Đại tá Võ Đông Giang chủ trì một cuộc họp báo ở Trại Davis - Sài Gòn. |
Cuộc họp báo này rất quan trọng, bởi hai sự kiện lớn vừa xảy ra. Đó là ngày 05/11/1973, quân giải phóng pháo kích sân bay Biên Hòa và ngày 03/12/1973, kho xăng Nhà Bè bị đặc công ta đốt cháy. Trước những thiệt hại nặng nề, Mỹ - ngụy đã phải xuống thang để Đoàn ta tổ chức họp báo sau mấy tuần liền ngăn cản. Đây cũng là một thắng lợi của ta trong quá trình đấu tranh với địch.
Chiếm phần lớn trong đoàn nhà báo là các phóng viên nước ngoài và chỉ có khoảng 20 phóng viên trong nước. Họ đi hai chiếc xe DOD của Mỹ dài bằng một toa xe lửa và trông họ đầy vẻ hồ hởi. Hơn trăm người ùa từ trên xe xuống, vào cổng trụ sở, trên vai đeo lỉnh kỉnh phương tiện tác nghiệp.
Tôi là sĩ quan liên lạc của Đoàn B, có điều kiện tiếp xúc nhiều với các phóng viên thường trú của gần 80 hãng thông tấn, báo chí lớn như AP, UPI, AFP, Reuters, Kyodo News, Washington Post, Los Angeles Times…, các hãng truyền hình ABC, NBC, CBS, ZDF, Norwegian Radio Tivi…
Phóng viên của các báo Sài Gòn như Báo Đối diện, Dân chủ mới, Công luận, Tiền tuyến... phần lớn là các nhân viên của Tổng cục chiến tranh chính trị, Phủ đặc ủy trung ương tình báo, CIA, Cục an ninh quân đội của chính quyền Sài Gòn. Đây là những người không phải đến để đưa tin mà muốn xem ai tiếp xúc với Việt cộng và Cộng sản Bắc Việt để kịp thời phản ánh cho cơ quan mật vụ có kế hoạch ngăn chặn, đàn áp.
Ngoài cổng, hôm nay số lượng quân cảnh của chính quyền Sài Gòn đông hơn mọi lần. Có thể họ muốn gây áp lực với các nhà báo đến dự họp báo của ta, tiếng giày da nện thình thịch trên mặt đường. Họ chỉ dọa người nào yếu bóng vía, với chúng tôi thì không là gì cả, chất độc hóa học, bom tọa độ, pháo bầy còn không uy hiếp nổi, còn có gì đáng ngại! Tôi đón các nhà báo, chỉ dẫn họ vào hội trường.
Hôm nay, Đại tá Võ Đông Giang - Phó Đoàn đại biểu CPCMLT chủ trì cuộc họp báo. Anh đi từ căn nhà nghỉ ra hội trường, vẻ khoan thai, đĩnh đạc. Vừa đến cửa hội trường, các nhà báo nước ngoài xúm lại chào hỏi. Anh bắt tay từng người, nụ cười tươi nở trên môi. Anh đi dọc hai hàng ghế, lên bàn chủ tọa ngồi vào chỗ dành cho người phát ngôn. Anh chào mọi người, rồi đọc toàn văn bản Mệnh lệnh của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 15/10/1973.
Một hoạt động của đoàn tại Trại Davis. |
Đồng chí sĩ quan phiên dịch kịp thời chuyển ngữ sang tiếng Anh. Các nhà báo háo hức lắng nghe và ghi âm toàn bộ nội dung anh Giang nói. Họ hiểu rõ nội dung bản Mệnh lệnh và có tiếng rì rầm trao đổi.
Lúc đó, tôi để ý một phóng viên của tạp chí Time ngồi cùng các nhà báo nước ngoài, vầng trán cao thông minh. Anh trao đổi với các đồng nghiệp người nước ngoài rất tự tin. Anh ít nêu các câu hỏi trong các buổi họp báo, chỉ khi cần anh mới viết vào mảnh giấy nhờ chuyển lên cho người phát ngôn. Anh ngồi cuối hội trường và trò chuyện với đồng nghiệp khi thật cần thiết... Sau ngày 30/04/1975, tôi mới biết anh là Thiếu tướng tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Lại nói về cuộc họp báo, sau khi bàn tán vài phút, một nhà báo Mỹ đứng lên nêu câu hỏi: “Xin ngài Đại tá cho biết, vụ tập kích kho xăng Nhà Bè rạng sáng ngày 03/12/1973 của Quân giải phóng có thể gọi là hành động vi phạm Hiệp định Paris, quy định tại Điều 2, Điều 3 về lệnh ngừng bắn hay không?”.
Sau khi nghe dịch câu hỏi, đồng chí Võ Đông Giang hướng về phía nhà báo Mỹ và dõng dạc khẳng định, CPCMLT luôn tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Paris về Việt Nam.
“Chúng tôi hết sức kiềm chế, giữ gìn và bảo vệ Hiệp định, nhằm đem lại nền hòa bình thật sự, bền vững cho miền Nam Việt Nam. Đây là mong muốn cháy bỏng và là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam. Ngay từ đầu, chính phủ Hoa Kỳ đã phá hoại Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam, hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền tay sai, bắt nhân dân miền Nam Việt Nam trở lại kiếp nô lệ của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Họ đưa hàng triệu quân sang xâm lược đất nước chúng tôi, gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc nhất cho dân tộc Việt Nam. Giờ đây, họ phải chấp nhận rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, không can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Mục đích gây chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ bị thất bại, vì vậy họ không thi hành đầy đủ những điều khoản đã quy định trong Hiệp định Paris, họ dung túng cho chính quyền Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định thì không có gì lạ. Họ rất sợ hòa bình, sợ hòa hợp, hòa giải dân tộc, sợ nước Việt Nam hòa bình, thống nhất. Mệnh lệnh của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam công bố ngày 15/10/1973 về quyền đánh trả vi phạm không chỉ tại nơi quân đội Sài Gòn gây ra, chúng tôi giành quyền trừng trị cả những nơi xuất phát của họ”.
Anh Giang ngừng lời, nhấp ngụm nước, nhìn xuống các nhà báo và chờ đợi ý kiến của họ. Hội trường im ắng một lúc sau câu nói cuối cùng của anh. Tiếng máy ảnh lách cách cùng ánh chớp của đèn flash, tiếng xè xè của hàng chục máy quay phim, tiếng lẹt xẹt của máy ghi âm...
Tiếp tục có tiếng xì xào trao đổi của các nhà báo với nhau. Họ biểu lộ sự đồng tình với nội dung người phát ngôn vừa nói, nhưng một cách rất kín đáo, vì mọi cử chỉ, thái độ của họ đang bị theo dõi…
Số phóng viên trong nước cũng chăm chú lắng nghe, không có phản ứng gì. Thời kỳ đầu, một số sĩ quan ngụy thường hung hăng dọa dẫm, nêu câu hỏi xỏ xiên, vu cáo... Hôm nay, thấy họ ngồi im lắng nghe, tôi tin rằng họ đã hiểu rõ thái độ của cách mạng đối với những ai biết dừng tay trước tội ác và khi có thời cơ đứng về phía nhân dân, góp phần tranh đấu cho hòa bình đất nước.
Tiếp đó, có nhiều người giơ tay, hoặc chuyển tờ giấy viết nội dung câu hỏi, nhà báo của tạp chí Time cũng cầm một mảnh giấy và nhờ một phóng viên người Pháp ngồi bên chuyển giúp lên bàn người phát ngôn…
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) tiếp Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Hội Nhà báo nước ngoài tại Sài Gòn năm 1973. |
Một phóng viên nữ người nước ngoài đứng lên. Hướng về phía Võ Đông Giang, cô nói: “Thưa ngài Đại tá Võ Đông Giang, có một thông lệ ngài Trung tướng Trần Văn Trà - Trưởng đoàn đại biểu CPCMLT trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên - vẫn thường quan tâm trong các buổi họp báo là giành ưu tiên cho phụ nữ được nêu câu hỏi trước, hôm nay xin ngài có thể cho tôi được phỏng vấn trước hay không?”. Sau khi thăm dò thái độ chủ toạ, cô liền nói: “Tôi xin hỏi, nếu phía quân đội Việt Nam Cộng hòa mở liên tiếp các đợt tiến công vào vùng giải phóng, phía Quân giải phóng của các ngài có trả đũa và mở những đợt tấn công mới hay không?”.
Từ đầu, Võ Đông Giang đã chú ý người nữ phóng viên này, cô khoảng gần ba mươi tuổi, tóc hung nâu xõa ngang vai, dáng người thon thả. Anh nở nụ cười và nói:
“Cảm ơn bạn nữ nhà báo đã nêu một câu hỏi thú vị. Ở trên tôi đã nói, Hiệp định Paris về Việt Nam là thắng lợi hết sức to lớn của nhân dân Việt Nam, của cách mạng Việt Nam. Không ai dại tự mình phá bỏ thành quả đạt được bằng công sức, bằng xương máu của hàng triệu đồng bào, đồng chí của chúng tôi đã chiến đấu, hy sinh để có được bản Hiệp định đó.
Bảo vệ và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris là bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân miền Nam Việt Nam, trong đó có quyền lợi của sĩ quan, binh lính trong quân đội Sài Gòn và thân nhân của họ.
Từ ngày 28/01/1973 (ngày Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực) đến nay, chính quyền Sài Gòn đã vi phạm Hiệp định Paris hàng trăm nghìn lần, trong đó có các cuộc hành quân lấn chiếm cấp trung đoàn, sư đoàn, máy bay ném bom, pháo binh bắn phá không có ngày nào ngớt... Như vậy, chính quyền Sài Gòn và những người dung túng họ từ đầu đến giờ không muốn thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định.
Chúng tôi không thể khoanh tay khi bom đạn của họ trút xuống các làng mạc, giết hại đồng bào của chúng tôi trong vùng giải phóng. Các lực lượng vũ trang cách mạng buộc phải giành quyền tự vệ chính đáng của mình.
Hơn thế, Quân giải phóng còn thực hiện Mệnh lệnh 15/10/1973 là trừng trị kẻ vi phạm ngay tại nơi xuất phát như pháo kích sân bay Biên Hòa, đốt cháy kho xăng Nhà Bè vừa qua. Kẻ gây ra tội ác sẽ bị trừng trị đích đáng, trên toàn miền Nam Việt Nam không có nơi nào an toàn cho những kẻ phá hoại Hiệp định! Chúng tôi có trả đũa hoặc mở cuộc tấn công lớn với mức độ phạm vi như thế nào sẽ tùy thuộc vào thái độ và hành động của chính quyền Sài gòn”.
Anh Giang ngừng lời, chậm rãi ngồi xuống ghế. Anh nhìn xuống các nhà báo, nữ phóng viên nước ngoài có vẻ hài lòng với câu trả lời. Cô nở nụ cười rất tươi khi nhìn lên bàn chủ tọa.
Điều này cũng khác hẳn thời kỳ đầu khi các phóng viên nước ngoài còn chưa hiểu biết về cách mạng Việt Nam, về Quân giải phóng, bởi họ chỉ nhận được những thông tin trái chiều từ bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Mỹ - ngụy, họ lẫn lộn giữa kẻ đi xâm lược với người chống xâm lược, giữa bọn tay sai với lực lượng yêu nước chân chính.
Đại tá Võ Đông Giang làm việc với các bạn Hungary và Ba Lan trong Trại Davis. |
Thậm chí có khi bắt tay cán bộ, chiến sĩ ta, họ ngạc nhiên sờ nắn và thốt lên: “Việt cộng đâu có ốm tong, ốm teo, trông vị nào cũng đẹp, cũng mạnh khỏe!”. Một số người còn viết bài đưa tin sai lệch, đánh giá chủ quan, tự biện bạch: “Cả hai bên cùng vi phạm”, hoặc “không có lửa thì sao có khói”...
Chúng ta đã kiên trì giải thích với thái độ cởi mở, lịch sự, tôn trọng nhân cách các nhà báo nên dần dần họ đã hiểu sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Nhiều người tỏ ra có cảm tình, tự nguyện cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp ta hiểu thêm về thái độ và hoạt động phá hoại Hiệp định của đối phương.
Vài nhà báo hỏi thêm mấy câu hỏi, anh Giang vui vẻ trả lời rất hợp lý, hợp tình và tuyên bố kết thúc buổi họp báo.
Anh đi xuống các hàng ghế, gặp gỡ các nhà báo. Họ rất vui, bắt tay, nở nụ cười tươi, thân thiện, thái độ kính nể vị đại diện của Quân giải phóng. Họ thỏa mãn với những thông tin được biết qua buổi họp báo này.
Đêm nay, trên khắp thế giới và cả nhân dân Mỹ sẽ nắm được những tin tức nóng bỏng từ mảnh đất đầy bom đạn của Việt Nam. Gần 80 hãng thông tấn, truyền hình và báo chí sẽ là một làn sóng đưa tin và hình ảnh chính xác nhất khiến Mỹ - ngụy không cách gì che đậy được.
823 ngày đêm sống, chiến đấu giữa hang ổ đối phương, những người lính cách mạng trong Trại Davis không phút giây nào ngơi nghỉ, yên bình. Họ luôn tỉnh táo, cảnh giác và kiên cường.
Cuộc họp báo hôm nay là một rong những cuộc chiến đấu căng thẳng, quyết liệt và thắng lợi. Thông tin nóng hổi này ngay trong ngày sẽ lan tỏa ra khắp thế giới, đến từng gia đình người dân Mỹ, đây thật sự là một thứ vũ khí sắc bén để chống lại đối phương. Chúng tôi tự hào đã góp một phần nhỏ công sức, trí tuệ, xương máu cho ngày toàn thắng.
| Đóng góp của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một mốc son sáng chói trong lịch sử ngoại ... |
| 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' - Chiến thắng quyết định cho thắng lợi của Hiệp định Paris Chiến thắng của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 và thắng lợi của Hiệp định Paris đầu năm 1973 để ... |
| Hiệp định Paris dẫn đến hòa bình và thống nhất đất nước Thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Paris với việc Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam là một bước tiến vô ... |
| Đấu tranh quân sự ở Nam Bộ sau Hiệp định Paris Sau khi Hiệp định Paris đã được ký kết, chiến tranh chưa chấm dứt mà vẫn tiếp diễn ở chiến trường Nam Bộ. Những động ... |
| Đặc sắc mũi tiến công ngoại giao quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh Ký Hiệp định Paris, Mỹ phải chấp nhận thất bại và lùi một bước về chiến lược, nhưng mưu đồ sâu xa của Mỹ là ... |