Hồ Chủ tịch và Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt Nam Jean Sainteny cùng các vị dự lễ ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. (Ảnh tư liệu) |
Đó là những chiếc xe bò chở đầy xác người chết đói lộc cộc đi về nơi chôn cất; đó là hình ảnh người nước ngoài thay nhau xuất hiện trên đường phố: hết ông Tây, bà đầm ngạo nghễ đến những tên quân phiệt Nhật lầm lì rồi lũ lượt đạo quân Trung do Quốc dân Đảng mà dân ta gọi là “Tầu ô” nhếch nhác…
Những ấn tượng đầu tiên
Thế rồi cuộc mít tinh trên quảng trường Nhà hát lớn bỗng biến thành cuộc biểu tình rầm rộ lan tỏa khắp phố phường, tiếp đến là sự kiện quần chúng đánh chiếm Bắc Bộ phủ và trại bảo an binh ở phố Hàng Bài và lễ tuyên ngôn độc lập trên Ba Đình… Ấn tượng nhất đối với bọn trẻ con chúng tôi là Tết Trung thu độc lập đầu tiên với cuộc tập trận giả sôi động trên hồ Hoàn Kiếm, những mâm cỗ và “bàn thờ Tổ quốc” với chân dung Cụ Hồ ở giữa được bày dọc phố Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Gai…
Còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa của những sự kiện rung trời chuyển đất diễn ra trên khắp nước, kể cả sự ra đời của Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, trong đó có Bộ Ngoại giao do chính Bác kiêm chức Bộ trưởng - cái lĩnh vực sau này tôi phục vụ hầu như suốt đời, khi thì ở Bộ Ngoại giao, khi rẽ sang Bộ Thương mại và cả khi được phân công phụ trách công tác đối ngoại trong Trung ương Đảng và Chính phủ.
Về những sự kiện lớn như Hiệp định Sơ bộ mùng 6/3, các cuộc hòa đàm trên Đà Lạt và ở Fontainebleau cũng như Tạm ước 14/9, tôi chỉ biết khi đã trưởng thành, qua đó cảm nhận được Bác Hồ cùng các đồng sự của Người đã kiên quyết bảo vệ quyền độc lập của dân tộc và sự thống nhất của giang sơn như thế nào và đã nỗ lực ra sao để tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến khó bề tránh khỏi.
Kháng chiến bùng nổ, tôi theo bố lên Việt Bắc và được vào học Trường thiếu sinh quân trung ương, nhờ vậy đã được tận hưởng những thành quả của ngoại giao! Số là, sau thắng lợi của chiến dịch biên giới năm 1950, Bác Hồ đã bí mật sang thăm Trung Quốc rồi Liên Xô, tranh thủ bạn công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và viện trợ cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, trong đó có việc đào tạo cán bộ, nhờ vậy, chúng tôi đã được đưa sang Quảng Tây học tập.
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, 100 anh chị em chúng tôi bỗng được đưa sang Liên Xô học tiếng Nga để làm phiên dịch! Học được chỉ hơn một năm, bỗng nhiên tôi được gọi ra công tác tại Đại sứ quán nước ta tại Moscow khi chưa đầy 20 tuổi, bước vào lĩnh vực ngoại giao đầy huyền bí! Nói là làm ngoại giao cho “oai” chứ thực ra lúc ấy tôi phải làm mọi việc thượng vàng hạ cám: phiên dịch, lễ tân, quản trị, đưa đón…; đối tác chủ yếu chỉ là các bà thư ký và liên lạc, các ông lái xe, dọn tuyết… chứ có phải chính khách cao siêu nào đâu!
Nhân dân và lực lượng vũ trang thủ đô Hà Nội mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu) |
Góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp
Kể từ ngày đó và mấy chục năm sau, tôi đã được chứng kiến, thậm chí dần dần được tham gia ngày càng nhiều công việc, sự kiện ngoại giao lớn nhỏ của đất nước. Trải qua một cuộc bể dâu, biết bao câu chuyện, tâm tình muốn chia sẻ nhưng làm sao có thể giãi bày trong một bài viết ngắn ngủi, do đó chỉ xin tóm lược đôi điều.
Một là, nhân dân ta là dân tộc duy nhất trên thế giới đã phải tiến hành chiến tranh cứu nước tới ba lần trong gần 40 năm trời kể từ sau ngày giành được độc lập; “vấn đề Việt Nam và Đông Dương” từng trở thành chủ đề của ba cuộc đàm phán quốc tế với sự tham gia của cả năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc! Đằng sau những đại sự ấy là trí não, công sức của biết bao người trong cuộc đấu sức, đấu trí với đối phương, vừa tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của cộng đồng thế giới.
Hai là, chưa kịp hàn gắn những vết thương chiến tranh trầm trọng, nước ta lại bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị với cái cớ ngụy tạo là “xâm lược Campuchia”, trong khi các nước đồng minh chủ yếu của nước ta là Liên Xô và các nước Đông Âu trượt dần vào khủng hoảng và chuyển đổi chế độ! Một lần nữa, nước ta lại rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” và ngoại giao lại xung trận nhằm nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi sự hiểm nghèo mới. Ngày nay nước ta đã mở rộng quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đồng thời tham gia chủ động, tích cực các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu, thậm chí có lúc, có nơi được tín nhiệm bầu vào các cơ quan lãnh đạo - điều hành, từ đó gia tăng sức mạnh và nâng cao vị thế của nước nhà.
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan. (Nguồn: biengioilanhtho) |
Ba là, dù đất nước đã thống nhất và tận hưởng hòa bình trong mấy chục năm nay song trong một thế giới đầy biến động, bảo vệ Tổ quốc tiếp tục là một nhiệm vụ chiến lược không thể lơi lỏng. Để thực hiện nhiệm vụ nặng nề ấy, hoạch định và củng cố cơ sở pháp lý biên giới-lãnh thổ là một yêu cầu cực kỳ quan trọng.
Cùng với các ngành và các địa phương hữu quan, lần đầu tiên trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, ngoại giao Việt Nam đã lần lượt đàm phán và ký kết hàng loạt hiệp định về biên giới trên bộ với Trung Quốc, gia tăng độ dày biên giới với Lào, hoàn tất đàm phán về trên 85% chiều dài biên giới với Campuchia; liên quan tới các vùng biển đã ký kết hiệp định khai thác chung với Malaysia trong vùng chồng lấn, phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc và với Thái Lan trong vịnh Thái Lan, phân chia thềm lục địa với Indonesia cùng với những nỗ lực kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của nước nhà trên biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đi đôi với những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Bốn là, góp phần mở đường và cùng các ngành hữu quan tiến hành các cuộc đàm phán song phương và đa phương, tháo gỡ vướng mắc khó khăn nhằm mở rộng thị trường, tranh thủ viện trợ và đầu tư phát triển đất nước. Những thành tựu theo hướng này vừa hỗ trợ cho quan hệ chính trị mà còn góp phần phát triển mạnh mẽ tiềm lực của đất nước-chỗ dựa cho việc nâng cao vị thế quốc tế. Một lĩnh vực hợp tác quốc tế quan trọng khác mà ngoại giao đã ghé vai thúc đẩy là văn hóa, giáo dục, đào tạo, hợp tác khoa học-công nghệ, bảo vệ công dân, chăm lo công tác người Việt ở nước ngoài…
Năm là, ngoại giao Việt Nam không chỉ tập trung phấn đấu cho lợi ích thiết thân của quốc gia-dân tộc mà còn không ngừng góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, hợp tác giữa các quốc gia trên toàn cầu.
Bản “kê khai” một cách khô khan và sơ lược về những việc ngoại giao Việt Nam đã làm được cho thấy phạm vi, quy mô những công việc lớn nhỏ đã làm được Đảng và Nhà nước đánh giá bằng hai Huân chương Sao vàng vào năm 1995 và 2015. Nhân đây cũng cần nhấn mạnh rằng, khái niệm “ngoại giao” ở đây không chỉ là một mình ngành ngoại giao cho dù nó đóng vai trò nòng cốt, tiên phong trong đội ngũ hùng hậu của những người làm công tác đối ngoại bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành ngoại giao ở trong và ngoài nước hoàn toàn có quyền ngẩng cao đầu, tự hào về những gì lớp lớp các thế hệ nối tiếp nhau đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước và cuộc đấu tranh cam go vì những lẽ phải lớn của thời đại.
Ngọn hải đăng chỉ đường cho ngoại giao Việt Nam là những tư tưởng lớn của Bác Hồ - “cha đẻ” của nền ngoại giao hiện đại. Chỗ dựa vững chắc cho mọi thắng lợi trên mặt trận ngoại giao là “thực lực” - nhân tố Bác Hồ từng nhấn mạnh. Thực lực ở đây bao gồm sức mạnh cứng và cả sức mạnh mềm vô cùng phong phú trong nền văn hiến Việt Nam, làm cho trường phái ngoại giao Việt Nam ngày một rực rỡ với những nét đặc trưng nổi bật là “kiên định về mục tiêu, hòa hiếu về bản chất, linh hoạt trong hành động, nhân văn trong ứng xử”.
| Ngoại giao hoà mục, hòa hiếu trong dựng nước và giữ nước Hòa mục, hòa hiếu luôn là một bản sắc xuyên suốt trong các hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ thời đại phong kiến ... |
| Ngành Ngoại giao cùng khát vọng phát triển của các địa phương Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, với phương châm tiên phong, tư duy phục vụ, tập trung thúc đẩy phát triển, Bộ ... |
| Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gửi thư chúc mừng 77 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2022), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ... |
| Khởi đầu nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh Đối với những người làm công tác đối ngoại, những ngày tháng Tám lịch sử cách đây 77 năm không chỉ là mốc son chói ... |
| Công tác đối ngoại: Vững niềm tin giữa biến động Công tác đối ngoại sáu tháng đầu năm ghi nhận những kết quả nổi bật, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, ... |