Back to E-magazine
e magazine
10:54 | 01/02/2023
Nhiếp ảnh gia tâm huyết, bức ảnh để đời và sự thấu hiểu giá trị của hòa bình

10:54 | 01/02/2023

Với nhiếp ảnh gia Nick Út - tác giả của bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm”, động lực giúp ông vượt qua ranh giới giữa sự sống cái chết là nhìn thấy và chụp lại khoảnh khắc hòa bình.

Với nhiếp ảnh gia Nick Út - tác giả của bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm”, động lực giúp ông vượt qua ranh giới giữa sự sống cái chết là nhìn thấy và chụp lại khoảnh khắc hòa bình.

Là người gắn bó với nghiệp nhiếp ảnh, giờ đây, ông vẫn miệt mài ghi lại những khuôn hình của cuộc sống, những phút giây quý giá của hòa bình… Trong một ngày cuối Thu ở Hà Nội, ông đã có cuộc trò chuyện về những ngày tháng khi bấm máy bức ảnh lịch sử mà sau đó đã góp phần đẩy phong trào phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam ở các nước Phương Tây lên cao.

Dù biết ông đã nói về bức ảnh nhiều lần, nhưng tôi vẫn muốn hỏi: Bối cảnh nào đã dẫn đến bức ảnh đã giúp ông đoạt giải Pulitzer? Tại sao có nhiều phóng viên đã đến chiến trường miền Nam Việt Nam ngày đó mà chỉ mỗi Nick Út chụp được “Em bé Napalm”?

Những năm cuối 1960 đầu 1970, tôi thành phóng viên ảnh chiến trường của Hãng thông tấn AP (Mỹ), được cử đến Việt Nam và Campuchia để tác nghiệp.

Khoảng 7h sáng ngày 08/06/1972, tôi từ Sài Gòn tới Trảng Bàng (Tây Ninh) thì thấy hàng ngàn người chạy về hướng Sài Gòn, người chạy vào rừng, người chạy vào chùa, có người còn dắt theo trâu, bò.

Lúc 12h trưa, khi tôi đang đi ra phía Quốc lộ 1 chuẩn bị lên xe về lại Sài Gòn để gửi hình cho tòa soạn thì thấy một người lính Việt Nam Cộng hòa ném mấy quả lựu đạn khói. Tôi hiểu rằng đó là tín hiệu sắp có ném bom. Sau đó, một chiếc A37 nhào đến bay vòng vòng trên một ngôi chùa, thả hai trái bom làm mọi thứ rung chuyển, khói bốc mù mịt. Ba phút sau, một chiếc A1 Skyraider thả bốn quả bom nữa, cũng là bom Napalm. Tôi hét lên với đồng nghiệp: “Chắc chẳng còn ai trong ngôi làng đó nữa đâu”. Nhưng từ phía cuối màn khói đen kịt, chúng tôi thấy có vài người chạy ra. Một người đàn ông bế một đứa bé có thể đã chết, một người đàn bà khoảng 70 tuổi ôm một đứa nhỏ ba tuổi và kêu: “Hãy cứu cháu tôi!”. Đứa bé này sau đó cũng không qua khỏi. Trên người hai đứa nhỏ đầy vết bỏng do bom gây ra.

Lúc đó, có mười mấy nhà báo quốc tế của các hãng ABC, CBS, NBC… đứng bên đường quốc lộ. Phần lớn họ đều nghĩ khoảnh khắc đứa bé không qua khỏi trên tay người bà mới là bức ảnh “đắt giá”, có sức mạnh tố cáo tội ác của chiến tranh. Ảnh chụp một người chết đúng là có sức mạnh tố cáo; nhưng tôi nghĩ, ảnh chụp một người còn sống (về mặt sinh học) trong hoàn cảnh cụ thể đôi khi có sức nặng hơn nhiều.

Lúc đó, một mặt, tôi cũng chụp cảnh đó như đồng nghiệp của mình; nhưng mặt khác, khi nhìn về hướng chùa Cao Đài, tôi thấy một nhóm trẻ em đang chạy ra, trong đó có một cô bé trần truồng, vừa chạy ra giữa đường vừa gào thét. Đó chính là Kim Phúc, lúc này mới chỉ chín tuổi. Tôi đã chụp rất nhiều. Và bức ảnh đã có được như thế.

Thế rồi sau đó, chuyện gì diễn ra với Kim Phúc, người sau này được gọi là Em bé Napalm - như tên bức ảnh?

Nhiếp ảnh gia tâm huyết, bức ảnh để đời và sự thấu hiểu giá trị của hòa bình

Từ xa, tôi tự hỏi không biết vì sao em bé này không mặc quần áo. Đến gần thì mới tá hỏa khi thấy tay em vẫn đang cháy, da thì tuột hết rồi. Bên tay trái từ cổ xuống cháy gần 80%. Tôi không chụp nữa vì nghĩ nếu tôi cứ đứng chụp, cô bé này sẽ chết mất. Lúc đó, tất cả các phóng viên đều đã rời đi không còn ai. Tôi mới mượn tạm một chiếc áo mưa che cho em bớt nóng. Sau đó, thấy Kim Phúc và mấy đứa nhỏ khác đứng run rẩy trên quốc lộ; xung quanh tan hoang, nóng và khói. Không chần chừ, tôi kêu lái xe chở em đến bệnh viện ở Củ Chi.

Qua lời bọn trẻ, tôi mới biết, lúc mấy đứa đang chơi nhảy dây thì có bom. Kim Phúc hét lên và mấy đứa nhỏ bắt đầu co giò chạy. Ngồi trên xe, Kim Phúc luôn miệng nói với anh trai: “Chắc em chết mất, anh Tâm ơi”. Tôi sợ cô bé chết giữa đường. Quần áo mặc trên người bị cháy xém, toàn thân cũng bị cháy, cô bé không thể ngồi trên ghế mà phải ngồi trên sàn. Cô bé khóc suốt trên xe.

Sau nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi đến bệnh viện Củ Chi. Tôi kêu bệnh viện cấp cứu cho bệnh nhân, nhưng bệnh viện từ chối tiếp nhận vì đã quá tải và nguồn thuốc cạn kiệt. Bác sĩ đề nghị tôi đưa bé về bệnh viện nhi ở Sài Gòn. Nhưng từ Củ Chi về Sài Gòn chạy xe hết hơn tiếng đồng hồ, đi thế thì các em chết hết. Mặc dù nài nỉ cô y tá sơ cứu cho cô bé, nhưng vẫn không được. Thấy khó khăn quá, tôi rút thẻ nhà báo ra, “dọa” rằng, tôi là phóng viên của một tờ báo lớn, nếu bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân, tôi sẽ chụp hình và ngày mai, hình ảnh cô bé và việc bệnh viện từ chối cứu giúp cô bé sẽ lên trang bìa các báo và cả thế giới sẽ biết. Nghe vậy có lẽ họ sợ nên mới đưa băng-ca ra đón Kim Phúc vào trong. Tôi yên tâm hơn, vì nghĩ có bác sĩ giúp, Kim Phúc sẽ sống thôi.

Nhiếp ảnh gia tâm huyết, bức ảnh để đời và sự thấu hiểu giá trị của hòa bình

Những bức ảnh Nick Út đã chụp trong chiến tranh Việt Nam.

Thế rồi bức ảnh đã về đến tòa soạn và được xử lý, tiếp nhận thế nào?

Sau khi Kim Phúc được nhận vô viện, tôi lên xe trở về Sài Gòn. Tôi chạy vào văn phòng đặt tại số 106 đường Nguyễn Huệ. Tôi nói với các nhân viên AP có mặt lúc đó: Có ảnh quan trọng vì nay có bom Napalm. Có một biên tập viên phụ tôi rửa ảnh.

Chỉ 10 phút sau khi nhận được ảnh, người đó hỏi: "Sao chụp nhân vật khỏa thân (naked) vậy, chắc không gửi về được ngay mà cần phải chỉnh sửa"! Nhưng khi Giám đốc văn phòng đi ăn trưa về nhìn thấy tấm hình đã chất vấn: "Tại sao không gửi ảnh về ngay?", và bác bỏ ngay ý định chỉnh sửa ảnh của biên tập viên. Chỉ trong vòng nửa tiếng sau đó, tấm ảnh đã có mặt trên trang bìa của tất cả báo chí quốc tế, là ảnh nguyên gốc, không chỉnh sửa hay biên tập bất kỳ chi tiết nào.

Có lẽ câu chuyện về bức ảnh không dừng lại ở đây phải không, thưa ông?

Ba ngày sau khi chụp tấm hình đó, tôi quay về Trảng Bàng. Trên đường đi, tôi thấy một cặp vợ chồng đang khóc đi tìm con. Tôi đưa bức ảnh ra, người phụ nữ nhận ngay là con gái bà. Tôi bảo: Có thể cô bé không qua khỏi. Bà đi ngay Củ Chi tìm con. Như vậy tấm ảnh cũng đã giúp mẹ Kim Phúc tìm thấy con mình.

Về bức ảnh, sau khi bức ảnh qua khỏi vòng kiểm duyệt (vì yếu tố khỏa thân) và được xuất bản, nhiều tòa báo trên thế giới đã yêu cầu gửi cho họ bức ảnh này. Thực sự nó đã gây chấn động trên toàn thế giới, khiến nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh nổ ra khắp mọi nơi. Nó được cho là đã góp phần vào việc chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam, cũng là minh chứng về sức ảnh hưởng tạo nên sự thay đổi cục diện chiến tranh của nhiếp ảnh chiến trường.

Trước ảnh hưởng lớn của tấm hình, Tổng thống Mỹ Richard Nixon còn tìm cách phủ nhận. Ông nói cô bé trong ảnh bị bỏng dầu ăn (cooking oil) chứ không phải bom Napalm. Sau này, một Tướng Mỹ đã phải xác nhận là bom Napalm và phải xin lỗi vì nhận được thông tin sai từ cố vấn. Bạn bè tôi thì nói đó chính là tấm hình mang lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh, và họ còn chắc chắn tôi sẽ được giải thưởng. Và đúng là năm 1972, tôi được giải World Press, sau đó năm 1973 được giải Pulitzer.

Nhưng sức ảnh hưởng của bức ảnh có lẽ không chỉ nằm ở những giải thưởng…?

Đúng vậy, có thể nói về ảnh hưởng của “Em bé Napalm” đối với người dân Mỹ thời điểm đó là rất lớn. Cũng như mọi người dân trên thế giới, người Mỹ cũng muốn hòa bình. Nhìn hình ảnh Kim Phúc như vậy, không người lính nào muốn chiến đấu. Nhiều người đã đến Việt Nam khi còn trẻ, có người không bao giờ trở về. Khi gặp lại những người lính này về sau lúc họ đã già, nhiều người đã nói cảm ơn tôi, bởi nhờ có tấm ảnh của Kim Phúc mà họ đã hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh, cảm thấy may mắn vì mình được trở về.

Nhiếp ảnh gia tâm huyết, bức ảnh để đời và sự thấu hiểu giá trị của hòa bình

Nick Út và Kim Phúc ngày nay.

Sau 50 năm chụp bức ảnh lịch sử, chiến tranh cũng đã lùi xa, đất nước Việt Nam đang kỷ niệm nửa thế kỷ ngày ký kết Hiệp định Paris, điều gì đọng lại trong ông, một phóng viên chiến trường kỳ cựu?

Hàng năm cứ đến dịp này, tôi lại nhận được nhiều lời mời gặp gỡ, nói chuyện ở khắp nơi. Tôi đã có dịp giới thiệu về bức ảnh với nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới, trong đó có cả Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Giáo hoàng Francis…

50 năm trôi qua, nhưng cái khung hình trong đó có đám trẻ nhỏ chạy ra khỏi đám cháy do bom Napalm vẫn nguyên trong tâm trí tôi. Tôi tự hỏi bao nhiêu người đã chết vì bom đạn, bao nhiêu người còn sống cùng với những di chứng chiến tranh và cũng như đã chết.

Nhiếp ảnh gia tâm huyết, bức ảnh để đời và sự thấu hiểu giá trị của hòa bình

Nhiều năm về trước, trong một lần được mời sang Tokyo (Nhật Bản) nói chuyện, người ta phóng to bức ảnh đó của tôi. Kết thúc sự kiện, tôi mang tấm ảnh đó về Mỹ treo giữa phòng. Thỉnh thoảng mở cửa bước vào phòng, ngồi lặng lẽ trước nó, tôi vẫn rơi nước mắt. Kim Phúc – nhân vật chính của bức ảnh có tay có chân, nhưng tay chân cô đang cháy. Không thể nào quên được.

Khi chụp tấm hình Kim Phúc, tôi mới hơn 20 tuổi. Có đôi lúc khi đang chụp ảnh trên chiến trường, tôi cũng khóc. Nhưng hồi đó, tôi còn trẻ, chưa có gia đình, chẳng có gì để mất, đồng nghĩa với việc tôi chẳng biết sợ là gì. Còn nay tôi đã già rồi. Tôi còn gia đình, còn những đứa cháu. Trên cơ thể tôi, vẫn còn những vết sẹo của chiến tranh. Với Kim Phúc, dù đã qua chín lần phẫu thuật, những vết sẹo vẫn còn đó và gây đau, gây ngứa. Những vết sẹo ở đó mãi mãi, không bao giờ mất đi, để nhắc tôi nhớ rằng chiến tranh đáng sợ như thế nào. Giờ đây thấy đất nước, từ Nam ra Bắc, ai cũng vui sống trong hòa bình, tôi rất vui.

Nhiếp ảnh gia tâm huyết, bức ảnh để đời và sự thấu hiểu giá trị của hòa bình

Tuy không mang máy ra chiến trường, nhưng tôi vẫn có thể chụp ảnh hòa bình. Trong chiến tranh, cảnh một anh cảnh sát chĩa súng vào người biểu tình và một cô gái chĩa bông hồng vào người lính đều là những hình ảnh quá đẹp. Và không cần phải ra chiến trường, những bức ảnh như vậy cũng có tác động chống chiến tranh rất lớn.

Nick Út trong hòa bình sẽ chụp ảnh gì? Lời khuyên của ông cho lớp trẻ?

Nhiếp ảnh gia tâm huyết, bức ảnh để đời và sự thấu hiểu giá trị của hòa bình

Nick Út và các sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Như lúc này, đến Hà Nội, tôi vẫn chụp mọi thứ. Chụp từng gương mặt. Chụp những chiếc xe chở đầy hoa đi trên đường. Chụp cảnh quan thủ đô, chụp những người lớn tuổi đang nhảy đầm trong công viên…. Tôi nghĩ Hà Nội hay ở đâu thì 10 năm sau tất cả cũng sẽ khác. Lời khuyên của tôi cho các em phóng viên trẻ là hãy cứ nên bấm máy chụp thật nhiều. Bởi trong tương lai, nhờ đó, chúng ta sẽ lưu được đầy đủ những tư liệu của ngày hôm nay.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Nguyễn Kim | Ảnh: TGCC, TGVN | Đồ họa: Lim Dim

Đọc thêm

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.
Nước Nga - Những ký ức không xa và 'bản tình ca' theo năm tháng

Nước Nga - Những ký ức không xa và 'bản tình ca' theo năm tháng

Với Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh (nhiệm kỳ 2018-2021), bạn bè ông hay nhiều thế hệ người Việt từng đi qua những tháng năm chiến tranh rồi bỡ ngỡ bước chân vào hòa bình, Liên Xô, nước Nga, lý tưởng của người Nga đẹp đẽ vô cùng… “Tình yêu” ấy đến nay vẫn bỏng cháy và thiêng liêng.
OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, từ ngày 2-3/5, tại thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2024 (MCM 2024).
Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-27/4, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu dành trọn một ngày tham gia nhiều hoạt động ở Ninh Bình.
Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

ASEAN không phải dấu cộng của các cuộc họp, ASEAN là một hành trình. Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) cũng không phải là tổng các phiên thảo luận, tiếp xúc mà là những ý tưởng vô tận với ý nghĩa đặc biệt “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”.
Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

AWEN - “ngôi nhà chung” cho doanh nhân nữ ASEAN, là dấu ấn đẹp của Việt Nam trong việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân nữ trong khu vực, đồng thời khơi dậy tiềm năng của họ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện trong ASEAN.