Ông Xuân Thủy tại Paris, Pháp vào ngày 10/5/1968. (Nguồn: Getty Images) |
Bà từng chia sẻ rằng, cố Bộ trưởng là người đầu tiên đưa và dẫn dắt mình vào nghề đối ngoại. Nhớ lại những ngày ấy, điều sâu sắc nhất còn đọng trong bà là...
Năm 1969 tại Paris, trong khi diễn ra hội đàm về Việt Nam, lần đầu tiên tôi đã có dịp gặp bác Xuân Thủy. Thời đó, tôi mới bắt đầu làm giảng viên Anh văn tại Đại học Paris, tham gia Hội người Việt Nam tại Pháp - tổ chức lớn của Việt kiều yêu nước, góp phần biên dịch và hiệu đính tài liệu của Phái đoàn miền Bắc và có dịp được phiên dịch không chính thức cho bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của miền Nam. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên gặp bác Xuân Thủy là dịp bác tiếp anh em nòng cốt của Hội.
Lúc đó, tôi chưa có những cơ hội tiếp xúc riêng với bác nên chưa có những cảm nhận cá nhân cụ thể về bác. Các anh em trong Hội chúng tôi đều cảm thấy quý trọng và mến mộ bác bởi những lời nói chí lý, chí tình đi vào lòng người, động viên anh em mang hết tâm huyết và trí tuệ đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình thống nhất cho Việt Nam.
Mọi tiếp xúc sâu hơn của tôi với bác Xuân Thủy và những cơ duyên thay đổi cuộc đời tôi bắt đầu kể từ khi tôi về nước năm 1972. Mùa Hè năm 1978, tôi may mắn được tham gia Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam dự Liên hoan Thanh niên Dân chủ thế giới tại Cuba. Bác Xuân Thủy là khách danh dự của Chủ tịch Cuba Fidel Castro nên đi chuyên cơ riêng nhưng bác cho Đoàn chúng tôi đi cùng. Bác nhận ngay ra tôi khi vừa gặp lại, ân cần hỏi thăm tôi về công việc và cuộc sống từ khi đất nước thống nhất.
Mùa Hè năm sau, năm 1979, trong một dịp bác Xuân Thủy vào Nam, tôi được mời đến gặp bác mà không rõ nội dung trao đổi là gì. Tôi thực sự ngạc nhiên khi bác đề nghị tôi ra Hà Nội chuyển sang công tác đối ngoại tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, cơ quan mà bác đang làm thủ trưởng. Phải nói rằng bác đã rất kiên trì thuyết phục tôi để mọi nỗi băn khoăn, do dự không còn là rào cản nữa và tôi quyết định một bước ngoặt quan trọng thứ hai trong sự nghiệp của mình (bước ngoặt thứ nhất là năm 1972 từ Paris trở về nước hoạt động).
Tháng 11/1979, bỏ lại cuộc sống đã thành “nếp” ở miền Nam, tôi “di tản ngược chiều” (lời của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện) ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, công tác bốn năm (1979-1983) ở đơn vị bác Xuân Thủy làm thủ trưởng. Một cách ngỡ ngàng mà chính tôi cũng chưa từng nghĩ tới, tôi bước chân vào nghề đối ngoại và người đưa tôi tới cơ duyên mà sau này nghĩ lại tôi vô cùng trân quý là bác Xuân Thủy.
Mới đôi lần gặp bà ở những sự kiện đông người, thế nhưng ông Xuân Thủy lại quyết định thuyết phục bà có một thay đổi quan trọng?
Tôi cũng khá ngạc nhiên. Tôi cũng như bao thanh niên Việt Nam ở Pháp thời đó, đương nhiên bác Xuân Thủy có nghe tôi đã từng phục vụ bà Nguyễn Thị Bình không chính thức trong cuộc tiếp báo chí. Tôi cũng đã thắc mắc trực tiếp với bác, vì sao tôi không hề có chuyên môn ngoại giao mà bác lại thuyết phục tôi thay đổi theo hướng này. Bác phân tích thấu đáo với tôi rằng với chuyên môn của tôi, tôi đang và sẽ đóng góp tốt cho nền giáo dục nước nhà; nhưng trình độ ngoại ngữ và đặc biệt kinh nghiệm sống lâu năm và hiểu biết xã hội phương Tây của tôi còn cần thiết hơn trên mặt trận đối ngoại mới của Việt Nam sau năm 1975.
Thời gian đó, bác Xuân Thủy đã xác định sứ mệnh sắp tới của Việt Nam là gì, là hội nhập thế giới, “ra mắt thiên hạ” và sau này “rước thế giới về với mình”. Tôi cảm thấy bác thực sự là người rất tài trí, tôi bị thuyết phục bởi cách đặt vấn đề như vậy.
Tôi sống ở Pháp từ khi ba tuổi, tuy có một số lần về lại Việt Nam nhưng thời gian sống ở phương Tây khá lâu. Từ thời tôi hoạt động sinh viên cùng Việt kiều yêu nước ở Paris cũng như khi về nước làm công tác giảng dạy, tôi luôn ấp ủ ước mong giá trị và vị thế của Việt Nam được thế giới công nhận. Việc chuyển sang ngành đối ngoại cũng là cơ hội để tôi góp phần hiện thực hóa ước mong ấy và có thể thử sức ở một lĩnh vực mới, thách thức mới… Cân nhắc kỹ lưỡng như vậy, tôi nhận lời đề nghị của bác. Tôi hoàn toàn không phải nhận lời vì sự cả nể với bác!
Cố Bộ trưởng được nhớ đến với nụ cười tự tin vào chiến thắng của dân tộc - những năm ông làm Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đàm phán tại Hội nghị Paris. Chắc hẳn, bà vẫn không thể quên nụ cười đặc biệt ấy?
Tất cả những ảnh của bác Xuân Thủy thời ở Paris đều toát lên một nụ cười rạng rỡ đi đôi với phong thái rất tự chủ. Nụ cười ấy làm sáng bừng khuôn mặt của bác, nó nói lên sự lạc quan, cởi mở, yêu đời, một phong thái tự tin nhưng không quan cách.
Tôi phải nói rằng, hai đại diện của Việt Nam tại Hội nghị Paris là ông Xuân Thủy và bà Nguyễn Thị Bình thực sự quá “đẹp đôi” cho đất nước khi “ra mắt” thế giới. Họ có những cách ứng xử, đối đáp thực sự đáng nể phục.
Tôi còn nhớ báo chí tại Paris thuật lại câu chuyện bác Xuân Thủy đối đáp về váy “mini” (váy cực ngắn) đang thịnh hành ở các nước phương Tây thời đó. Có một nhà báo đột ngột hỏi khi bác Xuân Thủy mới bước xuống sân bay trở lại Paris sau một chuyến công tác về Hà Nội: “Thưa ông, ông nghĩ gì về váy mini”? Dụng ý của nhà báo này là thử xem ra khỏi lĩnh vực chính trị và ngoại giao, đi vào một lĩnh vực cụ thể của đời sống ở nước ngoài Việt Nam thì vị trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ ứng xử ra sao. Bác suy nghĩ chỉ ít giây rồi đáp lại với nụ cười hóm hỉnh: “Tôi nghĩ nó không thể ngắn hơn…”. Nhà báo phương Tây bật cười thú vị, bất ngờ trước câu trả lời ngắn gọn và hóm hỉnh của bác Xuân Thủy. Tôi thật sự “ngả mũ” trước tài đối đáp bậc thầy của bác, đúng là bác vừa là nhà thơ, nhà báo, nhà đối ngoại.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. |
Điều khiến bà nể phục nhất ở cố Bộ trưởng là gì?
Có lẽ, ở bác Xuân Thủy, điều tôi nể phục nhất là bác luôn là người có lý, có tình, có trước, có sau! Ứng xử của bác trong công việc, đặc biệt đối với cán bộ cấp dưới rất có tình người.
Chính tôi là người được hưởng sự chu đáo, ân cần với cấp dưới của bác Xuân Thủy. Ngay từ những ngày đầu tôi chuyển công tác ra Hà Nội, bác đã cất công đến kiểm tra chỗ ở của tôi mà trong điều kiện khó khăn của những năm ấy đã quá tốt so với những người xung quanh (một căn hộ khép kín cho một người độc thân). Bác thực sự thể hiện trách nhiệm vì đã điều động tôi chuyển công tác, xa cha mẹ, họ hàng và bạn bè. Bản thân tôi không khỏi xúc động khi lần đầu cha tôi ra thăm tôi ở Hà Nội được bác Xuân Thủy mời cơm trò chuyện, thể hiện sự quan tâm của nhà nước, cơ quan đối với tôi để cha tôi yên lòng.
Có một lần, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc sang thăm Việt Nam và dự tiệc chiêu đãi tại Nhà khách Chính phủ. Lúc đó, tôi làm phiên dịch cho bác Xuân Thủy. Hai bên trao đổi qua lại một hồi nên tôi không thể tranh thủ lúc nào để ăn lót dạ. Bác Xuân Thủy liền đề nghị với khách rằng “thôi có lẽ, ông với tôi cùng dùng bữa để cô phiên dịch cũng có ít phút để dùng bữa”. Lời đề nghị thẳng với khách của bác Xuân Thủy khiến Phó Tổng thư ký ngạc nhiên nhưng cười và thích thú. Thế là, hai vị cùng tạm dừng cuộc trao đổi ít phút để người phiên dịch không “bị đói”.
Thưa bà, “phong thái, bản lĩnh Xuân Thủy” đã tác động như thế nào với cá nhân bà trong suốt sự nghiệp hoạt động đối ngoại của mình?
Tôi không chọn một ai để trở thành người mà mình sẽ trở thành trong sự nghiệp của mình. Những điều tôi học được từ những người có tài, có kinh nghiệm đi trước được tôi “nhào nặn” lại thành vốn và kỹ năng của riêng mình. Tôi học hỏi nhiều điều ở bác Xuân Thủy không phải theo cách lấy sổ ra ghi chép lại mà cứ học dần qua thực tiễn và nó thấm từ từ vào con người. Tôi rất ngưỡng mộ phong thái của bác Xuân Thủy, phương châm, đức tính của bác cũng thực sự là những điều tôi muốn hướng đến.
Theo bà, đức tính nào ở cố Bộ trưởng mà các thế hệ ngoại giao trẻ cần học tập và phát huy?
Một yêu cầu không kém phần quan trọng đối với một người muốn thành công về đối ngoại, đó là phải biết lắng nghe và quan sát khách, dù đó là đối phương hay đối tác. Không biết lắng nghe và quan sát thì đối sách khó sát hợp và có hiệu quả. Nói xa hơn nữa còn phải biết thể hiện sự chú ý đến suy nghĩ, lợi ích của khách mới thu hút được sự quan tâm của khách và thuyết phục, tranh thủ được họ. Nơi bác Xuân Thủy, những khả năng đó đều nổi bật!
| Chân dung 5 cố Bộ trưởng Ngoại giao TGVN. Nhân Quốc khánh 2/9 và ngày thành lập Ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8), Báo Thế giới & Việt Nam xin trân trọng nhớ lại ... |
| Trưởng đoàn Xuân Thủy một nhà cách mạng cao đẹp Được giúp việc cho Bộ trưởng Xuân Thủy trong thời gian Hội nghị Pa-ri về Việt Nam (1968-1973), tôi đã học được nhiều ở ông. |
| Bộ trưởng Xuân Thủy và Hội nghị Paris Hội nghị Paris về Việt Nam nổi tiếng với việc nước Mỹ siêu cường số 1 lần đầu tiên đã chịu thua và ký hiệp ... |
| Ký ức về ông Xuân Thủy Có tới gần 10 năm cùng làm việc và gắn bó với cố Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, đối với ông Trịnh Ngọc Thái ... |
| Nụ cười…Xuân Thủy! (Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Xuân Thủy: 2/9/1912 – 2/9/2012). |