📞

80% người mắc ung thư liên quan đến môi trường sống

20:02 | 13/12/2016
Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo “Chương trình quốc gia phòng chống ung thư: Vai trò của giám sát và đánh giá” diễn ra ngày 12/12 tại Hà Nội.

Báo động về vấn đề ung thư

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, giống như các nước trong khu vực và các nước đang phát triển, Việt Nam đang đối mặt với bệnh tật kép: bệnh lây nhiễm, mới nổi và bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư đang là vấn đề báo động.

Năm 2012, trên toàn thế giới có 14,1 triệu trường hợp ung thư mới mắc, 8,2 triệu ca tử vong do ung thư và 32,6 triệu người sống với ung thư (trong vòng 5 năm chẩn đoán). Trong đó, 57% các trường hợp ung thư mới, 65% các ca tử vong ung thư và 48% các trường hợp ung thư hiện mắc 5 năm xảy ra ở các vùng kém phát triển.

Theo ông Khuê, việc gia tăng số lượng bệnh nhân ung thư có thể do biến đổi khí hậu, lối sống thay đổi, ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm nhưng cũng có thể bởi tiến bộ khoa kỹ thuật giúp phát hiện sớm bệnh, người dân có ý thức đi khám hơn.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Vân Chi)

Trong khi đó, PGS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Trung ương, Viện trưởng Nghiên cứu phòng chống ung thư cho rằng, ung thư đang trở thành thảm họa sức khỏe thầm lặng. 80% bệnh nhân ung thư có liên quan đến môi trường sống hàng ngày, bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen sinh hoạt, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn. Nhiều bệnh ung thư có thể ngăn ngừa bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố nguy cơ cao như khói thuốc lá, một số hóa chất độc hại.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, ung thư sẽ trở thành nhóm bệnh chủ yếu (chiếm 54% nguyên nhân gây tử vong) đe dọa đến sức khỏe con người trong khi nhóm bệnh nhiễm trùng sẽ bị đẩy xuống hàng thứ yếu (chỉ chiếm 16%).

Để phòng và kiểm soát ung thư tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về phòng, chống bệnh ung thư giai đoạn 2015-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, với các giải pháp toàn diện, tổng thể, từ xây dựng các chính sách, kế hoạch hành động, đến các hoạt động chuyên môn về dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị và quản lý bệnh; các hoạt động về truyền thông giáo dục sức khoẻ, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế; thiết lập hệ thống giám sát...

Kinh phí phòng chống ung thư giảm mạnh

Dù đã có nhiều kế hoạch, chương trình về phòng chống ung thư nhưng theo ông Thuấn, kinh phí dành cho việc phòng chống ung thư đang ngày càng giảm, hiện chỉ còn khoảng 30% so với năm 2008.

Tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Hoài Nga, Giám đốc Trung tâm chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Ung bướu Trung ương cho biết, kinh phí thực hiện dự án năm 2011 là 38 tỷ Đồng trên 27 tỉnh tham gia thì đến năm 2014 giảm mạnh chỉ còn 12,5 tỷ trong khi số tỉnh tham gia lên tới 37 tỉnh thành. Mặc dù năm 2016, con số này có nhích thêm nhưng không đáng kể.

Chi phí điều trị ung thư đang giảm mạnh. (Nguồn: Tạp chí Bệnh viện)

“Chúng ta thường tập trung nguồn lực cho công tác điều trị ung thư, trong khi ngân sách dành cho hoạt động ghi nhận ung thư hiện nay còn rất hạn chế. Đây cũng là việc làm rất cần thiết trong công tác phòng chống ung thư”, Bác sĩ Bùi Đức Tùng, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cảnh báo.

Thời gian tới, dự án phòng chống ung thư quốc gia vẫn đặt quyết tâm huy động nguồn lực từ trung ương tới địa phương nhằm tiếp tục thực hiện chương trình. Theo đó, giai đoạn từ năm 2016 – 2020 sẽ mở rộng từ 38 tỉnh lên 63 tỉnh thành tham gia dự án phòng chống ung thư giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh ung thư; nâng cao năng lực của nhân viên y tế, phấn đấu đạt 80% cán bộ y tế hoạt động trong dự án được đào tạo về dự phòng và phát hiện sớm một số bệnh ung thư phổ biến, phấn đấu trên 70% tỉnh, thành có cơ sở phòng chống ung thư như khoa ung bướu, trung tâm hoặc bệnh viện ung bướu, 20% số người mắc mới một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm...