Trưởng đoàn Xuân Thủy (giữa) và Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (bên trái). |
Tấm gương tu dưỡng
Để trở thành một người lãnh đạo tài, đức vẹn toàn, ông Xuân Thủy đã trải qua một quá trình liên tục rèn luyện và học hỏi trong mọi hoàn cảnh, từ vận động quần chúng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng thời Pháp thuộc, kiên trì học tập trong nhà tù thực dân Pháp, làm báo bí mật, rồi từ năm 1945 đã theo Bác Hồ đi đàm phán với các tướng lĩnh của Tàu Tưởng và thuyết phục các Đảng phái (đối lập) tham gia Chính phủ. Ông cũng đã rèn luyện bản lĩnh và hoạt động xuất sắc trong các công tác đòi hỏi sự kiên trì và sức thuyết phục cao như Mặt trận, Quốc hội, Đối ngoại Đảng, ngoại giao nhân dân và ngoại giao Nhà nước.
Ông có sức chịu đựng bền bỉ phi thường trong suốt cuộc đời hoạt động để hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp mặc dù bệnh hen ác nghiệt không buông tha, luôn hành hạ ông. Bằng tấm gương tu dưỡng của mình, ông thường xuyên quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ thông qua hoạt động thực tiễn.
... Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Xuân Thủy là một tấm gương về một trí tuệ và một nhân cách lớn với những cống hiến không mệt mỏi cho Đảng, cho đất nước và dân tộc. Với tư cách là một nhà ngoại giao, tài năng, đức độ và uy tín của đồng chí Xuân Thủy đã có sức lôi cuốn, thuyết phục lớn đối với các đồng chí, đồng nghiệp và mang tính cảm hóa cao đối với cả những người đứng bên kia chiến tuyến. Những đóng góp quan trọng của đồng chí vẫn còn sống mãi với dân tộc, đặc biệt vẫn in dấu trong chặng đường trưởng thành và phát triển của các thế hệ cán bộ đã và đang tham gia những lĩnh vực công tác mà đồng chí từng phụ trách, trong đó có lĩnh vực đối ngoại. Các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam ngày nay quyết tâm học tập, rèn luyện, noi gương đồng chí Xuân Thủy, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trích phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đồng chí Xuân Thủy, 02/9/2012 |
Tôi (người liên lạc giữa các Đoàn) nhớ mãi điều ông nhắc nhở: "Cậu được quyền thì nên nói chuyện nhiều với họ (Mỹ và Sài Gòn)". Ông quan tâm đến cả những chi tiết, đề nghị cho tôi đi theo đoàn về nước báo cáo để có dịp thăm con trai ở nơi sơ tán; khi tôi sang ông hỏi chuyện và khen con tôi là "thần đồng". Thật không có sự động viên nào hiệu quả hơn.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Vì Độc lập, vì Tự do, Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào". Việt Nam đã tự chiến đấu, tự đàm phán, nhưng cũng tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc. Tại Hội nghị Pa-ri, sau mỗi cuộc gặp, Bộ trưởng Xuân Thủy đều cử người đến Sứ quán Liên Xô và Trung Quốc ở Paris để thông báo. Ngày Tết thì mời cả Sứ quán Trung Quốc đến trụ sở phái đoàn ta để liên hoan mừng Xuân. Ngày Lễ Lao động thì giao lưu tại địa điểm của Sứ quán Liên Xô.
Cuộc chiến ngoại giao, vai trò Trưởng đoàn
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hiểu về công tác ngoại giao và đã chọn Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri. Ông Trưởng đoàn của "phía bên kia" lần đầu tiên đến Pa-ri đã thành mục tiêu để đội quân báo chí quốc tế soi mói, khai thác, thử tài đối đáp để dư luận phương Tây đánh giá. Với sự tự tin, chững chạc, nụ cười tươi tắn, phát biểu mạch lạc đôi lúc pha thêm chút hài hước, ông Bộ trưởng đã làm giới báo chí phương Tây bất ngờ, thú vị và vô tình trở thành phương tiện tuyên truyền cho hình ảnh và lập trưởng chính nghĩa của Việt Nam.
Tại Hội nghị 4 bên (bắt đầu ngày 25/1/1969), trong khi đoàn MTDTGP trình bày lập trường 5 điểm giải quyết vấn đề Việt Nam và đoàn VNDCCH nêu lập trường 4 điểm, đoàn chính quyền Sài gòn lại phát biểu kéo dài 2 giờ 30 phút tập trung vu cáo miền Bắc xâm lược, bênh vực việc Mỹ can thiệp, khoe chế độ Sài gòn dân chủ, tốt đẹp, đòi MTDTGP quy thuận Sài Gòn.
Trong phiên họp công khai sau đó, Đoàn Sài Gòn lại tiếp tục vu cáo VNDCCH và MTDTGP, tự ca ngợi "chính nghĩa quốc gia", Bộ trưởng Xuân Thủy nói: "Người ta khoe khoang chế độ Sài Gòn tốt đẹp, nhưng Thượng nghị sĩ Mỹ Edward Kennedy ngày 21/8/1968 lại nói: "Họ (Chính quyền Sài gòn) không muốn đáp ứng nhu cầu của nhân dân, mà chỉ đòi nhiều tiền hơn, nhiều sinh mạng hơn để sa vào vũng lầy thất bại. Đó là chính quyền bất lực và hủ bại". Tôi cũng còn nhớ cách đây hơn một tháng, trong lúc chính quyền Sài Gòn không chịu cử đại biểu đến Paris, có chính khách Mỹ đã nói: "Cái đuôi con chó không thể vẫy nổi con chó". Chúng tôi không thấy có sự phản ứng gì của chính quyền Sài Gòn về câu nói đó. Còn ở đây chúng tôi chỉ nói lên sự thật: Mỹ xâm lược Việt Nam, dựng lên chính quyền bù nhìn Sài Gòn để làm công cụ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ".
Bộ trưởng Xuân Thủy cũng có tài tiếp khách dù là Thủ tướng các nước lớn, các nhân sĩ nổi tiếng hay người dân, sinh viên học sinh bình thường cũng đều cảm thấy cuộc gặp bổ ích và thú vị. Chúng tôi rất thích làm phiên dịch cho ông, ông nói rất mạch lạc, dịch rất thuận lợi, "cứ như là ông suy nghĩ bằng ngoại ngữ vậy". Ông cũng là người cuối cùng xem lại các bài phát biểu. Hầu như là thông lệ, dù đêm trước đã dịch xong bài phát biểu, sáng sớm hôm sau, trước khi đi họp, chúng tôi lại nhận được những chỗ bổ sung cho chính xác và rõ nghĩa hơn. Chắc đêm qua ông vẫn còn suy nghĩ, lo sao cho bài phát biểu được tốt hơn nữa.
Hình ảnh và vai trò của Bộ trưởng rất sâu đậm trong Hội nghị Pa-ri. Các cán bộ trong đoàn miền Nam, miền Bắc, Việt kiều, bạn bè người Pháp và quốc tế và ngay cả giới báo chí cũng rất mến mộ ông. Một nhân cách cao đẹp, một con người rất dễ gần và nhiều thiện cảm.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam và 100 năm ngày sinh của Bộ trưởng Xuân Thủy, tôi được tham gia đóng góp tư liệu và nhận thấy không chỉ trong nước mà cả bạn bè quốc tế đều đánh giá rất cao về Hội nghị Pa-ri và vai trò của Bộ trưởng Xuân Thủy.
Thị trấn Choisy-le-Roi, Paris, nơi đoàn VNDCCH và Bộ trưởng Xuân Thủy ở và làm việc trong gần 5 năm đang xây dựng một bộ phim nói lên tình cảm tốt đẹp và sự giúp đỡ hiệu quả của bạn bè Pháp đối với Việt Nam.
Bạn bè Mỹ cùng các thành viên cũ của hai đoàn Việt Nam đang chuẩn bị xuất bản những tư liệu về Hội nghị Paris, nơi họ đã đặt niềm tin và tự hào trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chung của nhân dân hai nước Mỹ và Việt Nam.
Phạm Ngạc
Ông Phạm Ngạc sinh năm 1935 tại Ninh Bình, sống tại Hà Nội, nguyên thành viên đoàn đàm phán Chính phủ VNDCCH tại Hội nghị Paris từ 1968 đến 1973, nguyên Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế-Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại các nước Bắc Âu (Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Aixơlen) |