"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị chia sẻ với báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. |
|
Quan hệ giữa Việt Nam và Brazil có những liên hệ từ lịch sử. Năm 1912, trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thời gian hoạt động và làm việc tại thành phố Rio de Janeiro. Đại sứ có thể chia sẻ thêm về câu chuyện lịch sử này và ý nghĩa đặc biệt của sự kiện đối với quan hệ Việt Nam - Brazil? Năm 1912, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã có một thời gian quan trọng trong cuộc đời của mình tại Brazil. Người đã đặt chân tới thành phố Rio de Janeiro trên hành trình tìm đường cứu nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa cá nhân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn có ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Trong thời gian ở Rio de Janeiro, Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp trong một nhà hàng tại khu phố Lapa sầm uất sang trọng – nơi tụ hội của các quan chức chính quyền và giới thượng lưu và Người sống trong một nhà trọ, nơi lưu trú của những phu phen, thợ thuyền, nhân dân lao động thuộc khu phố nghèo Santa Teresa. Thời gian sinh sống ở đây đã giúp cho Nguyễn Tất Thành cơ hội tìm hiểu và nhận thức rõ hơn về thực tiễn cuộc sống, sự đối xử bất công và áp bức của giai cấp tư sản thống trị với giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động, từ đó góp phần hình thành nên tư tưởng cách mạng của Người về đấu tranh giai cấp, đòi quyền tự do, bình đẳng thông qua những thông tin tìm hiểu được từ cuộc nổi dậy thắng lợi của các thủy thủ vào năm 1911 và tiếp xúc với José Leandro da Silva, một lãnh đạo công đoàn người da đen đến từ bang Pernambuco, người đã lãnh đạo một cuộc đình công tại Cảng Rio vào năm 1912. Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động tại Rio de Janeiro, Brazil là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ sớm giữa hai dân tộc. Nó thể hiện rằng mặc dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước chúng ta có những điểm chung là yêu quý tự do, độc lập và công bằng và tinh thần đấu tranh quả cảm để đạt được những quyền này. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - một chân lý thiêng liêng, một khát vọng cháy bỏng của Người trên hành trình tìm đường cứu nước cũng có sự đồng điệu với tuyên bố bất hủ của Hoàng tử Pedro: "Độc lập hay là chết". Cả hai lời tuyên bố, dù xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng chung một mục tiêu: Tự do và độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Ngày nay, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Tôi mong muốn và đánh giá cao tầm quan trọng của việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa nhân dân hai nước thông qua việc thúc đẩy hợp tác về văn hóa - giáo dục, thể thao - du lịch, các chương trình giao lưu, trao đổi học thuật, thanh niên, học sinh, sinh viên, các giới chức, các bộ, ban, ngành và địa phương hai nước. Đây là việc làm hết sức cần thiết có ý nghĩa chiến lược, góp phần tạo dựng nền tảng nhân dân vững chắc cho phát triển và củng cố quan hệ bền chặt, một tương lai tươi sáng lâu dài giữa hai nước chúng ta. |
|
Qua 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đặc biệt từ sau khi xác lập khuôn khổ2 Đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam-Brazil đã đạt được những dấu mốc quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đại sứ đánh giá thế nào về những thành tựu này? Năm 2024 đánh dấu việc quyết tâm đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (8/5/1989-8/5/2024) và 17 năm Đối tác toàn diện Việt Nam – Brazil (5/2007-5/2024). Điều này được thể hiện thông qua các chuyến thăm cấp cao, đối thoại hiệu quả và tăng cường hợp tác trên các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân, các lĩnh vực kinh tế thương mại, nông nghiệp, khoa học-công nghệ đổi mới sáng tạo, công nghệ hàng không vũ trụ, văn hóa, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân. Quan hệ này đã và đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, hợp tác chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy, trong khi quan hệ kinh tế thương mại ngày càng gia tăng. Kể từ khi Thông cáo chung được đưa ra trong chuyến thăm chính thức tới Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (9/2023), mối quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Brazil đã thực hiện hai chuyến thăm cấp Bộ trưởng đến Việt Nam. Chuyến thăm đầu tiên là của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Luciana Santos vào tháng 11/2023, nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học then chốt. Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mauro Vieira thăm Việt Nam vào tháng 4/2024, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế, thương mại và tăng cường trao đổi văn hóa. Đặc biệt, Bộ trưởng Mauro Vieira cũng chuyển thư mời của Tổng thống Brazil tới Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro. Về mặt kinh tế và thương mại, Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và xếp thứ hai trong khu vực châu Mỹ, chỉ sau Mỹ. Ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Brazil trong ASEAN. Mối quan hệ thương mại giữa hai nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, điều này thể hiện rõ qua kim ngạch thương mại đạt khoảng 7,11 tỷ USD trong năm 2023. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4,7 tỷ USD và xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD các mặt hàng sang Brazil. Trong 9 tháng đầu năm 2024, trao đổi thương mại song phương đạt xấp xỉ 5,8 tỷ USD, tăng 14.3% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil đạt gần 2 tỷ USD, nhập khẩu từ Brazil đạt hơn 3,8 tỷ USD. Ngoài ra, các lĩnh vực như nông nghiệp, khoa học - công nghệ, văn hóa, cũng như công nghệ bán dẫn, hàng không vũ trụ đang được hai nước tích cực thúc đẩy. Đặc biệt, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân cũng được gia tăng, góp phần nâng cao hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Năm 2024 cũng là thời điểm các bộ, ngành cần chủ động đề xuất những sáng kiến mới và triển khai hiệu quả các cam kết đã ký kết, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Brazil. |
|
Trong các cuộc tiếp xúc, Lãnh đạo hai nước đều cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt trong những lĩnh vực mới nổi. Theo Đại sứ, hai bên có thể khai thác thế mạnh và tiềm năng này thế nào để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ song phương? Trong Thông cáo chung giữa Việt Nam và Brazil được công bố vào 9/2023, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực đối thoại chính trị, kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, môi trường, chuyển đổi năng lượng tái tạo, quốc phòng an ninh, văn hoá, giáo dục, thể thao thành tích cao, đặc biệt là bóng đá, du lịch và các lĩnh vực khác, coi đây là cơ sở để thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân mỗi nước. Về nông nghiệp, Việt Nam nổi tiếng với nhiều nông sản chất lượng cao như gạo, cà phê, hạt điều và thủy, hải sản. Trong khi đó, Brazil là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới. Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về nông nghiệp vào tháng 9/2023 về xây dựng một kế hoạch hành động cho phép thiết lập cơ chế tham vấn kỹ thuật lâu dài. Mục tiêu chung là tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa thị trường và xác định các cơ hội thương mại mới cho cả hai nước. Hai nước có thể hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật canh tác mới, cũng như xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Brazil có những công ty công nghệ lớn và phát triển mạnh mẽ. Việt Nam, với nguồn nhân lực trẻ và sáng tạo, có thể hợp tác chặt chẽ để phát triển các sản phẩm công nghệ mới và cung cấp dịch vụ IT cho thị trường toàn cầu. Cả hai nước cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Năng lượng tái tạo là một lĩnh vực rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Brazil và Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ với chương trình nghị sự về môi trường và đều là những nước đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực của mình. Brazil có hệ thống năng lượng sạch nhất hành tinh với 80% năng lượng tiêu thụ trong nước đến từ các nguồn tái tạo như thủy điện, gió, mặt trời và sinh khối, trong khi Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ các dự án năng lượng mặt trời và gió. Hai nước có thể hợp tác trong việc chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy sự chuyển đổi năng lượng bền vững. Văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân bên cạnh đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông là những yếu tố quan trọng giúp xây dựng mối quan hệ bền vững giữa hai dân tộc. Chúng ta có thể thúc đẩy các chương trình trao đổi học giả, sinh viên, học sinh, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quan hệ giữa nhân dân hai nước. Việc tổ chức các khóa học về ngôn ngữ và văn hóa cũng rất cần thiết để tăng cường giao lưu và hợp tác trong tương lai. |
|
Năm 2024 là một năm đặc biệt trong quan hệ hai nước, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm dấu mốc 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ có thể chia sẻ thêm về các hoạt động này và những dự định trong thời gian tới để tăng cường hơn nữa giao lưu văn hoá, kết nối người dân hai nước? Năm 2024 quả là một năm đáng nhớ trong quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Brazil. Để kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (8/5/1989-8/5/2024), hai nước đã tổ chức một loạt hoạt động phong phú và ý nghĩa, cụ thể như sau: Về trao đổi đoàn cấp cao, trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil Roberto Perosa đã đến thăm Việt Nam vào tháng 3/2024 và tiếp theo đó là chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Brazil Mauro Vieira vào tháng 4/2024. Về phía Việt Nam, đoàn cấp cao của Trung ương Đảng do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung làm trưởng đoàn sang thăm Brazil vào tháng 8/2024 và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 từ ngày 18-19/11. Về các hoạt động hợp tác kinh tế, Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo thương mại Brazil-Việt Nam (3/2024) và hội thảo về nhiên liệu sinh học mang tên Tọa đàm Ethanol (4/2024). Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil cũng đã gặp gỡ, làm việc với Liên đoàn Công nghiệp bang Rio de Janeiro (FIRJAN) vào tháng 3/2024; thăm và làm viêc với lãnh đạo bang Mato Grosso và bang Goias, phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp bang Mato Grosso - FIEMT tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp tại thủ phủ Cuiabá vào tháng 9/2024 với sự có mặt của một số công ty lớn đang có hoạt động thương mại với Việt Nam; chia sẻ về các tiềm năng hợp tác giữa bang Goias với Việt Nam tại lễ khai mạc Hội chợ Thương mại, dịch vụ và du lịch của bang (FECOMERCIO-GO) tháng 10/2024. Về giao lưu văn hoá, thể thao, Brazil cử huấn luyện viên và đội tuyển bóng đá sang giao lưu tại Việt Nam và mời đội tuyển Việt Nam sang Brazil tập huấn và tham gia các trận đấu giao hữu nhân dịp kỷ niệm quan trọng này. Hiệp định khung song phương về Hợp tác Kỹ thuật giữa hai nước gần như đã được hoàn tất và khi thỏa thuận này được ký kết, nhiều khả năng hợp tác sẽ được mở ra. Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam trong năm 2024 tổ chức các hoạt động văn hoá như triển lãm tranh của họa sĩ nổi tiếng người Brazil Marianita Luzzati; buổi hòa nhạc của Cristian Budu, nghệ sĩ piano nổi tiếng người Brazil, cùng dàn nhạc Sun Group; và phần biểu diễn của nghệ sĩ guitar nổi tiếng Diego Figeredo trong lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Brazil vào tháng 9/2024; buổi hòa nhạc của đoàn ca múa nhạc Mặt Trời - Brazil vào tháng 10/2024. Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil phối hợp với Hội hữu nghị Brazil-Việt Nam (ABRAVIET) và bạn bè, đối tác Brazil tổ chức chuỗi hoạt động nhân dịp 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước như triển lãm ảnh 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (5/2024), 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm thực hiện di chúc của Người; tổ chức các buổi họp báo, gặp gỡ chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa và đất nước, con người Việt Nam; tổ chức buổi trưng bày tranh, ảnh về đất nước, con người và quá trình đấu tranh giành độc lập của Việt Nam và chiếu phim về thành tựu đối ngoại Việt Nam trong năm 2024 nhân dịp 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đặc biệt, trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 11 tới đây, chúng ta sẽ tổ chức sự kiện Ngày Việt Nam tại Brazil (15-17/11) tại thành phố Rio de Jeneiro và phối hợp với chính quyền thành phố khánh thành biển kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây - nơi Người từng sống và làm việc trong năm 1912 trên hành trình đi tìm đường cứu nước. Trong thời gian tới, Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, thể thao du lịch, tăng cường thông tin, tuyên truyền đối ngoại, đưa hình ảnh Việt Nam tới Brazil và hình ảnh Brazil đến với Việt Nam. Tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương của hai nước tăng cường trao đổi, kết nối tạo ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Tôi tin rằng, với những nỗ lực không ngừng của hai phía, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brazil sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và sớm nâng lên một tầm cao mới. |
|
Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và tiến hành một số hoạt động song phương tại Rio de Janeiro, Brazil sắp tới, Đại sứ có thể chia sẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng và những điểm nhấn của sự kiện quan trọng này tại diễn đàn đa phương cũng như đối với quan hệ song phương Brazil và Việt Nam? Hội nghị thượng đỉnh G20 là một diễn đàn quan trọng, nơi các nhà lãnh đạo các nước lớn thảo luận về các vấn đề toàn cầu, từ kinh tế, chính trị đến môi trường. Với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, Hội nghị sẽ tập trung vào ba vấn đề chính: Cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng; Ba khía cạnh của phát triển bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường); và Cải cách quản trị toàn cầu. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sự kiện Hội nghị lần này cho thấy các vấn đề thảo luận hoàn toàn phù hợp với những mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết. Điều này không chỉ khẳng định vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác với các quốc gia thành viên. Một trong những điểm nhấn quan trọng trong Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ là các cuộc họp song phương giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo khác, nơi Việt Nam có thể bàn bạc, thúc đẩy các vấn đề cụ thể về các thỏa thuận hợp tác. Ngoài ra, đây là dịp để Việt Nam đóng góp vào các phiên thảo luận chung đối với các vấn đề cấp bách như chống đói nghèo, bất bình đẳng, phát triển bền vững và cải cách quản trị toàn cầu. Những chủ đề này cũng rất quan trọng cả Brazil và Việt Nam. Bên cạnh việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng sẽ tham dự các hoạt động ngoại giao văn hoá chào mừng kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Brazil (8/5/1989 - 8/5/2024). Hoạt động này góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, định hướng cho thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam và Brazil chia sẻ nhiều nguyên tắc chung trong chính sách đối ngoại. Cả hai đều cam kết và đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Qua đó, củng cố và phát huy nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp để thúc đẩy hợp tác cả trên bình diện song phương và đa phương một cách sâu sắc, mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới nâng cấp quan hệ Việt Nam-Brazil lên tầm cao mới vì lợi ích nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở cả hai khu vực và trên thế giới. Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ! Thực hiện: Đức Khải | Thiết kế: Lim Dim | Nguồn ảnh: TGVN, TTXVN... |