Tinh thần hòa mục, hòa hiếu là một bản sắc xuyên suốt trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam sau hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước - Ảnh: Trụ sở Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đường lối đối ngoại Việt Nam luôn có tính kế thừa, chọn lọc những điều tinh hoa, tinh tuý nhất từ kinh nghiệm cha ông để lại qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Một trong số đó là tinh thần hoà mục, hoà hiếu, hữu nghị, nhân văn, nhân nghĩa.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2022), hãy cùng nhìn lại giá trị cao đẹp trên trong quá trình lịch sử, và xuyên suốt cho đến ngày hôm nay.
Nội hàm
Hoà mục là chung sống hoà thuận. Hoà hiếu là yêu chuộng hoà bình và cũng mang nghĩa khôi phục lại mối quan hệ hoà thuận. Đây luôn là một bản sắc xuyên suốt trong các hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ thời đại phong kiến. Không những vậy, hoà mục, hoà hiếu còn là một nội hàm trong ngay trong chính sách đối nội. Điều này đã được thể hiện trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Việt Nam là một quốc gia nhỏ luôn nằm trong tầm ngắm của các nước lớn. Vì thế, việc duy trì quan hệ hữu hảo với các nước, nhất là các nước lớn luôn là nhiệm vụ tối quan trọng. Tuy nhiên, việc hoà mục, hoà hiếu không đồng nghĩa với nhượng bộ. Bởi lẽ, tinh thần hòa hiếu của Việt Nam dựa trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Khi cần chiến đấu để bảo vệ đất nước trước sự tấn công của các thế lực bên ngoài, nhân dân Việt Nam vẫn đứng lên. Nhưng ngay khi hoà bình lập lại, Việt Nam lại chủ động bày tỏ mong muốn tiếp tục làm bạn và hợp tác với các “cựu thù”.
Như vậy, có thể thấy hoà mục, hoà hiếu đã là nội hàm trong chính sách đối nội của dân tộc từ xa xưa. Đồng thời, tinh thần ấy cũng được đưa vào đường lối đối ngoại – cánh tay nối dài của chính sách đối nội, kết hợp, áp dụng một cách uyển chuyển trong từng giai đoạn lịch sử nhằm tạo nên một môi trường “nội yên, ngoại tĩnh” để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Qua các triều đại phong kiến
Trong lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam đã luôn chủ trương thi hành chính sách “trong xưng Đế, ngoài xưng Vương” khi chấp nhận triều cống, “thần phục” các triều đại phong kiến Trung Quốc về mặt danh nghĩa, song vẫn kiên quyết giữ nền độc lập của dân tộc, không chấp nhận lệ thuộc.
Hiểu rộng hơn, hoà mục, hoà hiếu cũng bao hàm duy trì nội bộ hoà thuận để xử lý các vấn đề quan trọng. Ví dụ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã chủ động hoà giải với Thừa tướng Trần Quang Khải để xóa bỏ hiềm khích hai bên, đoàn kết chống giặc Nguyên. Sau này, ông đã coi đây là yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi cuối cùng: “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức”.
Tinh thần nhân văn, nhân ái cũng là một đặc điểm lớn trong triển khai ngoại giao hoà mục, hoà hiếu của Việt Nam. Có thể nói, đây là một nét đặc sắc và đáng tự hào, thể hiện sự khoan dung độ lượng của dân tộc,“sức mạnh mềm” của đất nước. Việt Nam luôn đối xử nhân văn, có lý, có tình với láng giềng, kể cả đó là kẻ thù, như khi ngay sau Hội thề Đông Quan, vua Lê Lợi từng đảm bảo cho tướng Minh, Vương Thông rút lui an toàn, thậm chí còn cấp lương, thuyền, ngựa cho quân Minh rút về nước.
Tinh thần hòa hiếu của Việt Nam dựa trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Khi cần chiến đấu để bảo vệ đất nước trước sự tấn công của các thế lực bên ngoài, nhân dân Việt Nam vẫn đứng lên. Nhưng ngay khi hoà bình lập lại, Việt Nam lại chủ động bày tỏ mong muốn tiếp tục làm bạn và hợp tác với các “cựu thù”. |
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ
Xây dựng tình hữu nghị là con đường ngắn nhất liên kết các dân tộc bị áp bức nhằm đòi lại tự do, hoà bình. Ngay sau khi thành lập (1930), Đảng Cộng sản Đông Dương đã linh hoạt thực hiện đường lối đối ngoại để chủ động xây dựng mối bang giao hoà hảo với các dân tộc, dân chủ, các Đảng khác ở nước ngoài vì mục tiêu chung. Điều này được thể hiện rõ qua việc Đảng tích cực vận động phong trào “phòng thủ Đông Dương” năm 1938 chống xu hướng thỏa hiệp, đầu hàng đế quốc Nhật.
Xuyên suốt kháng chiến chống Pháp, công tác ngoại giao đã tích cực thể hiện tinh thần hòa hiếu với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước Đông Dương, đưa hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình tới nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Pháp, giúp tạo dư luận ủng hộ, làm tiền đề cho ký kết Hiệp định Geneva năm 1954.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương bày tỏ thiện chí, thái độ tôn trọng đối với Pháp trong ngôn từ trên báo chí, qua trao đổi cũng như trong hành động, đơn cử như khi Việt Nam trao trả 228 tù nhân và nhân viên dân sự Pháp năm 1950.
Sau Hiệp định Geneva, “nội yên, ngoại tĩnh” là một trong những phương châm nổi bật của ngoại giao Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã khéo léo cân bằng các mối quan hệ nhằm vừa kiến thiết miền Bắc, vừa phục vụ cho công cuộc thống nhất hai miền. Việt Nam cũng chủ trương tuyên truyền tinh thần hành xử nhân văn, nhân nghĩa xuyên suốt cuộc kháng chiến.
Cách đãi ngộ tốt của Đảng, Nhà nước với tù binh Mỹ, Ngụy, bất chấp các hành động tàn phá, tội ác chiến tranh của họ đã phần nào chứng minh tính chính danh cho cuộc kháng chiến của đất nước, nhân dân Việt Nam.
Phương châm ngoại giao này đã góp phần tạo dư luận quốc tế thuận lợi, phục vụ thế “vừa đánh vừa đàm”, tiền đề quan trọng dẫn tới Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, hướng tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau 30 năm kháng chiến.
(còn tiếp)
(*) Hoàng Gia Mỹ, Đỗ Thị Ngọc Thúy, Đỗ Thúy Hòa, Nguyễn Thanh Vân, Phạm Trang Nhã, Trần Đăng Thành
| Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia chào mừng Quốc khánh và ngày thành lập Ngành Ngày 28/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Saudi Arabia tổ chức dâng hương lên Bác Hồ nhân kỷ niệm lần thứ 77 ... |
| Ngoại giao kinh tế là động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh và bền vững Sau 12 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) ... |
| Hội thao chào mừng 77 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Sáng ngày 27/8, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2022), Công đoàn Bộ tổ chức Hội thao chào mừng ... |
| Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gửi thư chúc mừng 77 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2022), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ... |
| Cán bộ Ngoại giao thăm ‘địa chỉ đỏ’ - Nhà Truyền thống Bộ Ngoại giao Sáng ngày 26/8, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu Đoàn cán bộ tham quan Nhà Truyền thống Bộ nhân dịp kỷ niệm ... |