quán Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ bảo hộ công dân tại Syria trong trường hợp khẩn cấp

Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria sáng 8/12 cảnh báo công dân Việt Nam không nên đến Syria vào thời điểm này.
Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023: Để chính sách song hành với thực tiễn bảo đảm quyền của người di cư

Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023: Để chính sách song hành với thực tiễn bảo đảm quyền của người di cư

Theo Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 cho thấy những kết quả đạt được trong xây dựng hoàn thiện chính sách liên quan đến di cư.
Đại diện Phái đoàn IOM: Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 phản ánh nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn

Đại diện Phái đoàn IOM: Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 phản ánh nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn

Theo Quyền Trưởng đại diện Phái đoàn IOM, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 đã góp phần củng cố vị thế quốc gia đi đầu trong việc triển khai Thỏa thuận GCM.
Công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam với nhiều nội dung mới lần đầu tiên được cập nhật

Công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam với nhiều nội dung mới lần đầu tiên được cập nhật

Sáng ngày 29/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023.
Công dân Việt Nam tại Trung Đông cần chủ động tìm nơi trú ẩn

Công dân Việt Nam tại Trung Đông cần chủ động tìm nơi trú ẩn

Theo thông tin mới nhất từ cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông, các công dân Việt Nam hiện vẫn đang an toàn.
Tìm hiểu các nguyên tắc trong việc lựa chọn thực đơn chiêu đãi đối ngoại

Tìm hiểu các nguyên tắc trong việc lựa chọn thực đơn chiêu đãi đối ngoại

Chiều 22/3, đã diễn ra sinh hoạt chuyên đề với chủ đề 'Các nguyên tắc trong việc lựa chọn thực đơn chiêu đãi đối ngoại'.
Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 2)

Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 2)

Là một quốc gia Đông Nam Á, Indonesia gần gũi với Việt Nam, nhưng nước này có 86% dân số theo Hồi giáo tạo nên khác biệt trong văn hoá giao tiếp.
Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 1)

Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 1)

Là quốc gia Đông Nam Á nên Indonesia gần gũi với Việt Nam, nhưng 86% dân số nước này theo Hồi giáo tạo nên khác biệt trong văn hoá giao tiếp.
Những điều cần biết để không bỡ ngỡ khi đến xứ sở hoa tulip Hà Lan

Những điều cần biết để không bỡ ngỡ khi đến xứ sở hoa tulip Hà Lan

Khi gặp một người Hà Lan bất kì, thật khó để nhận xét về địa vị hay khả năng tài chính của họ thông qua vẻ bề ngoài...
Đôi điều cần biết về văn hóa giao tiếp ở Bỉ - 'trái tim của châu Âu'

Đôi điều cần biết về văn hóa giao tiếp ở Bỉ - 'trái tim của châu Âu'

Cùng khám phá đôi nét về văn hóa giao tiếp và con người Bỉ để hiểu rõ hơn về đất nước được coi là 'trái tim châu Âu' qua bài viết dưới đây!
Những nước nào có Ngày Quốc khánh trong tháng 12?

Những nước nào có Ngày Quốc khánh trong tháng 12?

Trong tháng 12 có 12 quốc gia kỷ niệm Ngày Quốc khánh, bao gồm Romania, Lào, UAE, Thái Lan, Phần Lan, Burkina Faso, Kenya, Bhutan, Niger, Qatar...
Phiên bản di động